Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Từ giữa tháng 10 đến nay, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai ở các địa phương. Những chương trình được tổ chức đa dạng về nội dung, hình thức, giúp đông đảo người dân nâng cao hiểu biết về các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp, thu hút hàng trăm nghìn công nhân lao động. Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, Phòng Tư pháp và Huyện đoàn Việt Yên đã biên soạn, in 10 nghìn tờ rơi cấp phát cho thanh niên công nhân. Nội dung chủ yếu về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Việt Yên kiểm tra, hướng dẫn công tác hòa giải tại thôn Phù Ninh, xã Ninh Sơn.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Việt Yên kiểm tra, hướng dẫn công tác hòa giải tại thôn Phù Ninh, xã Ninh Sơn.

Không đợi đến tuần cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (từ 6/11 đến 10/11), năm nay huyện Việt Yên là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho gần 1 nghìn hòa giải viên trên địa bàn.

Theo ông Đặng Khắc Lạng, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện, thông qua tập huấn, nghiệp vụ, kiến thức của các hòa giải viên được nâng lên, góp phần tháo gỡ nhiều mâu thuẫn kinh niên gây bức xúc ở địa phương. Ví như các thành viên của tổ hòa giải thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn giúp cặp mẹ chồng, nàng dâu cùng thôn hóa giải xích mích nhiều năm nay.

Ở mỗi địa phương, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Các tổ dân phố ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) lồng ghép nội dung giáo dục, phổ biến pháp luật qua hội nghị, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ từ cuối tháng 10. Tại bộ phận một cửa của phường, tủ sách hơn 400 cuốn luật các loại luôn mở phục vụ miễn phí người dân có nhu cầu tìm hiểu.

Khi giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch phường luôn tận tình giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu, làm đúng theo quy định. Bên cạnh đó, các bài tuyên truyền liên quan đến những vấn đề nóng ở địa phương như: Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hay một số dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, quyền lợi của người dân đều được biên soạn, phát sóng trên loa phát thanh.

Từ ngày 1/1/2013, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật chính thức có hiệu lực, lấy ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam). Qua đây đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, quyền và trách nhiệm nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu và tự giác chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng, củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn pháp luật.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay có nhiều điểm mới. Thay vì UBND tỉnh tổ chức lễ ra quân thì UBND các huyện, TP sẽ chủ động tổ chức ra quân triển khai. Các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Ví như đẩy mạnh thông tin pháp luật, phổ biển giáo dục pháp luật trên các trang thông tin điện tử, thông qua tổng kết các cuộc thi trực tuyến, tọa đàm giao lưu, đối thoại, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Ngày 24/10, Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bắc Giang" tổ chức tổng kết và trao giải cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về THADS; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đa dạng hóa hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Mỗi huyện, TP khi chọn chủ đề đều nghiên cứu kỹ để hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Ví như huyện Lạng Giang chọn chủ đề “Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi pháp luật”; huyện Hiệp Hòa lựa chọn chủ đề “Tích cực cải cách hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp”.

Huyện Tân Yên triển khai hoạt động theo chủ đề “Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”… Vừa qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; phối hợp với các cơ quan đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp về chỉ số thành phần "Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự". Phòng Tư pháp các huyện, TP tổ chức các hội nghị hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở...

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành thông lệ, là dịp để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân tích cực tìm hiểu, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Hình thức tổ chức đa dạng, đổi mới, giúp người dân thay đổi nhận thức dẫn đến chuyển biến về hành vi”.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/414626/huong-ung-ngay-phap-luat-viet-nam-9-11-lan-toa-tinh-than-thuong-ton-phap-luat.html