Hợp tác kinh tế, thương mại mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước Trung Quốc - Việt Nam

Đây là nhận định được đưa ra trong bài viết với tựa đề 'Đối tác tốt hợp tác cùng có lợi - Hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - Việt Nam mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước' đăng trên trang 3 số ra ngày 11-12-2023 của tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc.

Mở đầu bài viết khẳng định: “Năm nay kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Thực hiện phương châm “4 tốt” - láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt, hai nước đã đẩy mạnh kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi, nhằm duy trì chuỗi cung ứng ổn định, thông suốt; không ngừng nâng cao mức độ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực”.

Thương mại song phương phát triển nhanh chóng

Bài viết khẳng định: “Trong những năm gần đây, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng”. “Trung Quốc nhiều năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới".

Bài viết chỉ ra, từ sầu riêng đến thanh long, chuối, chôm chôm, dưa hấu..., “rổ trái cây” thương mại Trung Quốc – Việt Nam ngày càng lớn hơn. Ngoài mặt hàng nông sản, “xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng đáng kể”.

Sầu riêng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023). Ảnh: Tân Hoa xã

Trong đó, nói về mặt hàng sầu riêng của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc, bài viết có đoạn: “Ngay từ sáng sớm, một hàng dài xe chở sầu riêng của Việt Nam đã xếp hàng trên cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Trung -Việt, từ từ tiến về cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc). Sau khi thông quan, sầu riêng Việt Nam bắt đầu hành trình tiêu thụ trên thị trường Trung Quốc”. Theo đó, sầu riêng tươi Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc tháng 7-2022. Điều này giúp “xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh, đồng thời mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho những người nông dân trồng trái cây của Việt Nam”.

Bài viết dẫn số liệu thống kê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam công bố cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nước cũng nhất trí thúc đẩy cung cấp xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao.

Ông Hứa Lợi Bình, chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết: “Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ sung cao, quy mô thương mại không ngừng phát triển, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”. Ông Bình cho rằng, quy mô thương mại tiếp tục tăng trưởng, thể hiện sự hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Ngoài ra, tháng 11 năm nay, Việt Nam tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 6 với tư cách là quốc gia danh dự. “Cà phê, sầu riêng, gạo, trái cây sấy khô, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam tiếp tục thâm nhập thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, tại mỗi lần Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, gian hàng của Việt Nam đều thu hút hàng chục nghìn đại diện doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đến tham quan và đàm phán”. Từ đó có thể thấy “thông qua một loạt hoạt động kinh tế, thương mại, Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục mở rộng cơ hội hợp tác cùng có lợi".

Điểm sáng lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại song phương

Bài viết đã điểm lại những hoạt động quan trọng diễn ra ở khu vực cửa khẩu của hai nước. Trong đó, tháng 9-2023, khởi công dự án Cửa khẩu thông minh Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) - Hữu Nghị (Việt Nam) - dự án cửa khẩu thông minh xuyên biên giới đầu tiên giữa hai nước, cho phép thông quan hàng hóa tự động không người trực 24 giờ liên tục trong ngày; cửa khẩu Bình Mãng (Trung Quốc) - Sóc Giang (Việt Nam) mới đây đã khôi phục thông quan; khởi động hoạt động xuất nhập cảnh hành khách qua Cửa khẩu quốc tế Đông Hưng (Trung Quốc) - Móng Cái (Việt Nam) tại khu vực cầu Bắc Luân II.... Những hoạt động này góp phần nâng cao mức độ hợp tác mở cửa giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như Trung Quốc và ASEAN.

Khởi động hoạt động xuất nhập cảnh hành khách qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II.

Bài viết nhấn mạnh: “Thương mại thông suốt là điểm sáng lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc-Việt Nam”. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba: “Trong tương lai, việc kết nối cơ sở hạ tầng giao thông giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Thông qua việc nâng cao hiệu quả thông quan ở các cửa khẩu và đảm bảo thương mại thông suốt, ‘kết nối mềm’ giữa hai nước cũng sẽ ngày càng được tăng cường”.

Đại sứ Hùng Ba cũng cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển quan trọng, Trung Quốc mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa hai bên trong các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng mới, cơ sở hạ tầng..., đồng thời hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Ảnh do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cung cấp.

Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp tại các tổ chức và diễn đàn đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương... Hai bên cùng nhau thúc đẩy thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ hợp tác Đông Á, hợp tác sông Mê Công - Lan Thương...

Bài viết kết thúc bằng nhận định của Giáo sư Trạch Côn, Học viện Quan hệ quốc tế, thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng: “Hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả các lợi thế và nguồn tài nguyên của hai nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của hai nước trong chuỗi cung ứng khu vực và thế giới, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi các ngành của các nước trong khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác Trung Quốc-ASEAN cũng như tiến trình hội nhập của khu vực”.

ĐẶNG LOAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hop-tac-kinh-te-thuong-mai-mang-lai-loi-ich-cho-nhan-dan-hai-nuoc-trung-quoc-viet-nam-755033