Hồn xuân

Minh họa: PV

Nắng lấp lánh ngoài hàng hiên. Trước sân nhà, hoa đào đã bắt đầu khoe sắc. Những nụ hoa đầu tiên hé nở trong tiết trời se se lành lạnh của mùa xuân đất Bắc, và vô số nụ hoa đang chấp chới đầu cành, đợi ngày bung nở.

Tôi đưa mẹ qua triền đê vẫn còn sắc cỏ lau trắng xóa từ độ cuối đông, hoa lau nở tạo thành tấm thảm khổng lồ trùm lên con đê nhiều năm tuổi. Mẹ nói muốn ngắm dòng sông uốn lượn giữa đồng bằng đổ ra biển cả. Dòng sông dùng dằng đi ngang qua vùng ngoại ô xa tít. Mùa xuân này, chân mẹ yếu hơn mùa xuân năm ngoái. Ngày trước mẹ vẫn thường lặn lội, gánh gồng trên con đê này để mưu sinh, nắng mưa mẹ đều vượt qua hết. Còn bây giờ, chỉ một quãng ngắn để lên được con đê ngăn lũ của làng, mẹ cũng than nhức khớp, mỏi gối. Tôi dìu mẹ, mẹ lẩm bẩm:

- Già rồi, út ơi! Biết mẹ còn được đón bao nhiêu mùa xuân nữa?

Tôi cười rúc rích mà lòng xót xa. Người già thường đếm tuổi đời bằng mùa xuân. Tết đến thì vui, mà cũng đầy lo lắng. Bởi đời người như một chiếc cầu ván, đi hết những tấm ván nghĩa là đi hết những năm tháng cuộc đời. Tuổi mẹ cũng sắp sửa đi trọn vẹn chiếc cầu. Bỗng tôi thấy buồn buồn tủi tủi.

- Mẹ lo xa quá! Mẹ còn khỏe lắm! Phía trước là niềm vui đón chờ.

Mẹ ngồi trên bờ đê, lấy cái khăn choàng lên đầu rồi cột lại phía dưới cằm sợ gió. Tôi ngồi bên mẹ, chợt thấy mình bé lại như ngày xưa vẫn thường theo mẹ đi trên con đường làng sang nhà ngoại chơi. Mỏi chân, hai mẹ con ngồi ngắm sông nước mây trời như thế. Ngoại mất sau ngày chúng tôi dọn nhà ra Bắc sống không lâu. Anh hai tôi lập nghiệp ngoài này, có công việc ổn định, cơ ngơi vững chãi. Không còn ba nên đi đâu anh hai cũng muốn đưa mẹ và tôi theo. Rồi anh hai lấy vợ, dọn vào nội thành sống. Căn nhà ở vùng ngoại ô yên bình, cạnh bờ sông này chỉ còn lại hai mẹ con tôi. Cảnh sắc nơi đây cũng không khác bao nhiêu so với cố hương, nhưng lòng mẹ vẫn man mác một nỗi buồn.

Hôm trước tôi đi tham quan vườn đào Nhật Tân, thấy hoa đẹp, tôi đặt mua một chậu đem về trang trí nhà cửa dịp tết. Mẹ nâng niu từng cành đào trên tay. Mẹ yêu hoa lắm! Trong khu vườn nhỏ sau nhà mẹ trồng đầy hoa, sắc màu sặc sỡ, đến mùa hoa khoe sắc lung linh một góc trời. Ở xứ Bắc, mùa xuân đến bằng lấm tấm sắc hồng của hoa đào - loài hoa vốn quen với khí hậu se lạnh. Ngồi quanh bếp lửa sưởi ấm, tôi với mẹ bàn chuyện gói bánh tét, nấu nồi thịt kho tàu, làm cải muối chua, dưa củ kiệu... để ăn suốt mấy ngày tết. Anh hai sợ hai mẹ con vất vả, tôi cũng phải đi làm nên thời gian không nhiều, anh bảo những thứ đó có thể đặt mua bên ngoài. Người ta làm cũng khéo léo, thơm ngon và hợp vệ sinh lắm!

- Sao bằng mẹ mình làm được hả anh? Vả lại, vốn dĩ tết truyền thống của người miền Bắc và người miền Nam khác nhau, phong tục khác, ẩm thực cũng khác... Mình nêm nếm theo khẩu vị miền Nam mới hợp.

