Hợp lưu dòng chảy nghệ thuật liên ngành và khai phóng

Lịch sử Việt Nam, trải qua những biến thiên và thăng trầm cố hữu, luôn thường trực những sự đứt gẫy. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, những truyền thống tưởng như đã đứt đoạn lại hội tụ, phục sinh và tìm thấy sự liên tục.

Triển lãm Dòng chảy kết nối mang một ý nghĩa tinh thần sâu sắc, với tư cách là điểm hợp lưu giữa hai dòng chảy quan trọng trong lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại.

Dòng chảy thứ nhất, tượng trưng cho nền giáo dục đại học theo mô hình liên ngành và được coi là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên tại Việt Nam. Mạch nguồn có thể được truy nguyên về Quyết định số 1514a ngày 16.5.1905 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau, về việc thành lập Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise), có trụ sở đặt tại phố Boulevard Bobillot (nay là số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Viện Đại học Đông Dương (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội) tại số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh TL

Viện Đại học Đông Dương (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội) tại số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh TL

Xuôi dòng lịch sử, 40 năm sau, trên cơ sở Đại học Đông Dương, Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập, khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 15.11.1945. Rồi gần 50 năm sau, Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời theo Nghị định 93/CP ngày 10.12.1993 của Chính phủ.

Nhưng đó cũng mới chỉ là ghé qua những dấu mốc thời gian hành chính, những bến bờ hữu hình của một hành trình dài lâu. Sâu xa hơn, là cả một quá trình vận động tiến bộ về quan điểm giáo dục, “vươn vai” từ đơn ngành hẹp chuyển sang liên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực.

Các chuyên ngành đơn biệt, được đào tạo độc lập, riêng rẽ, nay đã hợp quần, tích hợp để cùng hướng tới phục vụ một sứ mệnh chung, và không những vậy, mở rộng chủ đề nghiên cứu rộng hơn rất nhiều, với đa dạng các cách tiếp cận. Mỗi đối tượng sẽ là một khối rubik nhiều mặt có thể giải được từ nhiều phía. Đơn cử, nghệ thuật sẽ không còn chỉ được nhìn từ góc độ diện mạo thị giác thuần túy nữa, mà còn có thể được diễn giải qua lăng kính liên ngành của mỹ học, biểu tượng học, phân tâm học, nhân học...

Không gian triển lãm tại Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Không gian triển lãm tại Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Dòng chảy thứ hai là những dấu ấn đầu tiên chỉ báo cho một nền giáo dục nghệ thuật khai phóng, đến cùng với Trường Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts de l’Indochine). Khởi sự lương duyên bắt đầu kể từ khi Victor Tardieu đặt chân đến Việt Nam vào năm 1921 và nhận lời vẽ một bức tranh khổ lớn cho cho giảng đường chính của Viện Đại học Đông Dương đang được xây dựng (ngày nay là Hội trường Ngụy Như Kon Tum tại số 19 Lê Thánh Tông).

Năm 1924, Victor Tardieu đã trình Toàn quyền Đông Dương một Báo cáo về việc giảng dạy mỹ thuật tại Đông Dương và việc thành lập một trường vẽ tổng quát tại Hà Nội. Đây là tiền đề quan trọng để Toàn quyền Đông Dương Henri Merlin phê chuẩn Nghị định ngày 27.10.1924 về việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.

Đặt người học, và cao hơn tất thảy, cá nhân, làm trung tâm, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã khẳng định giá trị cao cả nhất của giáo dục khai phóng. Nghệ thuật sẽ trình hiện những khả thể toàn vẹn và lý tưởng nhất của nó, một khi yếu tính của sáng tạo, cá tính nghệ sĩ được tạo điều kiện để tự do biểu đạt.

Trường học, do đó, đóng vai trò là “hệ sinh thái” giúp học viên phát huy hết khả năng của mình, thay vì chỉ thuần túy đào tạo theo lối nhồi nhét kiến thức hay cầm tay chỉ việc. Người học không chỉ phát triển về kiến thức, kỹ năng, mà cũng sẽ tự do phát triển chiều kích cá nhân – cá tính, nhân cách, cùng tư duy độc lập, sáng tạo.

Mỗi nghệ sĩ tham gia triển lãm, bằng chất liệu, phương tiện và ngôn ngữ biểu đạt của mình, mang đến một cách thể hiện nghệ thuật mới. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Mỗi nghệ sĩ tham gia triển lãm, bằng chất liệu, phương tiện và ngôn ngữ biểu đạt của mình, mang đến một cách thể hiện nghệ thuật mới. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Khơi dòng và kết nối, cũng chính là thông điệp tập thể giảng viên/nghệ sĩ của Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội muốn trao đi thông qua triển lãm Dòng chảy kết nối. Họ đã kế thừa và nối tiếp hai dòng chảy tinh thần, đến từ hai cái nôi giáo dục quan trọng trong lịch sử, và đứng trên nền tảng liên ngành khai phóng để hướng tới ươm mầm tương lai đào tạo nghệ thuật liên ngành đầy tiềm năng.

