Hướng đi mới trong một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thay đổi

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và cả hai bên đã tổ chức một loạt hoạt động kỷ niệm hướng tới một hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào cuối năm nay. Quá trình này diễn ra trong bối cảnh một câu hỏi rộng lớn hơn: đâu là các cơ hội và thách thức trong tương lai của mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn đang thay đổi nhanh chóng.

Đối tác đáng tin cậy nhất

Quan hệ ASEAN- Nhật Bản chắc chắn đã có những bước tiến đáng kể kể từ khi mối quan hệ ban đầu được thiết lập không chính thức vào năm 1973. Hợp tác với các quốc gia ASEAN đã có thể vượt qua những định kiến còn sót lại từ thời Thế chiến II, một phần là nhờ những nỗ lực của Tokyo. Tiến trình này bao gồm việc Nhật Bản công bố Học thuyết Fukuda lịch sử vào năm 1977, khi Thủ tướng Fukuda trong chuyến thăm các nước ASEAN trong năm đó đã cam kết rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc quân sự và sẽ xây dựng mối quan hệ tin cậy với các nước Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực, đối tác tích cực với ASEAN và các nước thành viên trong nỗ lực của chính họ, với tư cách là một đối tác bình đẳng. Nhật cũng là quốc gia “Đối tác đối thoại” đầu tiên của nhóm các quốc gia trong khu vực và tổ chức đối thoại không chính thức đầu tiên với ASEAN vào năm 1973, trước khi thiết lập quan hệ chính thức vào tháng 3.1977. Sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nước khu vực luôn kịp thời tại các thời điểm quan trọng, bao gồm cả trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 hay phản ứng với các mối đe dọa xuyên quốc gia trong những năm 2000. Kết quả là, Nhật Bản không chỉ nổi lên như một trong những đối tác kinh tế, an ninh và ngoại giao hàng đầu của khu vực, mà còn là đối tác đáng tin cậy nhất của ASEAN.

Thách thức trong một môi trường thay đổi

Tuy nhiên, các mối quan hệ ngày nay cũng phải đối mặt với một bối cảnh chiến lược đầy thách thức hơn. Khi Nhật Bản làm chủ tịch Nhóm Các cường quốc phát triển (G7) và ASEAN tiếp tục chuỗi các cuộc họp thường niên dưới thời Indonesia làm Chủ tịch trong năm 2023, cả hai đều phải đối mặt với một môi trường mà sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng, các thể chế truyền thống của khu vực và quốc tế đang lung lay, và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19 chưa kể khả năng xảy ra suy thoái kinh tế. Nhìn rộng hơn, những thay đổi diễn ra nhanh chóng: từ sự phổ biến của các công nghệ mới, thách thức mới trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng… , cũng như sự chú ý ngày càng gia tăng của các cường quốc đối với khu vực… Điều đó có nghĩa là cả hai bên cần một lần nữa điều chỉnh lại mối quan hệ của mình để đáp ứng những động lực thay đổi này.

Hai bên đều nhận ra những thực tế trên và các chương trình đang được thúc đẩy cho năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã bắt đầu phản ánh điều đó. ASEAN và Nhật Bản có thể sẽ tiến tới nâng cấp quan hệ của họ lên cấp độ “Đối tác chiến lược toàn diện” - cấp độ quan hệ đối tác cao nhất của khối ASEAN mà Trung Quốc đã tham gia vào năm 2021 và Hoa Kỳ đã tham gia vào năm 2022. Hai bên cũng dự kiến thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nhật Bản cũng có khả năng đóng vai trò hỗ trợ quá trình lồng ghép Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (AOIP) trong các lĩnh vực như hợp tác hàng hải, viễn thông, phát triển bền vững và kinh tế. Điều này phù hợp với sự phát triển của chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đang thay đổi của riêng họ, được xây dựng trên nền tảng của cách tiếp cận do cố Thủ tướng Abe Shinzo khởi xướng.

Nắm lấy “cơ hội vàng” của “tình bạn vàng”

Nhưng cũng cần thẳng thắn rằng cả hai bên còn phải làm nhiều hơn nữa. Về phía ASEAN, ngoài sự giúp đỡ mà Nhật Bản có thể mang lại trong các lĩnh vực trong khuôn khổ AOIP, ASEAN cần tìm cách tái khẳng định vai trò trung tâm của mình trong bối cảnh các thể chế đang thay đổi, bao gồm các cơ chế đa phương mới như Đối thoại An ninh Tứ giác, đang đưa đến các thỏa thuận về cung cấp hàng hóa công và hàng hóa chuyên ngành như Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số. Mặc dù đầy hứa hẹn, nhưng những điều này cũng gia tăng áp lực lên ASEAN để đạt được thỏa thuận khung kỹ thuật số của riêng mình, điều mà ban đầu được ấn định là phải thực hiện vào năm 2025.

Về phía Nhật Bản, các nhà ngoại giao của Tokyo giờ đây cũng thẳng thắn lưu ý công khai một số thay đổi có thể giúp ích trong các lĩnh vực được thừa nhận ngấm ngầm như hỗ trợ kinh tế tại các quốc gia ASEAN trọng điểm, điều mà Nhật Bản đã thúc đẩy trong hợp tác với Indonesia năm 2022.

Thực hiện những tiến bộ này không phải là không có những thách thức. Về phía ASEAN, như Tổng thư ký ASEAN khi đó là Lim Jock Hoi đã viết vào cuối năm ngoái trước khi rời vị trí của mình, việc điều hướng môi trường chiến lược này có thể đòi hỏi không chỉ những cải cách mang tính chương trình, mà còn phải hình dung lại chính quan niệm về cộng đồng ASEAN khi nhóm vạch ra kế hoạch của mình. Đối với Nhật Bản, việc đóng vai trò kết nối có thể còn gặp nhiều thách thức hơn nếu chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài và môi trường kinh tế thế giới có dấu hiệu xấu đi.

Tuy nhiên, những thách thức này không phải là không thể vượt qua. Và như chủ đề của lễ kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản năm nay: “Tình bạn vàng, Cơ hội vàng” đã khẳng định, nếu hai bên biết nắm lấy cơ hội vàng của tình bạn vàng, để cùng nhau giải quyết những thách thức, điều đó không chỉ giúp hai bên vượt qua các trở ngại mà còn mở ra các cơ hội để mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trong nửa thế kỷ tới ở Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/huong-di-moi-trong-mot-an-do-duong-thai-binh-duong-dang-thay-doi-i318032/