Hướng đi bền vững cho du lịch Việt Nam

Ứng dụng công nghệ thông minh trong du lịch, xây dựng trải nghiệm du lịch chuyên sâu và bền vững là xu thế cần được đặt lên hàng đầu tại Việt Nam.

Sáng 19-4, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo Du lịch quốc gia ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, cho biết hiện nay xã hội đối mặt với thách thức lớn khi công nghệ số phát triển nhanh, yêu cầu phát triển du lịch bền vững được đặt lên hàng đầu.

PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT.

"Chúng ta còn nhiều điều phải làm tốt hơn nữa. Trong đó, di sản, phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh là ba yếu tố nếu kết hợp nhuần nhuyễn sẽ tạo cho du lịch Việt một vị thế mới." - PGS-TS Diệu nói.

PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học KHXH&NV nhận định những vấn đề cần được quan tâm để phát triển du lịch bền vững như sức tải - sức chứa trong du lịch; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; du lịch giảm thải cacbon... Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng vấn đề biến đổi khí hậu, chính sách phát triển du lịch bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Về phía cơ sở đào tạo, ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Văn Lang, cho biết để đáp ứng xu thế phát triển du lịch bền vững, ngoài ứng dụng công nghệ số thì chương trình đào tạo có học phần liên quan đến phát triển du lịch bền vững, đồng thời hợp tác với các trường quốc tế, chuyên gia hàng đầu về giảng dạy là cần thiết.

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo tham gia vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế.

"Theo tôi, việc đầu tiên cần phải làm là cải tiến chương trình đào tạo, có sự đối xứng với chương trình đào tạo của các trường du lịch trên thế giới như Singapore, Hồng Kông.

Tiếp đó là lựa chọn bồi dưỡng giảng dạy từ các trường thế giới liền chương trình thực tiễn để học viên hình dung được xu thế hiện nay. Từ đó, họ sẽ trở thành đại sứ du lịch Việt Nam, đáp ứng tiêu chí phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam và thế giới" - ThS Hiển góp ý.

Các chuyên gia nghiên cứu trao đổi ba chủ đề then chốt liên quan đến ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Ảnh: TT.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VH-TT&DL Lê Anh Tuấn đánh giá cao hội thảo đã bám sát định hướng những vấn đề nóng của ngành. Hiện ứng dụng du lịch thông minh vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi người làm trong lĩnh vực du lịch phải tìm ra phương hướng, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tìm ra hướng đi trúng và đúng.

Theo đó, chúng ta cần chú trọng đến nguồn lực nội tại, cơ sở hạ tầng chung, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực... đặc biệt là hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Ông Tuấn gợi ý một số ứng dụng trong thực tiễn ngành du lịch Việt Nam có thể áp dụng như khách sạn robot, công nghệ nhận diện gương mặt - tối đa hóa trải nghiệm của du khách. Hay những hệ thống như qua cửa tự động, check-in trong vòng 3 giây hoặc mở cửa phòng, mua hàng và thanh toán bằng… nụ cười.

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/huong-di-ben-vung-cho-du-lich-viet-nam-post786342.html