Dòng chảy kết nối sẽ giúp trả lời cho câu hỏi “nghệ thuật liên ngành là gì?”. Bởi mỗi nghệ sĩ tham gia triển lãm, bằng chất liệu, phương tiện và ngôn ngữ biểu đạt của mình, mang đến một cách thể hiện nghệ thuật mới, vừa mang lại trải nghiệm của một thứ nghệ thuật toàn diện (Gesamtkunstwerk), vừa cho thấy dấu ấn tích hợp các cách tiếp cận liên ngành khác nhau.

23 nghệ sĩ với gần 50 tác phẩm, không chỉ là những sắc thái cá nhân khác nhau, mà còn là những sắc diện chuyên ngành khác nhau, qua những câu chuyện đặc thù. Cùng một khởi điểm ở lĩnh vực kiến trúc, nếu Lê Phước Anh và Nguyễn Hoàng Phương Minh trưng bày những phương án thiết kế kiến trúc – cảnh quan hài hòa giữa di sản và cách tân, thì Nguyễn Trương Quý và Vũ Hiệp lại rẽ lối tự thuật mình qua ngôn ngữ của hội họa.

Trần Hậu Yên Thế và Trần Trọng Dương tìm về truyền thống trung đại. Lê Hà và Phương Đặng chọn chất liệu thời trang để kể mang đến diễn ngôn về bản địa. Hay cùng chủ đề ký ức đô thị, Nguyễn Thế Sơn và Thành Vinh lần lượt triển khai dựa trên phương thức nhiếp ảnh phù điêu và video hoạt hình tĩnh.

Triển lãm vừa mang tính thẩm mỹ nghệ thuật hướng tới đại chúng, nhưng đồng thời cũng vừa mang tính giáo dục... Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Triển lãm vừa mang tính thẩm mỹ nghệ thuật hướng tới đại chúng, nhưng đồng thời cũng vừa mang tính giáo dục... Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Đông đảo khách tham quan triển lãm. Ảnh: VNU Media/vnu.edu.vn

Một trải nghiệm độc đáo nữa được Dòng chảy kết nối đem lại, đó là triển lãm được trưng bay trong một không gian mở – một khoảng không gian giếng trời trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội tại cơ sở Hòa Lạc. Mặc dù mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật riêng, nhưng trải qua tích hợp liên ngành chúng trở thành những bộ phận của một chỉnh thể nghệ thuật tổng hòa lớn, đối thoại với địa điểm nơi chốn.

Bởi vậy, triển lãm vừa mang tính thẩm mỹ nghệ thuật hướng tới đại chúng, nhưng đồng thời cũng vừa mang tính giáo dục, tức chuyển giao và tạo cảm hứng cho sinh viên; mặt khác, trở thành một cảnh quan góp vào đô thị đại học – không gian văn hóa sáng tạo – không gian kinh tế tri thức, một trong những mục tiêu chính của khung hành động cho đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội.

Triển lãm Dòng chảy kết nối (Connection Flow) là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Hưởng ứng 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội, diễn ra từ ngày 8-28.12.2023 tại Tầng 1, Hội trường HT2 - Đại học Quốc gia Hà Nội (Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội). Trong khuôn khổ của triển lãm diễn cũng ra tọa đàm Nghê nơi cửa Khổng sân Trình, cuộc đối thoại liên ngành của Công nghệ - Di sản và Nghệ thuật vào 14h00 thứ 4 ngày 13.12.2023.

Các tác giả trưng bày tại triển lãm là tập thể nghệ sĩ/giảng viên tại Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm: Triệu Minh Hải, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Thế Sơn, Vũ Hiệp, Thành Vinh, Thái Nhật Minh, Ngô Xuân Phú, Nguyễn Thu Thủy, Tuệ Thư, Lê Việt Khánh, Vũ Kim Thư, Đào Mạnh Đạt, Trương Thủy, Trần Thị Thy Trà, Lê Hà, Phạm Thủy Tiên, Bùi Thị Thanh Hoa, Lê Phước Anh, Trần Trọng Dương, Đặng Phương, Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Hoàng Phương Minh, Nguyễn Trương Quý…

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hop-luu-dong-chay-nghe-thuat-lien-nganh-va-khai-phong-42008.html