Hợp tác Hà Giang-châu Văn Sơn: Tích cực, hiệu quả, góp phần ổn định biên giới Việt-Trung

Tỉnh Hà Giang và châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) có hơn 265 km đường biên giới chung, những năm gần đây, giao lưu, hợp tác giữa hai tỉnh/châu đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.

Tháp Bút, kỳ quan đẹp nhất của châu Văn Sơn. (Nguồn: espc.com)

Tháp Bút, kỳ quan đẹp nhất của châu Văn Sơn. (Nguồn: espc.com)

Nét đẹp Văn Sơn

Châu Văn Sơn, tên đầy đủ là châu tự trị dân tộc Choang dân tộc Mèo Văn Sơn, là đơn vị trên cấp huyện thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, diện tích 32.239 km2, dân số trên 3,7 triệu người.

Về mặt địa hình, Văn Sơn có độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 1.500 đến 1.800m; đồi, núi trùng điệp, nhiều dốc cao, vực sâu giống như huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Văn Sơn còn rất nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ châu, 11 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này đang đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách tiến tới mục tiêu giàu, đẹp.

Văn Sơn nổi tiếng với cây tam thất. Cây tam thất ở đây đã có từ rất lâu và kể từ khi con người phát hiện ra những tác dụng của tam thất đến nay cũng đã khoảng 500 năm. Củ tam thất cũng đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng để hiểu hết tác dụng của tam thất và để được thưởng thức những món ăn, thức uống ngon được chế biến phong phú từ tam thất thì chắc phải đến châu Văn Sơn.

Khu du lịch Khâu Bắc (thuộc huyện Khâu Bắc) nằm cách trung tâm châu khoảng trên 130 km về phía Bắc. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc Di; có hồ Phổ Nhĩ Hách (tiếng dân tộc Di, dịch ra tiếng Hán có nghĩa là nhiều tôm, nhiều cá), dài tới 20 km. Đây là khu du lịch không những nổi tiếng của châu mà nổi tiếng cả tỉnh Vân Nam.

Ngoài thế mạnh về du lịch, Khâu Bắc còn nổi tiếng là vùng đặc sản ớt, vùng trồng nho, trồng cây thuốc lá của châu. Ớt được xuất khẩu sang nhiều nước, nhiều nhất là sang Nhật Bản. Ớt xuất khẩu không những để chế biến gia vị mà còn để chế màu sắc cho một số loại sơn...

Khai thác khoáng sản cũng là một thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế rất lớn ở châu Văn Sơn. Khoáng sản ở đây chủ yếu là quặng sắt, nhôm, thiếc, được khai thác, chế biến với qui mô công nghiệp.

Hợp tác toàn diện nhiều lĩnh vực

Ngày 24/12/2015, tỉnh Hà Giang và châu Văn Sơn đã ký kết “Chương trình hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Việt Nam và Chính quyền nhân dân châu Văn Sơn, Trung Quốc, giai đoạn 2016 – 2020”.

Đây là lần thứ hai hai bên ký Chương trình hợp tác với nội dung bao quát và định hướng hầu hết các lĩnh vực giao lưu và hợp tác giữa hai địa phương. Sau khi ký kết, dưới sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành sát sao của chính quyền và sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị liên quan, Chương trình hợp tác đã được hai bên triển khai toàn diện, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, ổn định tình hình khu vực biên giới.

Hai bên đã duy trì tốt công tác trao đổi đoàn các cấp, tổ chức 15 cuộc làm việc giữa lãnh đạo cấp cao hai tỉnh/châu, nổi bật là chuyến thăm châu Văn Sơn ngay sau khi Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhậm chức (tháng 12/2019) và chuyến thăm tỉnh Hà Giang ngay sau khi Bí thư Châu ủy Văn Sơn Đồng Chí Vân nhậm chức (tháng 9/2017) đã thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự coi trọng của hai bên trong thúc đẩy quan hệ giữa hai địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng duy trì tốt cơ chế hội đàm định kỳ và đột xuất, đã tổ chức 129 đoàn/1.506 lượt người qua lại làm việc; kết nghĩa thêm được 1 cặp huyện hữu nghị, hoàn thành kết nghĩa giữa 13/13 cụm xã/hương/trấn biên giới, thiết lập cơ chế giao lưu thanh niên biên giới hàng năm; các ban Đảng hai bên đã bước đầu có tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm lĩnh vực xây dựng Đảng.

