Hướng Hóa nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Xác định giáo dục mầm non là bậc học nền tảng đầu tiên của hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Những năm qua, cùng với các trường khu vực vùng đồng bằng, ven biển, các trường mầm non khu vực miền núi ở huyện Hướng Hóa luôn chủ động nỗ lực, phấn đấu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Các trẻ Trường Mầm non A Túc, xã Lìa, huyện Hướng Hóa được giáo dục, trải nghiệm hoạt động lễ hội truyền thống của địa phương -Ảnh: Đ.V

Trường Mầm non A Túc, xã Lìa, huyện Hướng Hóa có 100% trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện cơ sở vật chất giáo dục, dụng cụ giảng dạy và đồ chơi cho trẻ tại đây còn hạn chế.

Do đó, nhà trường đã tái sử dụng một số đồ dùng đã hỏng, các nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở địa phương để làm một số đồ dùng dạy học với mục đích nhằm tạo ra một không gian trải nghiệm sinh động, gần gũi cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ đã trở thành việc làm thường xuyên của nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Mầm non A Túc Lâm Thị Thu cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thời gian qua, nhà trường đã tích cực thực hiện công tác chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trong đó, nhà trường chú trọng các hoạt động trải nghiệm, khám phá; đưa những hoạt động truyền thống của địa phương, lễ hội cồng chiêng, nghề truyền thống, nghệ nhân, nhạc cụ truyền thống, trò chơi dân gian... vào hoạt động trải nghiệm để giáo dục trẻ có thêm hiểu biết, thẩm thấu về những giá trị truyền thống của quê hương mình ngay từ nhỏ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức các hoạt động bán trú như: tổ chức bữa ăn, giấc ngủ và các hoạt động chăm sóc vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện giáo dục cho trẻ hình thành các kỹ năng để chuẩn bị bước vào lớp 1.

“Đặc biệt, nhà trường đã chú trọng xây dựng môi trường giàu ngôn ngữ, tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ. Trong công tác này, với việc nhà trường hiện có gần 80% giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số là một ưu thế trong việc giúp trẻ nhanh chóng tiếp thu, nắm bắt, thực hành tốt ngôn ngữ tiếng Việt để học tập, rèn luyện tốt hơn”, cô Thu cho biết.

Tại Trường Mầm non Tân Long, xã Tân Long hiện nay cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng của nhà trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang.

Môi trường trong lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc, thiết kế an toàn, trang trí đẹp mắt; khuôn viên trường học được chăm sóc xanh - sạch - đẹp, có các khu vui chơi vận động, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.

Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Long Nguyễn Thị Hằng thông tin, trong thời gian qua, nhà trường đã chú trọng thực hiện những giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Theo đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với từng địa phương, điều kiện của từng lớp và khả năng của trẻ ở từng độ tuổi; giúp trẻ được tiếp cận với tiếng Anh và Tin học ở trong chương trình giáo dục.

Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, trong đó chú trọng bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Giáo viên được tiếp cận về Tin học, ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng các kiến thức, phương pháp giáo dục tiến bộ vào chăm sóc, giáo dục trẻ một cách hiệu quả.

Cùng với đó, nhà trường tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ để giúp giáo viên tổ chức các hoạt động giảng dạy một cách linh hoạt, hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp với phụ huynh trong công tác giáo dục, chăm sóc trẻ tại gia đình. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong các ngày lễ, ngày hội ở nhà trường một cách thiết thực, gần gũi và đạt hiệu quả.

Toàn huyện Hướng Hóa có 60 trường học các cấp, trong đó khối mầm non có 26 trường với trên 7.300 học sinh. Đến nay, huyện đã có 8 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 33,3%. Việc chủ động triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường mầm non trên địa bàn đã giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Thông qua đó đã tác động tích cực đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, đặt nền móng vững chắc để trẻ tự tin khi bước vào lớp 1.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: Nhờ triển khai tốt các giải pháp nên chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.

Đến nay, 100% trẻ mầm non được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới; 100% trẻ được học bán trú tại trường; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 3 - 4% ở các thể nhẹ cân, thấp còi so với đầu năm học.

Các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng môi trường giáo dục bên trong và bên ngoài lớp học đảm bảo an toàn. Đã khai thác sử dụng tài liệu, học liệu để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ theo hướng tương tác.

Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch giai đoạn 2 về thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025”; giai đoạn 1 dự án “Giáo viên mầm non áp dụng kiến thức và kỹ năng giảng dạy giàu ngôn ngữ, giai đoạn 2022 - 2026” tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục mầm non.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/huong-hoa-nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non/184127.htm