Hợp tác kênh Đảng dẫn dắt quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển

Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc có lịch sử khá đặc biệt. Những người cộng sản của hai nước có quan hệ gắn bó với nhau từ những ngày Đảng còn thai nghén, chưa ra đời. Bởi vậy suốt 100 năm qua, trong mọi hoàn cảnh khác nhau dù khó khăn hay thuận lợi, trục quan hệ hai đảng vẫn luôn đóng vai trò cốt lõi trong quan hệ giữa hai dân tộc, hai quốc gia.

Nhìn lại hơn 30 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, có thể thấy đây là một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước. Mặc dù trải qua những chặng gập ghềnh gian nan nhưng quan hệ hợp tác giữa hai nước đã từng bước được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề tồn tại đã được giải quyết. Đó là kết quả từ những nỗ lực của nhiều bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương của cả hai phía, nhưng không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của quan hệ Đảng.

Hiếm có mối quan hệ song phương nào trong khu vực và trên thế giới, ngoài các kênh chính thức của nhà nước và kênh nhân dân, lại có một kênh giao lưu ổn định, có quyền uy và hiệu quả như kênh giao lưu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hơn 30 năm qua, mối quan hệ đó được thể hiện ở những thời điểm quan trọng.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30-10 đến 1-11-2022 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước. (Nguồn: TTXVN)

Kênh Đảng được giữ vững trong mọi hoàn cảnh

Quan hệ Việt - Trung đã trải qua 10 năm vô cùng khó khăn và căng thẳng, bất lợi cho sự phát triển của mỗi nước và sự ổn định của khu vực giữa lúc tình hình thế giới có những chuyển biến phức tạp. Nhưng cùng thời điểm đó, công cuộc đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc có những tiến triển tích cực. Xuất phát từ tình hình trong, ngoài nước và nhu cầu phát triển và ổn định lâu dài của cả Trung Quốc và Việt Nam, lãnh đạo cấp cao hai Đảng đã quyết định khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ. Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6-1991) khẳng định tư duy đổi mới về quan hệ quốc tế với tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đồng thời công khai khẳng định chủ trương “thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từng bước mở rộng sự hợp tác quan hệ Việt - Trung, giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước thông qua thương lượng”.[1]

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 11-1991 của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước, hai bên ra tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ.

Kể từ khi bình thường hóa đến nay, về tổng thể quan hệ phát triển theo hướng đi lên dù vẫn trải qua những chặng gập ghềnh và thăng trầm. Có những thời điểm khó khăn, song song với giao lưu, đấu tranh, thúc đẩy giải quyết bất đồng, hai Đảng vẫn duy trì ổn định, thực hiện các kế hoạch trao đổi hằng năm, bao gồm cả gặp gỡ cấp cao, hội thảo lý luận, giao lưu các ban Đảng, các chương trình hợp tác đào tạo đều giữ đúng tiến độ.

Việc duy trì ổn định kênh Đảng trong những lúc quan hệ gặp khó khăn như vậy có tác dụng định hướng cho các mối quan hệ trên các lĩnh vực khác, không để các bất đồng song phương vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Những quyết định quan trọng từ các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư hai Đảng

Kể từ năm 1991 đến nay, giao lưu cấp cao mà quan trọng nhất là các cuộc gặp gỡ giữa hai Tổng Bí thư hai Đảng diễn ra rất thường xuyên. Tổng Bí thư hai Đảng đã thực hiện 17 chuyến thăm lẫn nhau. Trừ mấy năm đại dịch không thể bố trí gặp gỡ. Kể từ năm 2013, hai Tổng Bí thư hàng năm có các cuộc điện đàm qua đường dây nóng trong những dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của hai nước.

Những quyết định mang tính chỉ đạo quan hệ Việt - Trung trong suốt hơn 30 năm qua đều được đưa ra trong các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng Bí thư hai Đảng. Xin điểm lại một số mốc quan trọng:

Tháng 11-1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc Vụ viện Lý Bằng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tháng 7-1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. Trước khi kết thúc chuyến thăm, rời thành phố Côn Minh về nước, Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi đến Tổng Bí thư Giang Trạch Dân một lá thư, khẳng định lại một số thỏa thuận quan trọng, trong đó nêu kiến nghị xác định rõ ràng thời hạn giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ. Cụ thể là giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ trong năm 1999 và vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Một tháng sau (tháng 8-1997), Tổng Bí thư Giang Trạch Dân có thư phúc đáp, hoàn toàn tán thành ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tháng 2-1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, hai bên điểm lại những bước tiến trong quan hệ sau 8 năm bình thường hóa và thấy rằng cần phải có định hướng rõ ràng hơn để quan hệ hai nước phát triển một cách ổn định và bền vững lâu dài. Hai bên đã xác định phương châm chỉ đạo quan hệ Việt - Trung trong thế kỷ 21 bằng 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Cũng trong chuyến thăm này, thực hiện thỏa thuận giữa hai Tổng Bí thư năm 1997, hai bên tuyên bố “quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đàm phán, nâng cao hiệu suất công tác, ký kết Hiệp ước về biên giới trên bộ trong năm 1999; giải quyết xong vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000”.[2] Như vậy, thời hạn giải quyết hai vấn đề quan trọng về biên giới lãnh thổ đã được xác định rõ ràng và công khai.

