HTX nỗ lực đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng

Hỗ trợ sinh kế được xem là giải pháp hữu hiệu để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình sinh kế đã góp phần tạo việc làm, giúp người nghèo tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

HTX Giảm nghèo Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được thành lập nhằm tiếp nối các hoạt động đã được thực hiện trong Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, một dự án có rất nhiều tác động tích cực đến tư duy và cách làm trong vấn đề Giảm nghèo và bảo vệ môi trường hiện nay. Với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp xanh, hòa hợp với thiên nhiên, điều kiện tự nhiên – xã hội của địa phương và gắn kết bà con nông dân cùng thực hiện việc “Giảm nghèo và làm giàu bền vững”.

Thoát nghèo từ HTX

Ông Nguyễn Việt Đức, giám đốc HTX cho biết, HĐQT HTX Giảm nghèo Ea Súp trước đây hầu hết là thành viên từng tham gia dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Sau quá trình làm việc, gắn bó với người dân tại Ea Súp, anh Đức cùng với cộng sự muốn tiếp tục duy trì hoạt động và liên kết với các nhóm được dự án hỗ trợ sinh kế.

HTX đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, giúp ổn định cuộc sống.

HTX đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, giúp ổn định cuộc sống.

HTX đã chủ động liên kết với các hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Ea Súp để duy trì hoạt động sinh kế có hiệu quả, hướng dẫn nông dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất nguyên liệu (lúa) và các HTX dịch vụ nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đầu tư giống, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, quản lý, giám sát quá trình sản xuất, thu hoạch đạt chất lượng.... HTX cũng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Ea Súp chất lượng cao, tích cực phát triển sản phẩm chuyên sâu chế biến từ gạo, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho các thành viên, nông dân sản xuất trong chuỗi.

Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp Nguyễn Việt Đức cho biết thêm, hiện HTX đang liên kết với 79 hộ dân (ở các xã Ya Tờ Mốt, Ea Lê, Ia Lốp) với tổng diện tích liên kết trên 141 ha, định hình phát triển một nền nông nghiệp xanh hòa hợp với thiên nhiên và gắn kết bà con nông dân cùng thực hiện việc giảm nghèo và làm giàu bền vững. Hiện, HTX đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, giúp ổn định cuộc sống. Đến nay, mức thu nhập bình quân của các thành viên, nông dân liên kết đạt trên 5 triệu đồng/tháng.

Theo thành viên HTX Giảm nghèo Ea Súp thì năng suất lúa canh tác theo hướng hữu cơ sử dụng phân sinh học không cao hơn so với diện tích lúa canh tác truyền thống. Tuy nhiên với việc áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, nông dân sẽ giảm chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón và nhân công. Ngoài ra, với việc chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang hướng hữu cơ, đã góp phần nâng cao chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe người canh tác và môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân hướng tới việc sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đất đai và nguồn nước, góp phần phục hồi hệ sinh thái trên đồng ruộng…

Mô hình HTX giúp thanh niên khởi nghiệp

Cũng như HTX Giảm nghèo Ea Súp, tại HTX cây ăn trái Vang Thanh xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, hoạt động với nguyên tắc: tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi; hợp tác và phát triển, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau trong việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tiêu thụ sản phẩm sản xuất, cung ứng cây giống, sản xuất theo chuỗi liên kết để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường. Hiện nay, HTX trồng cây ăn trái Vang Thanh đã trồng được hơn 20 ha cây ăn trái với các loại cây chủ yếu như: Xoài, Quýt, Ổi, Nhãn...

Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ, xã Ya Tờ Mốt có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và trong những năm qua đã có nhiều hộ dân thuộc một số thôn, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trong đó cây ăn trái được lựa chọn để phát triển, bước đầu đã thu được nhiều kết quả.

Việc hình thành vùng cây ăn trái và thành lập HTX chính là bước phát triển mới, nhằm từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn trái theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho thành viên.

Nhờ tham gia vào HTX, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhờ tham gia vào HTX, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Thép, thành viên HTX, chỉ mới 22 tuổi chia sẻ, gia đình mua 6 ha đất trồng cây ăn quả để trồng 7.000 cây giống gồm xoài, cam, bưởi, quýt, dừa… với tổng chi phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Khi mới bắt đầu trồng cây ăn quả gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ tham gia vào HTX, được HTX hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất, các thành viên có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau, đầu ra cũng ổn định nên chỉ cần chăm sóc tốt cho đến ngày thu hoạch thì hộ thành viên không phải lo nghĩ nhiều, cuộc sống cũng ổn định hơn trước.

Huyện vùng biên nỗ lực giảm nghèo

Ông Phạm Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, Ea Súp là huyện biên giới, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bởi vậy, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Huyện đang tập trung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm... Đồng thời, thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí thoát nghèo và vươn lên làm giàu của người dân.

Đặc biệt, mới đây, UBND huyện ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX, với mục tiêu đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 40 HTX nông nghiệp, trong đó 40% HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và 65% HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, chiếm 56% tổng cơ cấu kinh tế toàn huyện. Do đó, xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện.

Sự ra đời của các HTX, tổ hợp tác đã hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản và đang khẳng định được tính hiệu quả.

“Thành quả sản xuất, kinh doanh của các HTX đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn vùng đồng bào DTTS vùng biên giới nơi đây”, ông Phạm Công chia sẻ.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/htx-no-luc-dua-san-pham-tot-nhat-den-tay-nguoi-tieu-dung-1097099.html