Hướng tới mục tiêu giảm số người tử vong do bệnh dại

Theo các chuyên gia, bệnh dại hoàn toàn có thể được ngăn chặn thông qua các chương trình toàn diện như: Tiêm chủng, tuyên truyền giáo dục và giám sát chủ nuôi, vật nuôi.

Hội nghị khoa học Thú y châu Á (FAVA) 2023 đề cập đến các giải pháp phòng bệnh dại lây sang người. Ảnh: BTC

Việt Nam đã đặt mục tiêu xóa bỏ tỷ lệ người tử vong do bệnh dại vào năm 2030, thông qua chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030.

Hiện, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung vẫn là một “điểm nóng” về bệnh dại, với hàng triệu người dân có nguy cơ mắc bệnh. Tình hình lây lan bệnh dại tại khu vực này cũng gia tăng và xuất hiện những ca nhiễm mới ở những nơi chưa từng ghi nhận các ca mắc. Một số yếu tố dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh dại tại khu vực gồm: Số lượng lớn chó thả rông và chưa được tiêm phòng; tỷ lệ tiêm phòng vaccine ở thú cưng và vật nuôi thả rông còn thấp; hạn chế về nguồn lực và việc tiếp cận nguồn vaccine cho vật nuôi; tình trạng lây lan bệnh dại xuyên biên giới.

Tại Hội nghị khoa học Thú y châu Á (FAVA) 2023 vừa diễn ra tại Kuching, Malaysia, các chuyên gia đã thảo luận về sự phức tạp trong việc kiểm soát bệnh dại, tính cấp thiết của việc hợp tác đa lĩnh vực và xuyên biên giới để giúp khu vực Đông Nam Á sớm hoàn thành mục tiêu đẩy lùi bệnh dại.

Đặc biệt, tại sự kiện, Sách Trắng "Hướng tới một Đông Nam Á không còn bệnh dại" do Boehringer Ingelheim và Eco-Business phối hợp thực hiện đã được công bố; với mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi bệnh dại tại Đông Nam Á, cụ thể là tập trung vào các nước như: Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Sách Trắng "Hướng tới một Đông Nam Á không còn bệnh dại" nhấn mạnh những thách thức cụ thể cho từng quốc gia, đồng thời nêu các giải pháp do nhiều chuyên gia đưa ra, dựa trên cách tiếp cận nhằm cân bằng và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật One Health; đồng thời, chia sẻ các đề xuất để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược toàn cầu “Zero by 30” (Đến năm 2030 thế giới không còn người chết vì bệnh dại), nhằm chấm dứt tình trạng người tử vong vì bệnh dại đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, bệnh dại hoàn toàn có thể được ngăn chặn thông qua các chương trình toàn diện bao gồm nhiều biện pháp như tiêm chủng, tuyên truyền giáo dục và giám sát chủ nuôi, vật nuôi. Từ việc hiểu rõ thực trạng bệnh dại trong khu vực, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, bác sĩ thú y, chủ nuôi và cộng đồng để tiến tới mục tiêu đẩy lùi bệnh dại ở Đông Nam Á, cải thiện sức khỏe cho con người và động vật.

PV

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/huong-toi-muc-tieu-giam-so-nguoi-tu-vong-do-benh-dai-20231107142853917.htm