Hướng dẫn cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 ban hành theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN).

Ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025.

Tại khoản 1 Mục IV Chương trình, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các nội dung về nguyên tắc, tiêu chí đánh giá, đo lường, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng kết quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; nội dung phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững từ nguồn NSNN; lập, tổng hợp, giao kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Việc ban hành thông tư này cũng là cơ sở để Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình tài chính, thành phần, thủ tục hồ sơ giấy tờ tài chính cần có để thanh quyết toán hoạt động hỗ trợ kinh doanh bền vững từ NSNN trong khuôn khổ chương trình.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Thông tư gồm 16 Điều, được kết cấu thành 6 chương và 2 phụ lục.

Trong đó, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, Thông tư quy định bộ công cụ đo lường, đánh giá, công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững là bộ các tiêu chí, tiêu chuẩn dùng để xác định một mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn, hoặc mô hình kinh doanh bao trùm, hoặc mô hình kinh doanh bền vững khác.

Các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững là các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững và được đánh giá, công nhận bởi các bộ công cụ đo lường, đánh giá, công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo quy định tại thông tư này.

Đối với mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn, bộ công cụ bao gồm các nhóm tiêu chí chính sau: các tiêu chí về sử dụng nguyên nhiên vật liệu (năng lượng, nước…); các tiêu chí về tối ưu sử dụng vật liệu, các tiêu chí về xử lý chất thải và các tiêu chí thành phần khuyến nghị áp dụng.

Đối với mô hình kinh doanh bao trùm, bộ công cụ bao gồm các nhóm tiêu chí chính sau: các tiêu chí về hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực của doanh nghiệp; tính bền vững và khả năng mở rộng; tính phù hợp, tính khả thi; các tiêu chí về tác động xã hội, bao trùm và đa dạng; các tiêu chí về đổi mới sáng tạo và khuyến nghị lựa chọn áp dụng.

Theo dự thảo thông tư, doanh nghiệp kinh doanh bền vững được hỗ trợ các nội dung của Chương trình từ nguồn NSNN với hỗ trợ mức cao nhất quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đáp ứng các điều kiện là: doanh nghiệp nhỏ và vừa; được các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững đánh giá thông qua bộ công cụ theo quy định tại thông tư.

Bố trí không quá 10% kinh phí ngân sách được giao

Chi phí quản lý hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo Chương trình được bố trí không quá 10% kinh phí NSNN được giao để triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm của các cơ quan, tổ chức, bao gồm hoạt động quản lý kế hoạch thực hiện chương trình: đi công tác; làm thêm giờ; thông tin liên lạc; tổ chức các cuộc họp, hội thảo; thuê chuyên gia; hoạt động khảo sát đánh giá doanh nghiệp để quyết định hỗ trợ và các hoạt động khác phục vụ cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/huong-dan-co-che-ho-tro-doanh-nghiep-tu-nhan-kinh-doanh-ben-vung-108795.html