Hướng đến yếu tố thực chất trong giáo dục đào tạo

Một trong những chính sách mới của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) có hiệu lực từ giữa tháng 2/2024 được dư luận quan tâm, đó là quy định không được đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên tại Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 28) của Bộ GD-ĐT.

Sở dĩ nhiều người quan tâm đến nội dung này vì đây là ngành, nhóm ngành đặc thù, đòi hỏi việc dạy và học phải thực chất, lý thuyết luôn phải đi đôi với thực hành. Các lĩnh vực y tế và giáo dục đều có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân và đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Sự đổi mới trong quy định của ngành GD-ĐT là giải pháp để đảm bảo chất lượng trong đào tạo chuyên môn; kiểm soát việc thực hiện chương trình đào tạo, đồng thời quản lý tốt hơn việc đánh giá chất lượng đầu vào và năng lực đầu ra của người học theo từng trình độ, từng đối tượng.

Trước đây, khi Thông tư 28 đang trong giai đoạn dự thảo, đã có nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Nhiều bác sĩ có thâm niên trong nghề cũng cho rằng quy định này là hợp lý, vì giáo dục từ xa tuy có những lợi thế nhất định nhưng riêng đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thì không phù hợp. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Quảng Trị, sản phẩm đào tạo của ngànhKhoa học sức khỏe bao gồm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng... Những người này liên quan trực tiếp, có tính chất quyết định đến việc bảo vệ sức khỏe người dân, đòi hỏi người học phải được thực hành, cọ xát liên tục. Nếu đào tạo từ xa thì rất khó đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, sản phẩm của ngành đào tạo giáo viên là thầy, cô giáo - những người có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng của sự nghiệp giáo dục. Mang trên mình sứ mệnh “trồng người”, đội ngũ giáo viên phải là những người có trình độ chuyên môn vững vàng. Muốn vậy, họ cần phải được đào tạo bài bản, thực chất. Quy định này chính là một trong những điều kiện để Bộ GD-ĐT làm tốt hơn công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên.

Nói như thế không phải phủ nhận vai trò của hình thức đào tạo từ xa. Đào tạo từ xa là một khái niệm ngày càng trở nên quen thuộc trong thế giới giáo dục hiện đại, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như học trực tuyến, học qua mạng hay học từ xa. Hình thức đào tạo này có nhiều ưu điểm nổi trội như sự linh hoạt trong dạy và học; tiết kiệm thời gian, chi phí; nguồn học đa dạng; nâng cao ý thức tự học và kết nối toàn cầu. Tại Việt Nam, hình thức đào tạo từ xa xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Hơn hết, loại hình đào đạo này đã góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho người dân được học tập suốt đời, đồng thời khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với trung tâm văn hóa, cơ sở giáo dục... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn đào tạo từ xa hiện nay ở nước ta vẫn còn không ít bất cập.

Nguyên nhân là do một số trường chỉ chạy đua về phát triển số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo, chưa có giáo viên chuyên biệt dành riêng cho hệ đào tạo từ xa. Việc thiết kế chương trình đào tạo của các trường chưa có sự thống nhất nên chất lượng đào tạo không đồng đều. Còn về phía người học, thay vì tận dụng sự linh hoạt của hình thức đào tạo này để trau dồi kiến thức thì lại lợi dụng để đối phó, miễn sao đủ điều kiện thi và được cấp bằng, chứng chỉ. Việc nhờ người học hộ, thi hộ; thái độ học tập không nghiêm túc, chủ yếu có mặt để điểm danh hơn là chú trọng đến kiến thức thu được trong giờ lên lớp khá phổ biến trong các lớp học từ xa... Điều này dẫn đến một thực tế là nhiều chứng chỉ, bằng cấp của hình thức đào tạo từ xa vẫn chưa được xã hội thừa nhận.

Nhưng dù đào tạo ở hình thức nào thì hiệu quả vẫn phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là chương trình đào tạo và ý thức của người học. Quy định trên của ngành GD-ĐT tuy mới nhưng về bản chất thì không thay đổi, bởi lẽ dù đào tạo ở bất cứ hình thức gì thì mục tiêu mà ngành hướng đến vẫn là thực học, thực dạy, vững kiến thức đầu ra chứ không phải hợp thức hóa bằng cấp... Sự điều chỉnh về quy định trên để phù hợp với tính chất đặc thù của các ngành, nhóm ngành nhưng nếu thay đổi về hình thức nhưng chất lượng chương trình dạy và học không đảm bảo, ý thức của người học kém thì cũng sẽ không phát huy hiệu quả, từ đó đi ngược với kỳ vọng của người dân cũng như mục tiêu xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, mang tầm khu vực của ngành GD-ĐT.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/huong-den-yeu-to-thuc-chat-trong-giao-duc-dao-tao/183659.htm