Hưng Yên: Đầu tư 170 tỷ đồng xây cầu Hải Hưng nối liền với Hải Dương

Cầu Hải Hưng nối Hưng Yên với Hải Dương, bắc qua sông Chanh dự kiến thực hiện từ quý II năm nay tới quý IV/2025.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Báo cáo ĐTM) của Dự án xây dựng cầu Hải Hưng qua sông Chanh, kết nối tỉnh Hưng Yên với tỉnh Hải Dương (kết nối Đường tỉnh 386 tại xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên với Đường tỉnh 392C tại xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, Hải Dương) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Báo cáo do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên (Chủ đầu tư dự án) thực hiện với sự tư vấn của Trung tâm Tư vấn môi trường và phát triển nông thôn.

Tổng mức đầu tư của dự án là 170 tỷ đồng. Dự kiến, dự án được thực hiện từ quý II năm nay tới quý IV/2025.

Sơ đồ hướng tuyến và vị trí xây dựng cầu Hải Hưng. (Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án)

Dự án này đã được thống nhất chung giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về hợp tác giữa hai tỉnh; được HĐND tỉnh Hưng Yên phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2021.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 730,683m bao gồm phần đường nối từ Đường tỉnh 386 đến hết phạm vi cầu bên phía Hải Dương, đi qua địa phận xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Điểm đầu: Km0+000 tại vị trí giao ĐT.386 tại khoảng Km11+200 (xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Điểm cuối: Km0+730,683, sau mố M2 kết nối với Dự án đường dẫn cầu Hải Hưng, thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, do tỉnh Hải Dương thực hiện.

Phạm vi thực hiện Dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính của xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Phạm vi Dự án không bao gồm phần đường dẫn đầu cầu Hải Hưng, kết nối tỉnh Hải Dương với tỉnh Hưng Yên (thuộc địa phận tỉnh Hải Dương) do tỉnh Hải Dương đầu tư, từ cuối cầu mố M2 đến ĐT 392C chiều dài khoảng 180m đang thực hiện theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20/3/2023 của HĐND tỉnh Hải Dương.

Mục tiêu của Dự án xây dựng cầu Hải Hưng qua sông Chanh, kết nối tỉnh Hưng Yên và Hải Dương được triển khai phù hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải, kết nối thuận lợi, đồng bộ với dự ăn do tỉnh Hải Dương thực hiện, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông đã đầu tư, phục vụ tốt nhất cho nhân dân hai tỉnh, thu hút và phát triển đầu tư công nghiệp - đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nói chung, tỉnh Hưng Yên, Hải Dương nói riêng.

Dự án gồm cầu Hải Hưng chiều dài trên 109m, bề rộng 12m; đường dẫn đầu cầu (chỉ đầu tư phía tỉnh Hưng Yên) chiều dài trên 621m với quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường 12m; hầm chui dân sinh và nút giao với Đường tỉnh 386.

Về các yếu tố nhạy cảm môi trường, Báo cáo ĐTM thông tin, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng trên 0,24ha đất trồng lúa nước 2 vụ. Dự án đi qua khu dân cư sinh sống tập trung theo các đường hiện hữu của thôn Tần Tiến, xã Minh Tân và khu dân cư xã Đoàn Kết, nằm cách phạm vi dự án 20-40m. Hoạt động phá dỡ các công trình, vật kiến trúc phục vụ thi công phát sinh phế thải gần 640m3; hoạt động đào đắp nền đường, mố trụ cầu phát sinh đất, đá thừa với tổng khối lượng trên 6.900m3.

Các vật liệu tự nhiên như đất đắp, đá, cát phục vụ dự án sẽ được mua tại các mỏ đã được cấp phép. Công ty TNHH Cát Việt Thái Hưng và Doanh nghiệp tư nhân An Hải đã đồng ý cung cấp vật liệu cho dự án. Trong quá trình thi công nền mặt đường sử dụng các thiết bị với mức rung khá lớn. Trường hợp nhà cửa của các hộ dân đã cũ hoặc móng không được gia cố chắc chắn có thể bị sụt lún hoặc nứt vỡ trong thi công. Hậu quả của việc sụt lún hay nứt vỡ có thể làm đổ sập nhà, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Mặc dù việc bố trí các trụ cầu trong dòng chảy sông không tạo ra những thay đổi đáng kể về chế độ thủy văn, thủy lực đoạn sông dự kiến xây dựng cầu về dòng cháy, xói lở nhưng việc đó tạo sự thu hẹp bề mặt cắt ngang dòng nước. Việc xuất hiện trụ cầu trong dòng chảy là nguyên nhân gây ra các sự cố về tai nạn tàu thuyền trong giai đoạn vận hành. Yêu cầu phải có các biện pháp giảm thiểu, kiểm soát được từ nguồn các nguy cơ gây cản trở dòng chảy.

Chủ đầu tư cam kết chỉ đạo nhà thầu thi công nghiêm túc, khắc phục hậu quả do hoạt động của mình gây ra và chỉ được phép tiếp tục thi công sau khi công trình liền kề bị ảnh hưởng (nếu có) đã được xử lý, hoặc thống nhất phương án khắc phục đảm bảo an toàn.

Thu Uyên

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/hung-yen-dau-tu-170-ty-dong-xay-cau-hai-hung-noi-lien-voi-hai-duong-119871.htm