Tháng 11-2005, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, hai bên lấy “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” làm mục tiêu phấn đấu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, sau này được gọi là “tinh thần 4 tốt”.

Tháng 6-2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, hai bên nhất trí nâng quan hệ Việt - Trung lên thành “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Tháng 10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc, hai bên ký “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Tháng 10-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII của Đảng và diễn ra ngay sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc. Những nhận thức chung của hai Tổng bí thư đã tháo gỡ những bế tắc tồn tại trong thời gian cả hai nước phải đối phó với đại dịch Covid-19, mở ra một giai đoạn phát triển mới, thuận lợi hơn cho quan hệ hợp tác song phương.

Ngoài các cuộc gặp gỡ giữa hai Tổng Bí thư, thông qua kênh Đảng, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban Đảng hai bên đã tiến hành các chuyến thăm, giao lưu, trao đổi thông tin và thảo luận về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Gặp gỡ tiếp xúc cấp cao hai Đảng đã trở thành truyền thống, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giữ vững định hướng phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.

Trao đổi lý luận là hoạt động hợp tác thực sự bổ ích

Hợp tác nghiên cứu lý luận giữa hai Đảng đã trở thành điểm sáng trong quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong bối cảnh các Đảng Cộng sản cầm quyền không còn nhiều, mấy chục năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa, xây dựng những mô hình chưa có tiền lệ, việc trao đổi, tham khảo lẫn nhau về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn đã trở thành nhu cầu của cả hai bên.

Đến nay, hội thảo lý luận giữa hai Đảng đã diễn ra 17 cuộc (kể cả hội thảo trực tuyến). Ngoài hội thảo lý luận do lãnh đạo cấp Ủy viên Bộ Chính trị hai Đảng chủ trì, nhiều cơ quan nghiên cứu lý luận, các ban ngành liên quan cũng tiến hành nhiều cuộc trao đổi lý luận trên nhiều lĩnh vực, như Tạp chí Cộng sản với Tạp chí Cầu thị, Báo Nhân Dân với Nhân dân nhật báo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, trao đổi chuyên đề giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc v.v... Các cuộc hội thảo và trao đổi lý luận này không những là cơ hội tham khảo lẫn nhau về lý luận, bổ sung cho nhau về kinh nghiệm thực tiễn, mà còn tăng thêm hiểu biết lẫn nhau và góp phần tăng cường tin cậy lẫn nhau. Trao đổi lý luận giữa hai Đảng cũng đã làm phong phú thêm kho tàng lý luận xây dựng đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi Đảng, mỗi nước, đồng thời có giá trị tham khảo cho các đảng anh em khác.

Tuy nhiên, học tập lẫn nhau không có nghĩa là bắt chước. Đó chỉ có giá trị tham khảo, còn phải trải qua quá trình nghiên cứu, chọn lọc để áp dụng thích hợp cho mỗi đảng, mỗi nước.

Trực tiếp tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề bất đồng

Hơn 30 năm qua, thành tựu nổi bật nhất là hai bên đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản tồn tại giữa hai nước do lịch sử để lại. Hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận mang tính nguyên tắc và hai Chính phủ đã thiết lập các cơ chế giải quyết như Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, các cơ chế đàm phán, các tổ công tác v.v... Trong đó, quan trọng nhất là thỏa thuận đạt được giữa hai Tổng Bí thư năm 1997, công bố năm 1999 về quyết tâm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ đã được thực hiện thành công đúng thời hạn.

Trước những vấn đề nảy sinh làm quan hệ trở nên xấu đi, thậm chí căng thẳng, ngoài việc trao đổi ý kiến tại các cơ chế đã có, hai bên đã phải tiếp xúc, trao đổi ý kiến qua kênh Đảng. Thực tế cho thấy cách tiếp xúc kênh đảng là thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề nhanh chóng và thỏa đáng hơn.

Nhìn lại hơn 30 năm qua và xa hơn là 100 năm qua, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đóng vai trò cốt lõi trong lịch sử quan hệ hai nước. Đến nay, trong bối cảnh mới, quan hệ đó có thể không giống như những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước, nhưng vẫn giữ một vai trò quan trọng. Thời gian tới, với vai trò nòng cốt của quan hệ Đảng và truyền thống hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, chúng ta thấy rằng những thỏa thuận quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã đạt được sẽ là phương hướng phấn đấu đúng đắn cho quan hệ hữu nghị Việt -Trung, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

NGUYỄN VINH QUANG, Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế; nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

[1] Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII 1991.

[2] Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 1999.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hop-tac-kenh-dang-dan-dat-quan-he-viet-nam-trung-quoc-phat-trien-742432