Huệ Ninh: Từ 'Cây nước mắt' đến 'Gái tỉnh lẻ'

Tôi đến Nhà hát Tuổi trẻ lần này không phải để xem kịch, mà để dự lễ ra mắt tác phẩm 'Gái tỉnh lẻ' - tập truyện dài của nhà văn Huệ Ninh. Đây là tác phẩm thứ 9 khi cô bắt đầu cầm bút.

Tôi biết Huệ Ninh từ khi cô cùng cha là nhà viết kịch kiêm đạo diễn sân khấu Tất Thọ ở Hội Văn nghệ Quảng Ninh đưa con gái lên Hà Nội dự lễ nhận bằng thi trúng tuyển "thủ khoa" Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Từ đấy tôi có dịp đến thăm Huệ Ninh ở nhà thuê cùng phòng với Nguyễn Thị Bích Liên đang học Khoa Nhiếp ảnh. Lần sau tôi đến, Huệ Ninh tâm sự: “… Cháu học ở trường chuyên của tỉnh là học sinh giỏi văn nhưng cũng có nhiều cá tính và chan chứa hy vọng vào tương lai. Cháu đã viết được khoảng gần năm chục truyện ngắn và truyện ngắn "Kho báu" đã được in trên tờ Văn nghệ Quảng Ninh”.

Tác phẩm mới của nhà văn Huệ Ninh.

Một năm sau, Huệ Ninh đã có tập truyện ngắn mang tên "Kho báu" (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2004). Và tập tiếp theo là "Huyền thoại Biển" (Nhà xuất bản Lao động, 2006) cùng một số truyện ngắn, bút ký, những bài viết chân dung văn nghệ sĩ, các bài phê bình, tiểu luận in trên các Báo Người Hà Nội, Báo Phụ nữ, Tiền phong. Từ ấy đến nay Huệ Ninh tiếp tục cho ra mắt truyện ngắn "Hạnh phúc giản đơn" (Nhà xuất bản Văn học, 2008) cùng một số truyện ngắn được tuyển in trong các tập "Truyện ngắn hay" của Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn; cùng với các tác giả nổi tiếng, được bạn đọc yêu mến như: Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Như Bình, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Nguyễn Thị Việt Hà… và Huệ Ninh đàng hoàng trở thành một cây bút chuyên nghiệp.

Tốt nghiệp khoa Biên kịch Điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam năm 2004, tốt nghiệp Cao học Văn hóa học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - 2010; Huệ Ninh vừa học vừa tham gia viết nhiều kịch bản phim như "Hắn và Tôi" (13 tập) khởi chiếu năm 2006 trên Truyền hình Hà Nội; "Đặc công Rừng Sác" (22 tập); "Cuộc vượt ngục thần kỳ" (30 tập) của Hãng Phim truyện Việt Nam 2010; "Người đàn bà kỳ lạ" (20 tập) của Hãng phim TFS và đặc biệt là tác phẩm "Cây nước mắt" (35 tập) là tác phẩm cùng tên với cuốn tiểu thuyết đầu tay của Huệ Ninh dày hơn 700 trang của Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015; "Duyên nợ" tập truyện ngắn năm 2016; "Thời Xuân sắc", tập hồi ký năm 2020… Kịch bản sân khấu được dàn dựng có "Táo cười đón Xuân" (2016) do Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty Nghe nhìn Hà Nội dàn dựng; "Ngược chiều gió" (2019) ra mắt tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Từ tiểu thuyết "Cây nước mắt"…

"Cây nước mắt" là bộ phim nhiều tập được Hãng phim Cửu Long và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dựa trên, đã phát sóng.