Chị dâu tôi cũng ủng hộ việc tự nấu thay vì đặt mua. Gia đình được dịp sum họp, cùng gói bánh, nấu nướng... sau bao nhiêu ngày tháng cách rời. Chị dâu là người miền Bắc, thừa hưởng một nền văn hóa đậm chất Bắc Bộ. Ấy thế mà chị rất hứng thú trước phong vị phương Nam. Tính cách của chị vừa truyền thống, vừa hiện đại, thấu hiểu và đầy dung thứ... Đa số thắng thiểu số. Cuối cùng, anh hai cũng đành để cho cả nhà gói ghém, chuẩn bị tết nhất. Anh nằm trên võng bên hiên nhà ca mấy bài xuân sang, giọng ồm ồm y hệt giọng ba tôi ngày xưa. Chị tôi đùa, bảo rằng anh là “thảm họa của nền âm nhạc Việt Nam”. Căn nhà lại rộn ràng như hội.

Bánh tét, thịt kho, dưa cải muối chua, củ kiệu... đủ cả. Vui nhất là đêm cả nhà ngồi quây quần bên nhau trông nồi bánh tét. Nồi bánh sôi sùng sục trên lửa đỏ. Con mèo cam dụi đầu vào lưng tôi ngủ say trong tiết trời se lạnh bên ngoài. Mẹ kể chúng tôi nghe nhiều chuyện lắm! Chuyện tết phương Nam. Chuyện thuở mẹ còn con gái, vẫn thường qua lại trên cây cầu khỉ lắt lẻo bắc ngang qua dòng sông quê êm đềm. Chuyện nắng chuyện mưa. Chuyện thăng trầm. Chuyện xa lơ xa lắc...

Tôi ôm mẹ thật chặt. Ngoài trời lạnh. Bên mẹ, tự dưng tôi thấy ấm áp vô cùng. Mẹ là ngọn lửa sưởi ấm trong mùa đông dài, là ngọn gió của mùa hè nồng nàn thoang thoảng. Tôi bật khóc:

- Con thương mẹ quá, mẹ ơi!

Mẹ cười, nói tôi nhõng nhẽo. Mắt anh hai tôi cũng rơm rớm nước. Nước vẫn sôi sùng sục trong nồi kèm theo tiếng lửa reo tí tách. Xuân đến thì vui, nhưng lòng tôi nhấp nhỏm, lo sợ. Biết đâu một mùa xuân nào, xa hoặc gần, tôi không còn mẹ nữa. Khi đó chắc tôi bơ vơ như cánh chim chấp chới bay giữa khung trời mênh mông cao rộng, cô đơn vô cùng.

Anh hai tôi thỏ thẻ:

- Mẹ phải sống lâu, sống khỏe với chúng con, nha mẹ!

Mẹ gật đầu. Chúng tôi biết rằng, đối với mẹ, chúng tôi là niềm vui, là ý nghĩa của đời mẹ, là “báu vật” mà ba mẹ có được và sẽ giữ gìn ôm ấp trọn một đời.

Buổi sáng những ngày cuối cùng của năm, trời trong đến lạ, có áng mây trắng bay lững lờ ngang qua làng. Chị dâu tôi quét tước, dọn dẹp sân nhà. Mẹ tôi say sưa ngắm nhìn cành đào đang khoe sắc. Tự dưng mẹ thấy nhớ biết bao sắc mai vàng của phương Nam. Mẹ nhớ căn nhà cũ, có vuông sân ba trồng đầy mai vàng, mai tứ quý, đầu tháng Chạp cả nhà bắc ghế hái sạch lá để tết sang mai đơm nụ, nở hoa. Mẹ nhớ ba. Mẹ nhớ cái xóm nhỏ có dòng sông nhỏ vắt ngang qua - dòng sông đã tắm mát tuổi thơ anh em chúng tôi. Mỗi mùa xuân sang, trên sông, ghe chở hoa vạn thọ, mai vàng, cúc mâm xôi... cứ ngược xuôi qua lại. Mẹ nhớ từng khuôn mặt, từng dáng hình của những người hàng xóm đầy nghĩa tình, có con cá, nắm rau cũng í ới cho nhau... Tất cả đã để lại những kỷ niệm sâu đậm trong trái tim của mẹ.

