Hướng mở từ Mường Cúc

Tự tin vào sức trẻ với khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhanh nhạy, hơn chục thanh niên ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn gặp nhau ở ý tưởng làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, thích ứng với nhu cầu thị trường và kết quả là HTX Nông nghiệp...

Vườn cây giống khuyến nông đồng thời là điểm giới thiệu, giao dịch của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mường Cúc tại khu Trung Tâm 2, xã Thu Cúc.

(baophutho.vn) - Tự tin vào sức trẻ với khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhanh nhạy, hơn chục thanh niên ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn gặp nhau ở ý tưởng làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, thích ứng với nhu cầu thị trường và kết quả là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mường Cúc đã được thành lập. Hướng đi mới phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tiễn cũng như định hướng chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Sơn, xã Thu Cúc đã mang lại những kết quả bước đầu khả quan. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương đã được các thành viên HTX nâng lên tầm cao mới với hiệu quả kinh tế vượt trội…

Vượt qua lối mòn

Sinh năm 1992 ở khu Bặn, xã Thu Cúc, anh Hà Văn Sao có nhiều điều kiện thuận lợi hơn chúng bạn cùng trang lứa khi được gia đình quan tâm cho ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc, được nhận về dạy tại một trường thuộc tỉnh Lai Châu, những tưởng ước mơ đã toại nguyện, nhưng sau mấy năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, cái “máu” làm kinh tế trong người của anh trỗi dậy đã thôi thúc anh quyết định xin nghỉ việc về quê làm kinh tế trong sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp và người thân. Đất quê Thu Cúc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, giao thương thuận lợi nhưng nông phẩm phần lớn vẫn chỉ phục vụ nhu cầu lương thực, thức ăn chăn nuôi quanh vùng nên giá trị hàng hóa thấp, hiệu quả kinh tế thu về không cao; nông dân quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng mà cuộc sống vẫn túng thiếu. Cất công tìm hiểu, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia về sản xuất nông nghiệp, được chính quyền xã tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích, động viên, anh Sao cùng 11 đoàn viên thanh niên trong xã quyết định thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mường Cúc. Anh Hà Văn Sao là Giám đốc HTX. HTX tập trung vào hoạt động cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương theo chương trình OCOP… và thu gom rác thải sinh hoạt cho các hộ dân khu vực trung tâm xã.

Anh Hà Văn Sao (bên trái)- Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mường Cúc và Chủ tịch UBND xã Thu Cúc Nguyễn Xuân Việt trao đổi thiết kế mẫu mã sản phẩm mật ong.

Vừa lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp truyền thống vừa tìm kiếm, phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở nhu cầu thị trường, liên kết tiêu thụ và từng bước đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, đến nay, HTX đã có năm sản phẩm chủ lực là rượu ngô, mật ong, chè xanh, cam đường canh và nho hạ đen. Đứng ra mở trụ sở giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương ngay tại trung tâm xã, Giám đốc Hà Văn Sao tự tin chia sẻ: Các sản phẩm của HTX đều có nhãn mác ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Trung bình mỗi năm chúng tôi sản xuất 20.000 lít rượu ngô, 1.000 lít mật ong, 1.000kg chè xanh, 500 tấn cam đường canh. Hai vụ vừa qua, HTX đã trồng thử nghiệm giống nho hạ đen và có kết quả rất khả quan, lợi nhuận cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống khác. Thu nhập của các hộ thành viên nhờ đó cũng được nâng lên, từng bước phát triển ổn định. Vấn đề quan trọng là giữ vững chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu và uy tín để liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là mục tiêu và cũng là hướng mở để HTX phát triển bền vững…

Thành viên Trần Kim Lợi (khu Tân Lập, xã Thu Cúc) với mô hình nho hạ đen trồng thử nghiệm năm thứ hai.
Tư duy mới trên đồng đất cũ

Từng công tác nhiều năm tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, Chủ tịch UBND xã Thu Cúc Nguyễn Xuân Việt rất tâm đắc với ý tưởng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết sản xuất. Dành nhiều thời gian cùng trao đổi ý tưởng, xây dựng kế hoạch hoạt động và trực tiếp thiết kế nhãn mác, bao bì, kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX, đồng chí Chủ tịch UBND xã bộc bạch: “Thế mạnh, kinh tế chủ lực của xã hiện giờ vẫn là các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp. Vậy nên mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân chỉ đạt hiệu quả cao, bền vững khi tìm được hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và nhu cầu thị trường. Từ kết quả bước đầu của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mường Cúc, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, đánh giá để có kế hoạch nhân rộng, phát triển với những điều chỉnh phù hợp…”.

Không chỉ với xã Thu Cúc, sản xuất nông, lâm nghiệp hiện cũng đang là thế mạnh, “trụ cột” kinh tế của Tân Sơn. Đồng chí Phan Minh Đức- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Sơn khẳng định: “Những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân quan tâm chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Giá trị kinh tế từ các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp đã có hiệu ứng tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trong huyện. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện, chưa tạo được sức bật, động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, đặc thù theo chuỗi liên kết sản xuất giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là phát triển và nâng cao giá trị nông sản, lâm sản của huyện theo liên kết chuỗi. Trong đó xác định sản phẩm chủ lực, đặc thù là chè xanh, gỗ, đại gia súc và gà nhiều cựa”.

Hàng loạt các giải pháp đồng bộ đã được huyện triển khai như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; chuyển giao kiến thức, kỹ thuật canh tác hiện đại, tư vấn hướng nghiệp; hỗ trợ vốn đầu tư; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC; xây dựng các hợp tác xã sản xuất, chế biến chè sạch và mở rộng vùng nguyên liệu chè xanh an toàn; bảo tồn nguồn gen, mở rộng chăn nuôi gà nhiều cựa theo quy trình VietGAP; xây dựng các trang trại chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao… đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Vẫn là những nông sản truyền thống trên đồng đất cũ, nhưng với tư duy mới, cách làm sáng tạo đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá trị hàng hóa của nông sản và hiệu quả sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ được nâng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, sung túc. Diện mạo nông thôn mới sẽ hiện hữu trên khắp các vùng quê.

Thanh Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202110/huong-mo-tu-muong-cuc-180085