Hungary ra tối hậu thư về khí đốt Nga

Hungary đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện hành động pháp lý chống lại Bulgaria, sau khi quốc gia này áp thuế quá cảnh nhắm vào khí đốt Nga.

Thông tin trên được ông Janos Boka, bộ trưởng các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU), công bố trên Facebook hôm 10-11.

Theo Bộ trưởng Boka, Hungary tin rằng hành động của Bulgaria đã vi phạm các quy định của EU về thị trường nội địa, cũng như về liên minh hải quan và chính sách thương mại chung, nhất là khi Bulgaria không tham vấn Hungary trước khi áp thuế.

"Hôm nay tôi đã gửi thư lên EC để yêu cầu điều tra Bulgaria ngay lập tức" – Bộ trưởng Boka cho biết, đồng thời khẳng định ông đã yêu cầu EC kêu gọi Bulgaria ngừng áp thuế cho đến khi cuộc điều tra kết thúc.

Bộ trưởng Boka nhấn mạnh nếu EC không hành động, Hungary sẽ đưa vụ việc lên tòa án của EU trước cuối năm nay.

Ông Janos Boka, bộ trưởng các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Hungarian Conservative

Bulgaria tháng trước khiến Hungary và Serbia nổi giận, khi áp mức thuế quá cảnh khoảng 11 USD/MWh lên khí đốt Nga. Hungary là quốc gia nhận phần lớn khí đốt từ Nga thông qua đường ống Turkstream.

Chính phủ Bulgaria nhận định mức thuế nêu trên sẽ không làm tăng giá khí đốt dành cho Hungary và Serbia, mà sẽ chỉ khiến lợi nhuận của Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom sụt giảm.

Dù vậy, Hungary khẳng định hành động của Bulgaria có thể "đe dọa nghiêm trọng" an ninh năng lượng của Hungary nói riêng và cả khu vực nói chung.

Trong khi các quốc gia Tây Âu tìm cách "tẩy chay" khí đốt Nga để phản ứng với xung đột Nga-Ukraine, Hungary vận động mạnh mẽ để có được những hợp đồng khí đốt thuận lợi, theo Reuters.

Trong khuôn khổ của một thỏa thuận dài hạn được ký vào năm 2021, Hungary mỗi năm sẽ nhập ít nhất 4,5 tỉ mét khối khí đốt Nga, chủ yếu thông qua Bulgaria và Serbia.

Ngành năng lượng của Nga bị phương Tây trừng phạt nặng nề kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.Ảnh: Reuters

Cao Lực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hungary-ra-toi-hau-thu-ve-khi-dot-nga-20231111172120037.htm