HTX trước mối nguy khủng hoảng truyền thông

Hiện nay, sản phẩm của HTX, doanh nghiệp muốn được lưu hành trên thị trường, ngoài đảm bảo về chất lượng, phải rõ ràng các giấy chứng nhận, quy cách về bao bì, đăng ký sở hữu trí tuệ… Nếu không, HTX có thể rơi vào khủng hoảng truyền thông khi sản phẩm chẳng may vướng phải một lỗi nào đó trong quy trình sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ bùng nổ như hiện nay, các tình huống không mong muốn có thể trở thành khủng hoảng nếu HTX không xử lý đúng cách, đúng thời điểm.

Nhiều rủi ro

Theo bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bach-AFT), nhiều HTX, doanh nghiệp hiểu điều đó và muốn đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ… nhưng hiện nay quy trình hoàn thiện các bước này khá lâu (khoảng 1 năm) nên họ nôn nóng đưa ra thị trường. Trong khi sản phẩm làm ra mà mãi không bán thì HTX, doanh nghiệp làm gì có tiền duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh?

Hiểu được điều đó, nên các chuyên gia cho rằng đó chính là những rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh của HTX, doanh nghiệp trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi pháp luật đã được đề ra, HTX, doanh nghiệp chỉ có thể tuân thủ mới có thể tồn tại và phát triển.

Còn nếu HTX bỏ qua các bước đăng ký trước khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ gây ra nhiều rủi ro lớn hơn như mất bản quyền, nhái sản phẩm, tạo ra sự nghi ngờ của người tiêu dùng, hệ thống phân phối. Đơn cử, ở các HTX sản xuất sản phẩm lên men, rủi ro cao hơn về quy trình công nghệ. Bởi để có được sản phẩm lên men đưa ra thị trường hoàn thiện, HTX phải có quy trình sản xuất và quy trình đó phải được nghiên cứu, xem xét rất kỹ càng từ các cơ quan có chuyên môn mới đưa vào sử dụng. Còn nếu HTX không có công thức riêng, thì rủi ro trong sản xuất càng cao khi chẳng may xảy ra những nghi ngại về chất lượng, quy trình…

Nếu không có quy trình sản xuất rõ ràng, các sản phẩm lên men thường hay gây nghi ngờ cho người tiêu dùng.

Nếu không có quy trình sản xuất rõ ràng, các sản phẩm lên men thường hay gây nghi ngờ cho người tiêu dùng.

Thực tế, đã có HTX rơi vào khủng hoảng truyền thông vì quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm chưa rõ ràng. Điều này khiến HTX rơi vào thế đuối lý, thậm chí bị mất “đứa con tinh thần” ngay khi mới đưa ra thị trường. Nhiều đơn vị lúc xảy ra khủng hoảng truyền thông mới đi kiểm tra quy trình, làm các xét nghiệm để chứng minh với khách hàng, đối tác thì không kịp.

Thậm chí có những HTX dù sản xuất đúng quy trình nhưng gián tiếp gặp khủng hoảng khi vô tình vướng phải những thông tin xấu về sản phẩm cùng loại. Chẳng hạn như nhiều HTX sản xuất rau sạch bị giảm đầu ra, người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng khi có thông tin của một đơn vị khác đưa rau không bảo đảm quy trình vào siêu thị.

Tránh 'mang xăng đi dập lửa'

Chia sẻ tại tọa đàm “Minh bạch thông tin sản phẩm và xử lý khủng hoảng truyền thông”, Ths Hoàng Thị Thanh Hằng, chuyên gia marketing và truyền thông, cho rằng một tin xấu khi được loan ra thì ngay lập tức cần được đính chính, và thời gian đính chính tốt nhất là sau 12 hoặc 48 giờ. Đây được gọi là thời điểm vàng trong xử lý truyền thông mà các HTX cần lưu ý.

Vì mỗi cơn sóng truyền thông có tuổi thọ khoảng 3 ngày, sau đó nó sẽ thoái nên HTX, doanh nghiệp phải nương theo điều đó để xử lý. Nếu không xử lý nhanh thì thông tin xấu sẽ tiếp tục bị bồi thêm sẽ làm HTX, doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng cao hơn, lớn hơn. Càng để lâu cũng đồng nghĩa với việc HTX càng khó xử lý khủng hoảng.

“Chỉ cần để đến sau một tuần mới xử lý thì thông tin xấu ban đầu đã lan ra khắp thị trường. Từ đó, khả năng giải quyết vấn đề của HTX sẽ rất khó, vì rất rộng. Trong khi đa số các HTX không đủ kỹ năng, loay hoay nên để trượt thời khắc vàng trong xử lý truyền thông”, Ths Hoàng Thị Thanh Hằng chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, do thiếu kỹ năng nên có thể nhiều HTX không tận dụng được thời khắc vàng hoặc không tận dụng được sự hỗ trợ của các chuyên gia. Thậm chí đến khi rơi vào khủng hoảng truyền thông, HTX mới biết mình bị hổng ở bước nào đó trong quy trình sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ về việc các đơn vị sản xuất những sản phẩm lên men (nước tương, xì dầu, nước mắm…) dễ bị khủng hoảng truyền thông, PGS, TS Dương Văn Hợp, chuyên gia công nghệ vi sinh cho rằng nhiều sản phẩm hiện nay đang bị phân biệt là sản xuất theo phương pháp công nghiệp hay truyền thống. Sản phẩm lên men truyền thống là dùng nấm mốc tự nhiên để làm chín thực phẩm, nguyên liệu. Còn lên men công nghiệp là người sản xuất sử dụng thêm một số chất hóa học để thủy phân nguyên liệu nên có thể rút ngắn quá trình lên men.

Chính vì vậy, khi gặp khó khăn về khủng hoảng truyền thông và bị nghi ngờ về sản phẩm lên men công nghiệp hay truyền thống, HTX không cần phải làm các xét nghiệm nguyên tử mà nên sử dụng phương pháp phân tích thành phần các chất sẽ cho kết quả chính xác hơn. Bởi nếu HTX sử dụng phương pháp lên men truyền thống thì thành phần sản phẩm sẽ khác, hương vị đặc trưng cũng sẽ khác. Còn nếu HTX sử dụng phương pháp lên men công nghiệp, thì thành phần hữu cơ trong sản phẩm cũng sẽ khác hoàn toàn, dễ phân tích hơn sản phẩm lên men tự nhiên.

Tuy nhiên, dù là HTX gặp khủng hoảng khi đang sản xuất sản phẩm gì thì các chuyên gia cũng cho rằng, dù đúng hay dù sai khi chẳng may gặp khủng hoảng truyền thông, HTX ngay sau đó cần đưa ra thông tin xin lỗi khách hàng, các nhà phân phối, các cửa hàng bán sản phẩm của HTX vì đã để xảy ra sự việc, làm ảnh hưởng đến các bên. Đi liền đó, HTX phải mời các bên để xem xét mình đang khủng hoảng ở đâu để giải quyết ở đó, sau đó đưa ra thông tin chính thức. Tránh tình trạng đôi co trên mạng, vì điều này chỉ làm to vấn đề và chẳng khác gì việc HTX 'mang xăng đi dập lửa'.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-truoc-moi-nguy-khung-hoang-truyen-thong-1093050.html