Hồng quân Liên Xô giành chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại như thế nào?

Liên Xô đã phải chịu những tổn thất khủng khiếp để giành được chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 hay còn được biết tới với tên gọi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (đối với nhân dân Liên Xô).

Hơn 27 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng trong chiến tranh và các vùng lãnh thổ rộng lớn từ Baltic đến Biển Đen đã bị tàn phá gần như hoàn toàn.

Đức quốc xã đã dành hầu như toàn bộ nguồn nhân lực và vật lực trong cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô. Quân đội Italia, Romania, Hungary và Phần Lan, cũng như quân đội từ Tây Ban Nha, Slovakia và Croatia và các tình nguyện viên từ Pháp, Benelux và các nước Scandinavia bị chiếm đóng đã cùng Wehrmacht (quân đội phát xít Đức) chống lại Hồng quân Liên Xô.

Dưới đây là những mốc quan trọng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô chống lại Đức quốc xã:

Quân đội phát xít Đức tiến gần tới Thủ đô Moscow. Ảnh: Rian

Năm 1941: Cuộc tấn công chớp nhoáng của Đức thất bại

Vào lúc 4 giờ sáng ngày 22-6-1941, Đức quốc xã đã xâm phạm biên giới Liên Xô trong Chiến dịch Barbarossa và tiến về phía 3 thành phố chính là: Moscow, Leningrad và Kiev. Cuộc tấn công của quân phát xít hoàn toàn bất ngờ về mặt quân sự và chiến thuật.

Ngày 24-6, Vilnius bị chiếm; ngày 28-6 là Minsk; đến ngày 8-9, quân đội phát xít hoàn thành việc bao vây Leningrad. Vào ngày 15-9, Kiev hoàn toàn bị vây hãm. Tình thế của Hồng quân là gần như không thể chặn được bước tiến của Đức quốc xã tới Moscow. Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược tại chiến trường sát Thủ đô của Liên Xô.

Một phụ nữ Liên Xô than khóc sau những đau thương và đổ nát do phát xít Đức gây ra. Ảnh: Rian

Do một cuộc phản công quy mô lớn bất ngờ của Hồng quân ở ngoại vi Moscow, quân đội phát xít choáng váng đã bị đẩy lùi khỏi thành phố vài trăm km. Lãnh đạo Liên Xô quyết định rằng đã đến lúc phải giành thế chủ động trong cuộc chiến. Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo cho thấy, vẫn còn quá sớm để có thể đánh bại quân phát xít.

Trong Đông Xuân 1942, Hồng quân cố gắng tấn công dọc toàn tuyến, nhưng do dàn trải lực lượng nên chỉ đạt được thành công hạn chế. Bất chấp thực tế là phát xít Đức buộc phải rời bỏ một phần, nhưng chúng vẫn giữ được một đầu cầu quan trọng ở khu vực Rzhev để tiếp tục gây ra mối đe dọa cho Moscow.

Phát xít Đức vây hãm Stalingrad (nay là thành phố Volgograd). Ảnh: Rian

Pháo binh đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ thành phố Stalingrad của Hồng quân. Ảnh: Rian

1943: Bước ngoặt lớn

Trong trận Stalingrad, Hồng quân đã biến thất bại sắp xảy ra thành chiến thắng rực rỡ. Trận chiến không chỉ tiêu diệt một tập đoàn quân lớn của phát xít Đức, mà còn gây ra thất bại nặng nề cho các đồng minh Italia, Romania và Hungary của phe phát xít.

Bị Hồng quân truy kích, phát xít Đức buộc rút khỏi bờ sông Volga và vùng Kavkaz, nơi được coi là vựa lúa mì và dầu mỏ của Liên Xô; từ bỏ vòng cung Rzhev để không còn có khả năng đe dọa Thủ đô Moscow. Ngoài ra, Hồng quân đã tận dụng chiến quả để phá vỡ vòng vây ở Leningrad.

Sau khi mặt trận Xô-Đức ổn định vào mùa xuân, các bên bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến quyết định tại vòng cung Kursk. Cuộc tấn công với biệt danh Chiến dịch Thành cổ được thực hiện vào mùa hè 1943 được coi là nỗ lực cuối cùng của Hitler nhằm giành lại thế chủ động ở Mặt trận phía Đông.

Vòng cung Kursk đã khiến phát xít Đức mất hoàn toàn thế chủ động ở Mặt trận phía Đông. Ảnh; Rian

1944: Blitzkrieg kiểu Xô viết

Sau chiến thắng ở vòng cung Kursk, Hồng quân gần như không thể bị ngăn cản. Đầu năm 1944, Quân đội Liên Xô đã hoàn thành việc giải phóng bán đảo Crimea và gần như toàn bộ bờ phải sông Dnieper. Vào ngày 26-3, Hồng quân đã tiến tới biên giới Romania.

Vào mùa hè năm 1944, Hồng quân đã chứng minh cho Wehrmacht thấy những bài học cay đắng năm 1941 bằng việc sử dụng chính chiến thuật Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng) để phản công rất hiệu quả. Ngày 23-6, Hồng quân mở chiến dịch giải phóng Belarus với tên gọi Chiến dịch Bagration.

Chỉ trong hai tháng, Hồng quân đã tiến hành một cuộc tấn công thần tốc với chiều sâu 550-600km về phía Tây, tiêu diệt 17 sư đoàn Đức và giải phóng toàn bộ lãnh thổ Belarus và một phần đáng kể phía Đông Ba Lan. Phát xít Đức bị thiệt hại nặng khoảng nửa triệu quân.

1945: Đập tan hang ổ của phát xít

Vào đầu năm 1945, Hồng quân đã kịch chiến với phát xít trong thành phố Budapest, chuẩn bị giải phóng Warsaw. Phát xít Đức dù bị tổn thất nặng nề trong các trận chiến năm 1944 nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu tới cùng. Bất chấp việc mất đi các khu công nghiệp quan trọng và gần như tất cả các đồng minh chủ chốt, Wehrmacht vẫn tiếp tục chiến đấu.

Trong cuộc tấn công Vistula-Oder vào đầu tháng 2-1945, Phương diện quân Belarus số 1 do Nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy đã áp sát thành phố Berlin khoảng 70km. Khi Hồng quân chuẩn bị cuộc tấn công quyết định vào Thủ đô của phát xít Đức, Wehrmacht đã tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn cuối cùng.

Tù binh phát xít Đức bị giải qua Cổng chiến thắng Brandenburg ở Berlin. Ảnh: Rian

Khoảng 400.000 quân Đức và Hungary đã tham gia Chiến dịch đánh thức mùa xuân ở khu vực hồ Balaton và Velence vào tháng 3-1945. Tuy nhiên, quân phát xít chỉ tiến được khoảng vài chục km vào phòng tuyến chiều sâu của Hồng quân. Sau khi cuộc tấn công của quân phát xít thất bại, con đường tới Vienna đã được mở cho Hồng quân.

Sau đó chính là trận chiến giải phóng Berlin và một số trận chiến quy mô tại châu Âu kể cả sau khi phát xít Đức đầu hàng.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo vpk, rbth)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/hong-quan-lien-xo-gianh-chien-thang-trong-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-nhu-the-nao-775148