Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

Hướng nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được ngành Ngân hàng Phú Yên thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: LÊ HẢO

6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu và sức hấp thụ vốn trên địa bàn tỉnh còn thấp, dẫn đến tín dụng toàn ngành tăng chậm. Từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng Phú Yên định hướng tăng trưởng nhanh tín dụng đi đôi với chất lượng và an toàn vốn vay, tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tín dụng tăng trưởng chậm

Phát biểu tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên cho biết: Ngành Ngân hàng bước vào năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức, khi tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trên thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát khiến mặt bằng lãi suất của thế giới tăng cao, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, một số ngân hàng Mỹ và châu Âu đổ vỡ vào đầu năm...

Trong nước, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, tạo áp lực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân suy giảm, khiến nợ xấu tăng cao...

Trong bối cảnh khó khăn chung, NHNN chi nhánh Phú Yên đã nỗ lực điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, tín dụng toàn ngành trên địa bàn có xu hướng tăng chậm, phản ánh nhu cầu và sức hấp thụ vốn còn thấp.

Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 46.409 tỉ đồng, tăng 985 tỉ đồng, tương đương tăng 2,11% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Cụ thể, đến hết quý II/2023, dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng lần lượt tăng 2,35%, 11,55% so với cuối năm 2022, tương ứng chiếm 26,26% và 17,08% tổng dư nợ trên địa bàn. Dư nợ tín dụng lĩnh vực xuất khẩu tăng 16,2%; công nghiệp hỗ trợ tăng 19,05%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 1,49%.

Trong khi đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát; tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông chỉ chiếm 0,13%, còn tín dụng lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 2,07% tổng dư nợ trên địa bàn.

Theo NHNN chi nhánh Phú Yên, những tháng đầu năm nay, mặc dù thanh khoản hệ thống dồi dào, chưa bị giới hạn bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng mức tăng vẫn thấp so cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, bất động sản)…

Phát huy vai trò kênh dẫn vốn

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, những tháng cuối năm nay, ngành Ngân hàng Phú Yên tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, các văn bản chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh để triển khai thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“NHNN chi nhánh Phú Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng nhanh tín dụng đi đôi với chất lượng và an toàn vốn vay, chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”, ông Đặng Hồng Lĩnh nói.

Ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: Đến 30/6/2023, dư nợ tín dụng toàn chi nhánh đạt 11.965 tỉ đồng, tăng 0,75% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chiếm trên 75% với hơn 38.000 khách hàng; cơ cấu dư nợ khách hàng hộ sản xuất và cá nhân trên 82%; hơn 90% nguồn vốn đầu tư tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN chi nhánh Phú Yên, từ nay đến cuối năm, Agribank Phú Yên tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp người dân và doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Còn theo ông Dương Xuân Phương, Giám đốc BIDV Phú Yên, những tháng cuối năm nay, chi nhánh sẽ điều hành tăng trưởng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. BIDV Phú Yên cũng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và tăng trưởng lĩnh vực xanh; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả...

Thời gian tới, NHNN chi nhánh Phú Yên cần tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng dư nợ tín dụng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực sản xuất sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Phó Chủ tịch UBND tỉnh

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/303397/huong-tin-dung-vao-san-xuat-kinh-doanh-linh-vuc-uu-tien.html