Xe chở hàng qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang)

Xe chở hàng qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang)

Hai bên đã phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; duy trì hiệu quả cơ chế hội đàm định kỳ, tuần tra song phương, do đó tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được duy trì ổn định, hệ thống đường biên giới, mốc giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia luôn được giữ nguyên trạng.

Hợp tác quản lý lao động qua biên giới tiếp tục được hai bên triển khai hiệu quả, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hà Giang đã đưa được trên 2.000 lượt lao động sang làm việc chính thức tại các huyện biên giới của châu Văn Sơn với mức lương trung bình từ khoảng 6-9 triệu VNĐ/tháng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm thiểu việc đi lao động tự do tại khu vực biên giới.

Thông qua tích cực thúc đẩy của hai bên, năm 2018, cửa khẩu song phương Xín Mần– Đô Long đã được mở chính thức. Cửa khẩu Thanh Thủy-Thiên Bảo tiếp tục giữ vai trò là cửa ngõ quan trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai tỉnh/châu.

Các hoạt động Hội chợ xúc tiến thương mại du lịch, kết nối doanh nghiệp... giữa hai bên tiếp tục được duy trì, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên giai đoạn 2016-2020 đạt trên 6 tỷ USD, hoàn thành và vượt hơn 200% so với mục tiêu hai bên thống nhất tại Chương trình hợp tác (3 tỷ USD); lượng khách du lịch qua lại giữa hai bên cũng không ngừng tăng qua các năm.

Hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, tư pháp... cũng được hai bên triển khai và đạt nhiều kết quả thực chất.

Doanh nghiệp hai bên đã triển khai một số mô hình hợp tác trồng và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Hà Giang, tiêu biểu là hợp tác trồng mía tại huyện Vị Xuyên.

Một số hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức từ cấp tỉnh đến cơ sở. Năm 2018, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Đoàn nghệ thuật sang biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập châu Văn Sơn. Phía châu Văn Sơn thường xuyên cử các Đoàn đại biểu sang dự các hoạt động Lễ hội do tỉnh Hà Giang tổ chức.

Hai bên đã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ và cấp học bổng cho sinh viên hai bên; duy trì tốt cơ chế trao đổi thông tin về tình hình bệnh dịch và phối hợp phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh truyền nhiễm khu vực biên giới, tổ chức các lớp tập huấn nhân lực y tế; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật chung cho cư dân biên giới.

Chương trình hợp tác đã góp phần rất lớn vào nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác giữa hai tỉnh/châu, thúc đẩy kinh tế-xã hội của hai địa phương cùng phát triển, duy trì hòa bình, ổn định khu vực biên giới.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc triển khai Chương trình hợp tác cũng gặp không ít khó khăn và hạn chế, một số nội dung hai bên đã thống nhất nhưng tiến độ triển khai còn chậm, kết quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của hai bên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hợp tác giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại.

Có thể nói, Chương trình hợp tác là kỳ vọng chung về thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai bên phát triển toàn diện, thực chất, hiệu quả; được hai bên xây dựng trên cơ sở nhu cầu hợp tác và yêu cầu thực tế, phù hợp với xu hướng phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Với những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai, việc ký kết Chương trình hợp tác mới ở giai đoạn tiếp theo (2021- 2025) đang được hai bên tích cực bàn thảo.

Tin rằng, với kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình triển khai ở hai giai đoạn vừa qua, việc ký kết và triển khai Chương trình hợp tác trong giai đoạn tới chắc chắn sẽ thuận lợi, thiết thực và hiệu quả hơn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-ha-giang-chau-van-son-tich-cuc-hieu-qua-gop-phan-on-dinh-bien-gioi-viet-trung-165207.html