Bạn tôi đi chợ hoa Quảng Bá, tìm mua được một cội mai nhỏ để bàn. Bạn mang sang tặng tôi, tôi đem về tặng mẹ. Mẹ cưng cội mai lắm! Mẹ tưới nước đều, sợ cội mai lạnh, mẹ chỉ phơi sương đêm một lúc rồi mang vào nhà, đặt trên bàn khách. Một buổi chiều mẹ nhìn chậu mai, nhìn tôi và nói:

- Có mai, có bánh tét, có dưa cải, có củ kiệu, mứt gừng... có đủ cả! Mà sao mẹ cứ thấy thiếu thiếu hồn xuân, thiếu ánh nắng phương Nam ấm áp.

Lòng tôi xốn xang. Tôi biết mẹ nhớ quê vô cùng. Tôi hiểu rằng, ước mơ cuối cùng của mẹ là được vào Nam thăm những người xưa, được đón tết phương Nam dù chỉ một lần trong phần đời ngắn ngủi còn lại.

Tôi, anh hai và chị dâu cùng nhau bàn tính một chuyện bí mật. Chị dâu tôi bụm miệng, cười tíu tít. Anh hai nháy mắt với tôi. Tất cả những hành động đó mẹ tôi đều thấy, mẹ chau mày:

- Tụi bây đang bàn tính kế hoạch gì mà giấu mẹ vậy?

Tôi đưa tay lên miệng, “suỵt” - giữ bí mật đến phút cuối cùng.

Nắng xuân vàng ngập lối. Những người xa quê đã bắt đầu trở về đón tết. Những vườn đào bên bờ sông đã bung nở, cỏ cây tràn đầy sức sống. Ngay cả con đê thô cứng trước làng cũng mềm mại như dải lụa nằm ven bờ sông.

Tôi từ ngoài phố trở về nhà, chạy đến ôm mẹ ngay lập tức, rỏ vào tai mẹ:

- Mẹ có muốn đón tết phương Nam không hả mẹ?

Mẹ trố mắt nhìn tôi. Rồi mẹ dịu lại:

- Muốn chứ! Ước mơ lớn nhất cuộc đời còn lại của mẹ là được vào Nam đón tết, được gặp những người xưa, được ngắm dòng sông chảy qua xóm nhỏ, được nghe bà con xứ mình nói bằng phương ngữ miền Nam... Ước mơ ấy tuy bình dị nhưng có vẻ như xa vời quá!

Tôi ôm mẹ thật chặt:

- Năm nay, cả nhà mình cùng vào Nam đón tết, mẹ ha.

Mẹ chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Mẹ nhìn tôi đăm đăm.

Tôi lấy trong giỏ ra mấy tấm vé máy bay đã mua được, tuy cận tết vé hơi đắt đỏ, nhưng bây giờ điều đó chẳng đáng là gì ngoài niềm vui nhỏ nhoi của mẹ.

Mẹ nhìn tôi, mắt rưng rưng. Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc, xương xẩu của mẹ. Bàn tay trổ đồi mồi cũng là bàn tay mến thương, bao dung, êm ái...

- Chúng con biết quê nhà phương Nam luôn ở trong trái tim mẹ, dù có đi đến nơi nào đi chăng nữa. Biết rằng ở bất cứ nơi nào trên đất nước này cũng đều là quê nhà thân thương của mình cả, nhưng nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đong đầy kỷ niệm... mới là điều thiêng liêng, là ao ước của mình.

Tôi ôm mẹ. Mẹ ngả đầu vào vai tôi. Giờ thì tôi có thể chở che, làm điểm tựa vững chắc cho mẹ ở cái tuổi xế chiều rồi!

Chúng tôi đưa nhau vào Nam. Dưới ánh nắng mềm mại, thơm nồng của mùa xuân, trong không gian thoảng hương vị đậm đà của những món ăn truyền thống ngày tết phương Nam, mẹ tôi thốt lên:

- Mấy đứa ơi! Hồn xuân đây rồi! Quê mình đây rồi…

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313065/hon-xuan.html