Hướng Tân quan tâm công tác xuất khẩu lao động

Thời gian qua, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa luôn quan tâm công tác xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, nhiều người dân trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

 Nhiều lao động ở xã Hướng Tân được tư vấn về lợi ích khi tham gia xuất khẩu lao động - Ảnh: K.S

Nhiều lao động ở xã Hướng Tân được tư vấn về lợi ích khi tham gia xuất khẩu lao động - Ảnh: K.S

Những năm về trước, kinh tế gia đình anh Trần Hữu Nghĩa và chị Lê Thị Hương ở thôn Tân Vĩnh chủ yếu dựa vào cây cà phê. Siêng năng làm lụng quanh năm nhưng do con đông nên đời sống của gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, sau khi được chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị xuất khẩu lao động (XKLĐ) đến tư vấn, hướng dẫn, anh chị quyết định cho con gái đầu là Trần Thị Phương Nguyên đi làm việc tại Nhật Bản. Nhờ có được công việc phù hợp với năng lực, siêng năng làm việc nên mức lương của Nguyên ngày càng ổn định, tháng nào cũng gửi về gia đình 20 triệu đồng. Nhờ số tiền con gái gửi về, anh Nghĩa và chị Hương có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và nuôi các con ăn học chu đáo, đến đầu năm 2021 gia đình anh Nghĩa thoát nghèo. Hiện tại con gái thứ hai của anh chị sinh năm 2002 cũng đang làm các thủ tục để đi XKLĐ ở Nhật Bản.

Anh Trần Hữu Nghĩa phấn khởi cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi từ trước đến giờ chỉ trông chờ vào rẫy cà phê để sinh hoạt và lo cho 5 người con ăn học nên rất vất vả. Nhờ con gái đầu đi XKLĐ kiếm được công việc, thu nhập ổn định chúng tôi rất vui. Từ thực tế này và qua tham khảo tư vấn của các đơn vị XKLĐ, vợ chồng tôi quyết định cho con gái thứ hai đi làm việc ở nước ngoài để tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định. Hy vọng sau này xong hợp đồng lao động, các con trở về quê hương sẽ có được nguồn vốn để đầu tư làm ăn”.

Xã Hướng Tân có nền kinh tế thuần nông, lấy cà phê làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, những năm trở lại đây do cà phê trồng lâu năm, phần lớn diện tích bị già cỗi, đất đai bạc màu nên chất lượng và sản lượng cà phê sụt giảm. Mặt khác, giá cà phê không ổn định làm cho nhiều hộ nông dân gặp khó khăn. Để giải quyết bài toán về việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, xã Hướng Tân đã vận động, khuyến khích lao động tham gia các sàn giao dịch tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua XKLĐ. Tổ chức tư vấn, giúp người dân tìm hiểu đầy đủ về thị trường lao động ở các nước. Thấy được công việc và mức thu nhập phù hợp từ XKLĐ nên bước đầu có khá nhiều thanh niên ở địa phương đăng ký. Đến nay, tâm lý e ngại đi lao động xa xứ đã không còn là rào cản đối với người dân nơi đây, qua các kênh truyền thông, nhiều lao động trong xã đã lựa chọn con đường XKLĐ để tìm kiếm việc làm, góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm tại địa phương.

Ở xã Hướng Tân hiện nay, những gia đình cho con em XKLĐ như gia đình anh Nghĩa, chị Hương không còn là chuyện hiếm. Từ chỗ chỉ có 1 đi XKLĐ vào năm 2012 thì đến nay toàn xã đã có gần 40 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường mà lao động xã Hướng Tân lựa chọn chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Ngành nghề được đăng ký khá đa dạng như xây dựng, cơ khí, chăm sóc người già, phục vụ quán ăn, vệ sinh môi trường… Thu nhập của lao động tại những nước này cơ bản ổn định, trên dưới 20 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với làm nương rẫy thì đây là nguồn thu nhập ổn định và cao hơn nhiều lần. Do vậy, các hộ gia đình ở Hướng Tân có con em đi XKLĐ rất yên tâm. Một số lao động hết hạn 3 năm đăng ký xin gia hạn, một số hộ gia đình có cả hai vợ chồng hoặc 2 - 3 anh em ruột cùng XKLĐ. Có được kết quả này, hằng năm xã đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó coi trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm tư vấn cho lao động địa phương về mục đích, hiệu quả của XKLĐ…

Tiềm năng nguồn lao động ở Hướng Tân còn tương đối dồi dào do nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm, học sinh tốt nghiệp THPT xác định lập nghiệp bằng con đường học nghề và lao động phổ thông khá đông. Vì thế, việc định hướng cho lực lượng lao động này về con đường lập nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định được địa phương đặc biệt quan tâm. Bí thư Đảng ủy xã Hướng Tân Lê Thị Hội cho biết: “Trong lĩnh vực tạo việc làm, tăng thu nhập để hướng tới giảm nghèo bền vững cho người dân thì XKLĐ được địa phương chú trọng. Thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình ở xã có con em đi nước ngoài làm việc đã có thu nhập ổn định, hỗ trợ gia đình rất nhiều trong cuộc sống, nhất là đầu tư sản xuất, xây dựng và sửa sang nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay lao động đi nước ngoài làm việc ở xã chủ yếu là con em của thôn Tân Vĩnh và Tân Linh, đây là hai thôn kinh tế mới. Hướng Tân có trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất khó khăn. Do đó, thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người trong độ tuổi lao động tìm hiểu việc làm qua kênh tư vấn của các đơn vị XKLĐ uy tín để đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó ưu tiên lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156475&title=huong-tan-quan-tam-cong-tac-xuat-khau-lao-dong