"Cây nước mắt" cũng là cuốn tiểu thuyết đầy kịch tính, nhiều tình huống lạ, cực kỳ gay cấn và giàu sức cuốn hút người đọc, người xem… đây là câu chuyện tình lãng mạn, éo le giữa ông chủ đồn điền cao su trẻ tuổi người Pháp và Nhàn - cô gái trẻ, phu cao su người Việt. Mâu thuẫn mà họ phải đối mặt không chỉ giữa hai cá nhân; mà còn là mâu thuẫn giai cấp, đẳng cấp và mâu thuẫn dân tộc. Tác phẩm "Cây nước mắt" tái hiện một cách sinh động toàn cảnh đời sống xã hội Việt Nam trước năm 1945 cho đến Cách mạng tháng Tám. Một số nhà làm phim đánh giá: "… Có thể nói những thảm cảnh cùng cực trong đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ được lột tả khá sinh động. Tác phẩm rất hoành tráng, mang tính sử thi, giá trị hiện thực, giàu tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và thấm đẫm chất nhân văn cao cả".

Nhà biên kịch, Phạm Thùy Nhân viết: "… Một thế giới tàn nhẫn, thô bạo, ngập ngụa trong máu, nước mắt, tiếng gào thét thảm thiết và bạo dâm. Xong, nổi lên trên hết vẫn là khát vọng tình yêu chân chính giữa những con người yêu nhau bất chấp mọi ranh giới, quốc tịch". Tổng đạo diễn Phan Hoàng nhận xét: "Câu chuyện, nhân vật ám ảnh và đầy cuốn hút. Lần đầu tiên một người nước ngoài làm nhân vật chính mà hấp dẫn xuyên suốt truyện phim và tiểu thuyết Việt". Còn Phó giám đốc Hãng phim TFS kiêm đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng rất hài lòng, bởi: "… Trong phim, tình tiết, sự kiện đầy ắp kịch tính, câu chuyện được đẩy lên tới tận cùng. Diễn biến tâm lý, tình cảm, tính cách nhân vật phát triển hợp logic. Những đoạn đối thoại khá sắc sảo, giàu ý tứ và đậm chất văn học trong "Cây nước mắt".

… đến tác phẩm "Gái tỉnh lẻ"

Tác phẩm "Gái tỉnh lẻ" được ra mắt tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội đầu năm 2024. Sau màn múa đương đại sôi động, Huệ Ninh xuất hiện và giới thiệu cuốn truyện dài mang tên "Gái tỉnh lẻ" với đông đảo độc giả một cách tự nhiên, khá ấn tượng. Một trích đoạn thể hiện lát cắt cuộc sống trong nội dung tác phẩm "Gái tỉnh lẻ" mang tên "Cuộc chiến vợ chồng" tiếp đó là những cảm nghĩ của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và độc giả yêu văn học.

"Gái tỉnh lẻ" là tác phẩm truyện dài gồm 7 chương: "Vì sao tôi viết Gái tỉnh lẻ?". "Tuổi thơ diệu kỳ", "Lò luyện nhân tài", "Đại học không có gì nặng nhọc", "Yêu là mù quáng!". "Những mối tình tiếp nối", "Làm dâu quê" và "Cuộc chiến vợ chồng!".

Một trong những phần của cuốn truyện dài này đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập, kịch bản phim truyện điện ảnh đã được Hội Điện ảnh Việt Nam, Hãng Phim truyện Việt Nam đầu tư thực hiện.

Đọc xong "Gái Tỉnh lẻ", Tiến sĩ Vũ Tố Nga đánh giá: "Gái tỉnh lẻ" được rút ruột tằm từ một cây bút chắc nghề, đảm bảo sẽ không làm bạn đọc thất vọng bởi cách kể chuyện rất cuốn hút, nhân vật rất sắc và các tình huống, tình tiết, chi tiết trong truyện rất đời và sống động. Từ trường chuyên lớp chọn, tình yêu tuổi trẻ, hôn nhân gia đình hay đi làm nhà nước, nhọc nhằn mưu sinh, những mối quan hệ từ nhà ra xã hội… tất cả sẽ có trong cuốn sách này".

