Hướng phát triển mới của Tập đoàn Ant Group

Nhà phân tích Anjani Trivedi nhận định con đường phía trước của Ant Group có vẻ vẫn rất khó khăn. Với sự chuyển đổi mới, liệu Ant Group sẽ trở thành một công ty như thế nào?

Ant Group lên kế hoạch cho đợt IPO lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Reuters

Tương lai của Tập đoàn tài chính công nghệ Ant Group vẫn “mờ mịt” sau sự kiện bất ngờ bị Bắc Kinh chặn phát hành cổ phiếu công khai lần đầu tiên (IPO) vào đầu tháng 11/2020.

Mặc dù vậy, các nhà quản lý Trung Quốc dường như đã tạm ngừng lệnh “phong tỏa” đối với Ant Group và tập đoàn này đang xem xét chuyển đổi thành một công ty sở hữu tài chính, sẵn sàng cho việc sẽ bị quản lý như một ngân hàng thương mại, thay vì hoạt động như một công ty tài chính công nghệ (fintech) theo định hướng ban đầu.

Tuy nhiên, trong bài viết do hãng tin Bloomberg đăng tải và được tờ Australian Financial Review khai thác, nhà phân tích Anjani Trivedi nhận định con đường phía trước của Ant Group có vẻ vẫn rất khó khăn. Với sự chuyển đổi mới, liệu Ant Group sẽ trở thành một công ty như thế nào?

* Chuyển hướng để phát triển

Theo tác giả Anjani Trivedi, các công ty hoạt động như ngân hàng không chỉ huy việc định giá theo kiểu công nghệ. Tuy nhiên, trong một thị trường tài chính tiêu dùng đang bùng nổ ở Trung Quốc, dự kiến đạt khối lượng 3.000 tỷ nhân dân tệ (464 tỷ USD) trong vòng bốn năm tới, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao và đó là “điểm đến” mà Ant Group đang hướng tới.

Quan trọng hơn là các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang cố gắng điều hành nguồn cung và cầu trong nước sao cho phù hợp với cái mà họ gọi là chiến lược tuần hoàn kép. Để làm được điều đó, tín dụng cần phải chảy được đến các hộ gia đình một cách hiệu quả.

Bắc Kinh có lẽ đã nắm bắt được quy luật đó, minh chứng là thu nhập khả dụng của Trung Quốc ngày càng tăng, thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng tốt hơn trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, dòng chảy này hiện đang chậm lại. Điều này có nghĩa là các nhà chức trách cần một giải pháp khác để giữ cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển.

Vào năm 2019, số lượng khách hàng tài chính tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Á đã tăng lên gần 130 triệu, cao hơn 50% so với năm trước. Bắc Kinh nhận thức được điều này là một yếu tố tích cực cho nền kinh tế quốc gia.

Các dữ liệu công bố cho thấy mối tương quan ngày càng tăng giữa tăng trưởng cho vay tiêu dùng và doanh số bán lẻ trong nước. Giữa bối cảnh đó, Ant Group có thể đóng một vai trò lớn hơn bằng cách tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này, thay vì những gì mà tập đoàn này đã thực hiện trong quá khứ.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã tìm cách khuyến khích sự phát triển hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như các đơn vị ngân hàng hiện có. Ping An Insurance, một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Trung Quốc, đã sớm nhận được sự chấp thuận thành lập một công ty tài chính tiêu dùng mới hoạt động tương tự Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một trong những nhà cho vay bằng tài sản lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cũng nới lỏng các hạn chế đối với những doanh nghiệp cho vay dạng này và mở rộng các kênh cấp vốn bằng cách cho phép huy động các loại vốn khác nhau, bao gồm cả trái phiếu tuân thủ yêu cầu vốn độ cấp 2.

Ant Group cũng đã bắt kịp xu hướng đó. Vào tháng 8/2020, tập đoàn này thâu tóm 50% cổ phần trong một công ty tài chính tiêu dùng mới, được thành lập với sự tham gia của Ngân hàng Thương mại Nanyang, nhà sản xuấn pin năng lượng Contemporary Amperex Technology và một số nhà đầu tư khác. Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc, sau đó một tháng, đã phê duyệt hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng nói trên.

Để đáp lại “ý tốt” từ phía các cơ quan quản lý của chính phủ, Ant Group sẽ phải đảm bảo với các nhà chức trách rằng tập đoàn sẽ giúp đỡ và không cản trợ chương trình nghị sự của họ. Ví dụ, hệ thống chấm điểm tín dụng Zhima của Ant Group có thể thực hiện chức năng làm giảm bớt lo lắng về việc các ngân hàng phải gánh vác các khoản cho vay rủi ro và trong kế hoạch lớn hơn, phù hợp với mục tiêu của chính phủ là bảo vệ “ví tiền” của các hộ gia đình.

* Mở ra những cơ hội mới

Việc trở thành một công ty dịch vụ tài chính rõ ràng và tránh xa các hoạt động của một “gã khổng lồ” fintech mờ nhạt là không quá khó khăn đối với Ant Group. Phần khó là cam kết vốn. Nhưng với vai trò là một công ty tài chính tiêu dùng, Ant Group có thể huy động vốn thông qua tiền gửi từ các cổ đông trong nước.

Tập đoàn cũng sẽ được phép vay vốn từ các ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu tài chính. Phần lớn công ty tài chính tiêu dùng được Bắc Kinh cấp phép đều có các ngân hàng thương mại hậu thuẫn phía sau.

Nhưng điều này có thể khiến cho việc định giá cổ phiếu của Ant Group trong lần IPO tới đây sụt giảm đáng kể so với mức giá “siêu khủng” được tính toán trước đó. Dù vậy, một mô hình kinh doanh mạnh mẽ hơn, ít phụ thuộc hơn vào chi phí mua lại thấp và các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận có thể thực sự tồn tại cùng lúc với hoạt động kinh doanh thanh toán được tập trung hơn của Ant Group.

Kinh nghiệm thực tiễn rõ nét nhất là trường hợp của LendingClub Corp, một trong những nền tảng cho vay tiêu dùng fintech lớn nhất ở Mỹ. Khởi đầu, công ty này hoạt động như một sàn giao dịch cho người đi vay và người cho vay, với kỳ vọng thúc đẩy sự cải thiện của hệ thống ngân hàng.

Sáu năm sau ngày ra mắt, LendingClub đã mua một ngân hàng. Hướng phát triển mới giúp cung cấp nguồn vốn rẻ hơn cho LendingClub đồng thời tạo cơ chế đễ dàng hơn cho hoạt động quản lý của các nhà chức trách. Kể từ thời điểm đó, cổ phiếu của LendingClub đã tăng vọt liên tục.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng từ các lực lượng thị trường ở Mỹ cho đến các cơ quan quản lý ở Trung Quốc, dường như đều có sự hội tụ về vị trí mà các công ty fintech lớn nên được đặt vào trong các hệ thống tài chính và mục đích mà các công ty này cần phục vụ./.

Diệu Linh (TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huong-phat-trien-moi-cua-tap-doan-ant-group/183319.html