Hướng đi đúng trong phát triển nông - lâm nghiệp

Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế hàng hóa là định hướng phát triển kinh tế - xã hội được huyện Thanh Sơn triển khai thực hiện trong suốt những năm gần đây.

Hướng đi đúng, công tác chỉ đạo quyết liệt cộng hưởng cùng tinh thần đồng thuận của người dân và các hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Diện mạo kinh tế - xã hội địa phương ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống toàn diện của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao...

Công ty TNHH Chè Yên Sơn đưa thiết bị không người lái vào quy trình chăm sóc cây chè.

Xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực

Huyện miền núi Thanh Sơn hiện có trên 61% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích đất lâm nghiệp chiếm đến 69% diện tích đất tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; trong khi đó hạ tầng kinh tế- xã hội chưa được đầu tư đồng bộ. Xác định phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là hướng đi phù hợp, trong giai đoạn 2013-2020, HĐND huyện Thanh Sơn đã ban hành ba Nghị quyết gồm: Nghị quyết Phát triển chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao; Nghị quyết Phát triển sản xuất lương thực và Nghị quyết Phát triển kinh tế đồi rừng.

Tiếp nối kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, nhiệm kỳ này huyện tiếp tục xác định hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện lựa chọn sáu nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực gồm: Lúa đặc sản (chất lượng cao), chè, bưởi, cây gỗ lớn, chuối phấn vàng và chăn nuôi bò, dê, lợn, gà. Sau gần nửa nhiệm kỳ triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống, sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển khá, giá trị nông, lâm nghiệp tăng bình quân 5,46%/năm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nếu như trước đây nông dân một số xã chỉ cấy hai vụ lúa còn lại bỏ ruộng không gieo trồng cây vụ Đông, thì nay diện tích gieo trồng cây hàng năm của Thanh Sơn đã đạt 12.000ha, tổng sản lượng lương thực đạt 46.424 tấn. Để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, huyện chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, đặc sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và ứng dụng phương pháp canh tác lúa SRI nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời thực hiện dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các địa phương quy hoạch, dồn đổi ruộng đất phục vụ canh tác lúa, ngô theo mô hình cánh đồng lớn, theo hướng cùng trà, cùng giống, thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả; từ đó thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn đổi 20,56ha ruộng đất tại xã Võ Miếu.

Cây chè vẫn được huyện xác định là cây trồng mũi nhọn. Toàn huyện hiện có 2.500ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt gần 31 nghìn tấn. Hàng năm, huyện rà soát diện tích trồng mới, trồng lại diện tích chè cằn xấu, giống cũ bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao.

Diện tích đất lâm nghiệp lớn là thế mạnh để phát triển kinh tế đồi rừng của Thanh Sơn. Toàn huyện có trên 2.550ha rừng trồng tập trung và có khoảng 2.410ha cho khai thác, năng suất rừng trồng bình quân đạt trên 70m3/ha/chu kỳ; sản lượng gỗ đạt trên 169 nghìn m3/năm, độ che phủ rừng đạt 50%. Thời gian gần đây, huyện khuyến khích người dân trồng mới và chuyển hóa rừng gỗ lớn, khai thác sau 10 năm tuổi để tăng năng suất, chất lượng và giá trị diện tích rừng trồng. Cùng với cây lâm nghiệp, cây bưởi, cây sơn và chuối phấn vàng cũng từng bước tăng diện tích, sản lượng. Hiện, huyện đã thành lập HTX chuối phấn vàng Tân Minh và xây dựng nhãn hiệu chuối phấn vàng Thanh Sơn.

Có vị trí địa lý thuận lợi, trung tâm giao lưu kinh tế và trao đổi hàng hóa của những vùng kinh tế lớn như: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La,… Thanh Sơn còn có nguồn nhân lực dồi dào để phát triển chăn nuôi. Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện theo quy mô trang trại gắn với việc áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, đồng bộ, năng suất, chất lượng. Toàn huyện hiện có 160 trang trại chăn nuôi tập trung chủ yếu ở các xã: Thắng Sơn, Yên Sơn, Yên Lãng, Tinh Nhuệ… Đến nay huyện có tổng đàn trâu, bò trên 30 nghìn con, trên 6.500 con dê, 62 nghìn con lợn và 1,6 triệu con gia cầm…

Nhiều diện tích rừng trồng được chuyển hóa rừng gỗ lớn, chủ động cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm đồ mộc ở huyện.

Sản xuất an toàn, hiệu quả

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất lợi về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, song sản xuất nông, lâm nghiệp ở Thanh Sơn vẫn duy trì tăng trưởng khá và đang phát triển theo hướng quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, gia trại. Hiện nay huyện đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư phát triển các cơ sở chế biến gỗ, chè, chăn nuôi gà, chế biến các sản phẩm thịt như: Thịt chua, nem sợi,... theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng với đó, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, đảm bảo cung cấp đủ giống, phân bón, nguồn nước cho gieo cấy, đặc biệt là khung lịch thời vụ, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, nhân rộng diện tích trồng cây bưởi Diễn; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như: Mô hình trồng lúa Séng Cù, lúa nếp Quạ Đen; mô hình chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật kích bưởi ra hoa trái vụ; mô hình trồng gừng Trâu, trồng rau an toàn,... Cùng với đó, huyện tiếp tục vận dụng các chương trình, chính sách của tỉnh chỉ đạo mở rộng trồng và chuyển hóa cây gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích rừng. Đặc biệt, triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện đã có bốn sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, trong đó có một sản phẩm đạt ba sao và ba sản phẩm đạt bốn sao.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chế biến chè đen và chè xanh, các cơ sở đã ứng dụng cơ giới hóa các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng chè.

Ngoài việc đầu tư cho khâu chế biến, trong thời gian qua các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vì vậy chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Thanh Sơn cũng đã được cải tiến một cách rõ nét. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Huyện cũng đã xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thường xuyên tổ chức cho cơ sở tham gia các lễ hội trà; hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm”, tạo sự liên kết giữa người dân với thị trường.

Những thành tích đã đạt được trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đóng góp tích cực giúp kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tuy nhiên trên thực tế, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; thị trường hàng hóa nông sản thiếu ổn định; liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm chưa sâu rộng, chưa có tính bền vững.

Bên cạnh đó, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát; một bộ phận người dân chưa quan tâm đầy đủ đến sản xuất nông nghiệp, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện các chương trình nông nghiệp và trong xây dựng nông thôn mới...

Để phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025 theo hướng sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững, đồng chí Nguyễn Duy Anh- Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: Huyện sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với các cây trồng, vật nuôi chủ lực; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, dịch bệnh vật nuôi, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường; phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ… thiết thực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa Thanh Sơn thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/huong-di-dung-trong-phat-trien-nong-lam-nghiep/188001.htm