Hướng tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bền vững

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, vì vậy các chuyên gia cho rằng, cần hướng tới sử dụng thuốc BVTV an toàn, bền vững để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và an toàn cho người sử dụng.

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại Tọa đàm: "An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”

Các nước tiên tiến trên thế giới có sử dụng thuốc BVTV

Ngày 8/12 vừa qua, chia sẻ tại Tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Cục bảo vệ thực vật tổ chức cùng sự đồng hành của EPMA, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam (VIPA) cho biết: Theo thống kê của FAO, hàng năm, dịch hại trên toàn thế giới làm thất thoát khoảng 30% - 50% năng xuất tùy theo loại cây trồng (không kể những trường hợp mất trắng). Để phòng trừ chúng, con người phải dùng đến 35 tỷ USD thuốc nhưng đã thu lại gấp 10 lần (350 tỷ USD).

Hiện nay, không riêng ở Việt Nam mà các nước tiên tiến trên thế giới đều phải sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật lớn trong nông nghiệp, sử dụng không đúng theo quy định sẽ tác hại đến môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

“Thuốc BVTV đã để lại dấu ấn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thực tế là rất nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới sử dùng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại hại. Loài người vẫn tiếp tục tìm kiếm các hoạt chất, các dạng sản phẩm mới, dễ dùng hơn, có hiệu lực trừ sinh vật gây hại cao hơn, thân thiện hơn với môi sinh môi trường" - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch VIPA cho biết, các nước tiên tiến cũng đều sử dụng hóa chất và thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp

Tuy nhiên, để tìm được một hoạt chất BVTV mới không đơn giản. Các thuốc BVTV mới phải trải qua nhiều công đoạn tổng hợp, vượt qua nhiều yêu cầu đánh giá ngày càng khắt khe và nghiêm ngặt của các quốc gia về hiệu lực, sự an toàn đối với người, sinh vật có ích, môi trường của các thuốc mới.

“Trong tương lai, nhiều thuốc BVTV mới vẫn tiếp tục ra đời, lượng thuốc BVTV được sử dụng ngày càng tăng cả về giá trị và khối lượng (dù lượng sử dụng/ha canh tác của các thuốc BVTV mới giảm rất đáng kể). Nhưng việc dùng thuốc BVTV trên thế giới có nhiều thay đổi, góp phần quan trọng vào việc đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm” – ông Sơn nói thêm.

Thuốc BVTV có độ độc cao bị cấm sử dụng tại Việt Nam

Liên quan đến việc cấp phép và sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam, Chủ tịch VIPA nhấn mạnh, Chính phủ đã, đang và sẽ xây dựng hệ thống văn bản, qui phạm pháp luật về thuốc BVTV ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, dựa trên cơ sở Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Hóa chất, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ Môi trường, các Nghị định của chính phủ, của Bộ NN&PTNT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm định chất lượng, dư lượng và khảo nghiệm thuốc BVTV kết hợp với các hướng dẫn của FAO, hài hòa với các nguyên tắc quản lý thuốc BVTV của các nước ASEAN, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đặc biệt, khuyến khích đầu tư nghiên cứu sản xuất, phát triển và đăng ký sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học tiên tiến, ít độc hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Tại Việt Nam, theo quy định chỉ dùng thuốc thuộc nhóm độc V (hệ GHS, nhóm ít độc nhất), mới được dùng cho cây lương thực, thực phẩm và cây ăn quả. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, hầu hết các loại thuốc BVTV quá độc cho con người và môi sinh đã bị cấm và loại khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam. Có thể nói danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam thuộc một trong những danh mục tiên tiến trên thế giới gồm nhiều thuốc BVTV hiện đại, ít độc với người và môi trường.

Cụ thể, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2023 bao gồm 1.820 hoạt chất với 4.537 tên thương phẩm (loại thuốc). Trong đó nhóm thuốc trừ sâu chiếm nhiều nhất với 712 hoạt chất và 1.725 tên thương phẩm. Tiếp đến là thuốc trừ bệnh có 683 hoạt chất với 1.561 loại thuốc, thuốc trừ cỏ có 260 hoạt chất với 791 tên thương phẩm...Đặc biệt, các thuốc đăng ký sử dụng trên rau, quả, chè đều có thời gian cách ly ngắn, độ độc thấp.

Nhận định chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững và giá trị cao là hợp lý. Tuy nhiên, Chủ tịch VIPA cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân cần được tiếp cận kịp thời và bình đẳng với những giải pháp - công cụ canh tác tiên tiến nhất, trong đó có thuốc BVTV.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-toi-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-an-toan-ben-vung.html