Phát biểu trong lễ ra mắt "Gái tỉnh lẻ", Huệ Ninh tâm sự: "Trong hành trình cầm bút hơn 20 năm của mình, tôi đã viết rất nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận phê bình, phim truyền hình, kịch bản sân khấu đến kịch bản truyền thanh. Đây là lần đầu tiên tôi dấn thân vào thể loại truyện dài, kể cũng khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ tôi viết không phải để mưu sinh; cũng không do một "đơn đặt hàng" nào mà xuất phát từ sự đau đáu tự thân".

Những nhân vật trong "Gái tỉnh lẻ" gần như bước ra từ hiện thực cuộc sống, nó tạo thành nỗi ám ảnh, buộc tôi phải công bố cuốn sách này vào ngày hôm nay".

PGS. TS. Ngô Văn Giá đã từng chứng kiến buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Cây nước mắt" năm 2015 và hôm nay với tác phẩm "Gái tỉnh lẻ", ông nhận thấy: "Với tư cách của một nhà nghiên cứu lý luận phê bình, tôi rất mừng vì tác phẩm của Huệ Ninh đã đào sâu được bi kịch nghề nghiệp có tính bao trùm. Chúng ta đều biết trong giới nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam thì bi kịch mưu sinh, bi kịch chính trị xuất hiện rất nhiều; còn bi kịch nghề nghiệp ít được đề cập tới. Trong "Gái tỉnh lẻ" nó có mặt ngay từ tuổi thơ của nhân vật đang đi học với những khát vọng, rồi lớn lên theo nghề, trong sáng tạo… vấp váp như thế nào, để cuối cùng đứng dậy mà bày tỏ, chiến đấu, bền bỉ theo đuổi nghề nghiệp, đây là một tác phẩm có tính tự truyện đặc biệt và sâu sắc".

Còn Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NSƯT Sĩ Tiến đánh giá cao tài năng và cách làm việc của tác giả Huệ Ninh, sau một thời gian dài cộng tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ.

"Gái tỉnh lẻ" của tác giả Huệ Ninh là một câu chuyện dài của đời sống đương đại, một "lát cắt cuộc sống" giữa thành thị với nông thôn rất có giá trị hiện nay. Ông hy vọng tác phẩm này sẽ được dàn dựng thành một vở diễn sân khấu tầm cỡ, sâu sắc và thành công trong tương lai.

Huệ Ninh đã có 8/9 tác phẩm được nhận giải thưởng, đặc biệt là giải thưởng Cánh diều Bạc cho công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh của Hội Điện ảnh Việt Nam; Huy chương Bạc cho vở diễn "Ngược chiều gió" tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc năm 2021; Giải thưởng Truyện ngắn của Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức…

*

Những ai đã từng đọc tiểu thuyết "Cây nước mắt" và xem phim truyền hình nhiều tập cùng tên là đỉnh cao qua 10 năm cầm bút của nữ tác giả trẻ Nguyễn Thị Huệ Ninh và sau đó là "Gái tỉnh lẻ" của 10 năm sau cũng là đỉnh cao của tác giả ở tuổi 40, đang đủ độ chín trong tác phẩm, đủ độ chín trong cuộc đời để chưng cất, để trải nghiệm và có lời khuyên nhủ chân tình đối với các cô gái trẻ hãy luôn tỉnh táo và đủ bản lĩnh vượt qua, để bước vào đời khỏi ân hận vì đã vấp phải "vết xe đổ" rồi mới mở mắt ra kêu "trời!".

Những ai đã từng đọc tiểu thuyết "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu đều có chung nhận xét: Nhà văn Lê Lựu trong thời xa vắng chính là nhân vật Giang Minh Sài thì Nguyễn Thị Huệ Ninh với "Gái tỉnh lẻ" và nhân vật Ngân Hà cũng là hình bóng Huệ Ninh… gần như thế!

Hà Nội, 2/3/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hue-ninh-tu-cay-nuoc-mat-den-gai-tinh-le-i725359/