HƯNG YÊN: CẦN NHANH CHÓNG HOÀN THIỆN HẠ TẦNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP

Trong 2 ngày 19, 20/9, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về công tác thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trong ngày 19/9, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế về công tác BVMT tại: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối; Cụm công nghiệp Minh Khai; Công trình xử lý nước thải khu đô thị Ecopark; và Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Hưng Yên. Tại các đơn vị khảo sát, Đoàn công tác ghi nhận những kết quả đạt được, những vướng mắc, tồn tại trong công tác BVMT cũng như những bất cập về đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng BVMT của khu công nghiệp dệt may Phố Nối; hầu hết các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; việc xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt.

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế về công tác BVMT

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế về công tác BVMT

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, công tác bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường được thực hiện thường xuyên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quan tâm và tăng cường... Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế cần sớm tháo gỡ như: việc triển khai các dự án khu xử lý chất thải tập trung còn chậm, còn nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã thực hiện một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhưng chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng chưa được giải quyết triệt để, hiệu quả. Thị xã Mỹ Hào và các đô thị loại V trên địa bàn tỉnh chưa có công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu.

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế về công tác BVMT

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế về công tác BVMT

Nguyên nhân chính là do chậm triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, di dời hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa thường xuyên, kịp thời; chưa quyết liệt trong kiểm tra, trinh sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, nhất là các hành vi xả thải rác thải, nước thải của cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, dù tỉnh Hưng Yên thực hiện giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc xả chất thải của các nguồn thải lớn, nhất là các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp là điểm nóng về ô nhiễm môi trường; Từ năm 2017, lập danh sách 256 lượt cơ sở xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, làng nghề, định kỳ lấy mẫu môi trường của các cơ sở với tần suất từ 01-6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật (năm 2022 lập danh sách 32 cơ sở xả thải lớn). Nhưng năm 2022, sau thanh tra, kiểm tra, giám sát, đã xử lý vi phạm đối với 59 cơ sở, cá nhân với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Khảo sát đã đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên làm rõ kết quả kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT. Nhất là việc các cơ quan chức năng ở tỉnh thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác BVMT tại các KCN, Cụm công nghiệp trong đó có Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai ở huyện Văn Lâm.

Đối với Cụm công nghiệp Minh Khai, qua khảo sát thực tế cho thấy, Trạm xử lý nước thải công suất 400m3 đã ngừng hoạt động từ Quý 1/2023, trong khi các cơ sở sản xuất trong CCN vẫn hoạt động. Như vậy, hàng ngày hơn 400m3 nước thải chưa qua xử lý sẽ có khả năng đổ thẳng ra môi trường. Qua khảo sát tại KCN dệt may Phố Nối, Đoàn công tác nhận thấy, sau giám sát của Ủy ban KHCNMT năm 2018, Công ty phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối đã có nhiều nỗ lực khắc phục xong 2 trên 3 nội dung kiến nghị giám sát. Đồng thời, đã tiếp tục đầu tư Nhà máy XLNT giai đoạn 2 công suất 8000m3/ngày đêm). Tuy nhiên, còn 01 nội dung kiến nghị về phòng ngừa sự cố môi trường chưa khắc phục xong.

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, các số liệu của Hưng Yên đang không có sự nhất quán. Bởi tại báo cáo số 91 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Hưng Yên có 17 cụm công nghiệp đang xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, còn theo báo cáo của Hưng Yên, địa phương này hiện có 26 cụm công nghiệp đã được thành lập.

Ông Vũ Ngọc Hưng, Trưởng phòng Bảo vệ Môi trường Công thương, Cục Kỹ thuật và An toàn Môi trường, Bộ Công thương đặt câu hỏi: Liệu Hưng Yên có quy định trong trường hợp khi một hệ thống của các cụm đấy dừng hoạt động trong thời gian lâu như thế, thì phương án xử lý hay quy chế quản lý nước thải giữa các cụm công nghiệp ở địa phương như thế nào; đề nghị làm rõ với các mục tiêu phát triển cụm công nghiệp của tỉnh rất lớn như vậy thì việc đáp ứng mục tiêu tại Khoản 2, điều 52, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 ra sao?

Giải trình với Đoàn Khảo sát, đại diện các sở ngành của tỉnh Hưng Yên cho rằng, đã có giải pháp để ứng phó với vấn đề ô nhiễm tại hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải, trong lúc chờ triển khai xây đập dâng để ngăn ô nhiễm, ngành nông nghiệp đã đề xuât xây các trạm bơm dã chiến để tạo dòng chảy giúp giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn nước vào mùa khô.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Lê Huy cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường các quản lý, đặc biệt công tác thanh tra kiểm tra giám sát, hậu kiểm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Lê Huy cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường các quản lý, đặc biệt công tác thanh tra kiểm tra giám sát, hậu kiểm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Lê Huy cũng khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các quản lý nhà nước tại các Khu cụm công nghiệp và các dự án sản xuất riêng lẻ, đặc biệt việc tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp, các nhà chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư hạ tầng tập trung hơn nữa trong việc đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sống của người dân.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh đề nghị tỉnh Hưng Yên cần hoàn thiện thêm thông tin số liệu về công tác BVMT; bổ sung kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán; thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn các kiến nghị về cơ chế, chính sách BVMT cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung đến Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT của tổ chức, cá nhân.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT của tổ chức, cá nhân.

Đối với những vướng mắc cụ thể tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh cho rắng, trách nhiệm đã được chỉ rõ thuộc về các tổ chức, cá nhân là Chủ đầu tư, chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của UBND tỉnh, Sở TN&MT và Bộ TN&MT đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý. Đoàn công tác kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT của tổ chức, cá nhân.

Bích Hạnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80123