Hương bưởi ngày Tết

Nắng chùng chình vắt mình ngang qua những đám mây nặng trĩu, sương sớm đến và đi ươm những nụ đào phai bung xòe sắc thắm. Cái rét ngọt được cảm nhận rõ khi đôi bàn tay xoa khẽ vào nhau và chiếc áo ấm chẳng đủ ngăn những cơn gió thổi nhẹ. Dọc khắp tuyến phố, đèn hoa, cây cảnh, bánh mứt được bày bán với muôn sắc màu rực rỡ. Ấy là khi hương bưởi nồng nàn cởi bỏ chiếc áo vườn quê, xuống phố gọi tết về.

Mâm ngũ quả Tết mỗi nơi mỗi khác nhưng hẳn nhiên là chẳng thể nào thiếu được quả bưởi. Ngày nay, bưởi được bày bán với rất nhiều chủng loại, màu sắc, kích thước khác nhau nhưng dù trong bất kỳ một dáng hình nào thì quả bưởi vẫn là loại quả không thể thiếu vào mỗi dịp tết. Trong ký ức xưa cũ của tôi về quả bưởi, sáng 30 tết, khi tiết trời vẫn se sắt lạnh, sau khi đã dọn dẹp xong bàn thờ tổ tiên, trang trí nhà cửa và gói xong bánh trái, ông lại ra vườn chọn những quả bưởi to đẹp mang vào bày biện. Cây bưởi cũng được ông chăm chút, ươm quả từ trước đó độ khoảng hai tháng. Quả nào để giành ăn trước, quả nào chỉ hái khi thắp hương, bày bàn thờ vào ngày lễ, ngày tết đều được ông nhắm định rõ ràng. Quả bưởi để bày vào mỗi dịp tết thường là quả to, mình căng bóng, lớp vỏ nhẵn, vàng đẹp. Quả được cắt để nguyên cuống và lá, ông bảo ấy là để quả tươi lâu hơn. Từng cây bưởi trong vườn cũng được phân chia nhiệm vụ rõ ràng, tôi chưa từng đếm trong vườn của ông có bao nhiêu cây bưởi, chỉ nhớ rằng mỗi độ tết đến, quả bưởi luôn được ông để giành chia cho tất thảy con cháu trong nhà.

Tết đến, người dân ra vườn chọn những quả bưởi to, đẹp mang vào bày mâm ngũ quả.

Tết xưa, mỗi gia đình dường như đều có cây bưởi trong vườn. Bưởi không chỉ được đem ươm lấy quả mà còn được tận dụng lá đun nước để xông nhà. Mỗi dịp tết, tôi thường thấy bà đun một nồi nước lá bưởi to, vừa để rửa bát hương gia tiên, vừa để xông nhà, đun nước tắm cho đám trẻ chúng tôi. Tôi còn nhớ, trước đó vài tuần, từ những quả bưởi hái sớm, hạt bưởi cũng được đám trẻ chúng tôi giữ lại, đem bóc lớp vỏ cứng ngoài, phơi khô rồi dùng chỉ xâu thành từng xâu nhỏ, đợi đến đêm giao thừa đem về đốt. Tinh dầu từ hạt bưởi tí tách rồi phát sáng như những ánh pháo nhỏ, vừa đẹp, vừa thơm lại vui.

Lớn lên đi học rồi đi làm xa, có lẽ cũng như tôi, nhiều người không còn thấy cây bưởi xuất hiện trong vườn nhà nữa, mỗi độ tết đến quả bưởi lại theo chiếc làn của mẹ chùng chình về từ chợ. Tất nhiên, trên mâm ngũ quả ngày tết, bưởi vẫn là một trong những thứ không thể thiếu, chỉ là cách thức quả bưởi xuất hiện ngày một khác lạ hơn. Những năm gần đây, mỗi dịp tết đến, xuân về, cùng với thú chơi hoa mai, hoa đào, người ta còn chọn những cây bưởi trĩu quả, thậm chí rất đắt tiền về đặt trong nhà chơi tết. Có mặt từ mùa thu, đến Tết Nguyên đán, bưởi vẫn đồng hành với quất vàng, với đào tươi như gửi gắm mong muốn một năm mới sung túc, tròn đầy.

Có người thích tết bởi tết vui, tết ấm áp, tết đong đầy nhưng riêng tôi lại thích tết bởi sự quyện hòa của rất nhiều mùi hương. Từ nén hương trầm đến các món ăn bày biện trên mâm cơm tất niên, từ hương hoa đào nhàn nhạt dịu nhẹ nồng nàn đặc trưng. Từ chồi non đội vỏ cây mới nhú ngoài kia đang chắt chiu mầm sống, lắng đọng đong hương giao hòa đất và trời, mới và cũ, tan loãng hương thơm mỡ màng trong màu biếc trinh nguyên. Thế nhưng từ sâu thẳm trong trái tim mình, tôi vẫn thích hương bưởi ngày tết. Hương thơm ấy không chỉ là mùi trái bưởi chín mà còn là mùi của ký ức, của tuổi thơ và của cả những năm tháng chẳng thể nào quay lại.

Hương bưởi ngày tết gợi lòng người thổn thức về tình người, về những ấm áp chân phương chẳng đâu có được ngoài hai chữ gia đình. Đó không chỉ là hương thơm thảo, là hương thơm hoa, là hương thơm quà mà đó còn là kết tinh lắng đọng trong tâm hồn nhờ hương bưởi giữ lại. Giống như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, hãy nghe tâm hồn mình rung lên những thanh âm cảm xúc chân thật nhất, để gác lại bộn bề cuộc sống, tận hưởng tiết trời trong trẻo của mùa xuân, để gần bên gia đình nghe hương bưởi đưa ngoài thềm nhà gọi tết về khe khẽ.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/huong-buoi-ngay-tet-3167380.html