Hợp tác chế biến tiêu thụ làm gia tăng chuỗi giá trị nông sản

Giới thiệu sản phẩm ngành hàng của nhiều địa phương vowis nhau không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu thế mạnh mà còn mở ra cơ hội hợp tác nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Thời gian qua, TP Hải Phòng đã phối hợp với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn,… tổ chức "Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu" của các địa phương. Hoạt động này không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu thế mạnh nông nghiệp nhiều tỉnh miền núi tại thành phố Cảng mà còn mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Gần 160 mặt hàng nông sản tiêu biểu của Bắc Kạn như miến dong, măng khô, mộc nhĩ, trà mướp đắng rừng, trà bí xanh thơm… được quảng bá, giới thiệu trong Tuần lễ giới thiệu Miến dong và các sản phẩm OCOP tổ chức tại TP Hải Phòng cuối năm 2022 vừa qua. Các sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch…

Tuần lễ Thương mại - Du lịch - Nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại thành phố Hải Phòng vào cuối tháng 12/2022 vừa qua.

Tuần lễ Thương mại - Du lịch - Nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại thành phố Hải Phòng vào cuối tháng 12/2022 vừa qua.

Bà Trần Thị Bích Nga ở đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết, qua những gian hàng hội chợ đã tìm được những sản vật mang đặc trưng của vùng miền. “Việc thành phố tổ chức những hội chợ kết nối sản phẩm vùng miền rất lý thú; người dân vừa được xem triển lãm các mặt hàng, lại được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi nên ai cũng thích. Hơn nữa, các mặt hàng tại hội chợ là chính gốc đến từ những vùng quê nên người dân rất yên tâm đó là hàng thật, hàng chất lượng”, bà Nga chia sẻ.

Ngay trong Lễ khai mạc "Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn" tại Hải Phòng, đã có 3 biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết giữa HTX Tài Hoan, HTX Nhung Lũy và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn với các DN của TP Hải Phòng. Nhiều DN ở Hải Phòng cũng đang tiếp tục kết nối với các cơ sở sản xuất, DN của tỉnh Bắc Kạn để hợp tác, mở rộng thị trường và sản lượng tiêu thụ hàng hóa.

Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đánh giá, qua việc giới thiệu sản phẩm nông sản tại TP Hải Phòng năm năm 2022 đều thành công ngoài kỳ vọng. “Các HTX, DN mang sản phẩm đi giới thiệu cũng rất vui mừng được giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình; đồng thời cũng đã bán được khá nhiều hàng, những mặt hàng mang đi bán bán hết. Qua đó, còn có thêm những mối quan hệ nhằm ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa cho nhau”, ông Sáng hài lòng.

Trên thực tế, hoạt động giới thiệu và bán các loại sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương miền núi phía Bắc và TP Hải Phòng đều thu được kết quả khả quan. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, đây không chỉ là sự phối hợp để mở rộng thị trường tiêu thụ, mà còn góp phần đẩy mạnh liên kết, nâng cao chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản.

“Tỉnh Sơn La rất nỗ lực trong việc tổ chức triển khai xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong cả nước và xuất khẩu ra thị trường 21 nước trên thế giới. Tỉnh cũng mở thêm hướng đi đó là phát triển các sản phẩm của tỉnh dựa trên thế mạnh của Hải Phòng là kinh tế biển. Đơn cử nếu Sơn La có khoảng 2 triệu tấn sắn, từ đó chế biến ra các sản phẩm tinh bột sắn và đang xuất khẩu qua các cửa khẩu của Quảng Ninh, cửa khẩu của Lạng Sơn, nhưng hiện nay tỉnh cũng đang tính đến xuất khẩu đường biển đến nhiều thị trường khác qua các cảng của Hải Phòng”, ông Công dự tính.

Thực tế có nhiều thuận lợi, song theo nhiều chuyên gia, khó khăn lớn nhất đối với việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản hiện nay là rào cản hợp tác giữa DN và người dân. Hiện đa số các DN chỉ thu mua nông sản qua thương lái và nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm.

Người dân Hải Phòng dành nhiều ưu ái cho các mặt hàng nông sản của Sơn La.

Người dân Hải Phòng dành nhiều ưu ái cho các mặt hàng nông sản của Sơn La.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Co.op Mart Hải Phòng cho rằng, để hình thành và nâng cao hiệu quả các chuỗi giá trị cho nông sản cần có sự hỗ trợ, cầu nối của ngành nông nghiệp, các Liên minh HTX, Hội nông dân địa phương...

“Xu hướng sắp tới khi kết nối 4.0 sẽ lan tỏa việc kết nối giữa DN, người tiêu dùng và nhà phân phối dễ dàng hơn. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ làm sao để các DN có thể tìm thấy nhau và cùng có tiếng nói chung làm sao phục vụ cho người dân tốt nhất. Riêng tại TP Hải Phòng, công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu dùng cũng như kết nối các địa phương đến với các DN đang được làm rất tốt”, ông Nam nhận xét.

Với thế mạnh nông nghiệp, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông sản với các sản phẩm chủ lực mang đặc trưng vùng miền. Sự phối hợp, liên kết của các địa phương không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, quan trọng hơn là kết nối cung - cầu, xây dựng và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông sản, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hop-tac-che-bien-tieu-thu-lam-gia-tang-chuoi-gia-tri-nong-san-post1001716.vov