Hòn đảo bé nhỏ này không chỉ làm ra 1, mà tới 5 loại vaccine Covid-19

Câu chuyện thành công của ngành y sinh Cuba bước sang một trang mới khi nước này đã phát triển và bào chế thành công loại vaccine thứ 5 chống lại virus corona.

Trong những ngày đầu tiên của đại dịch, chính phủ Cuba đã quyết định nước này sẽ tự phát triển vaccine chống lại virus corona, bất chấp việc đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, và quá trình có thể kéo dài nhiều năm trước khi đạt được thành quả.

Như mọi khi, Cuba không cần dựa vào ý tưởng của các tổ chức quốc tế hay các tập đoàn dược phẩm để có vaccine cho người dân của mình. Chính phủ nước này thậm chí còn không đăng ký tham gia liên minh COVAX, chương trình được bảo trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thu mua hàng loạt và phân phối công bằng vaccine cho các nước kém phát triển trên toàn cầu.

Một người dân Cuba được tiêm mũi vaccine Abdala bổ sung ở thủ đô Havana hồi tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.

Ưu tiên hàng đầu là tự phát triển vaccine

NPR ví von Cuba đã đánh cược vào chiến lược của mình trước khi virus corona có thể xâm nhập vào hòn đảo.

Nhưng ông Amilcar Perez Riverol, nhà virus học nổi tiếng của Cuba, thì không nghĩ vậy.

"Tôi không thích từ 'đánh cược', tôi thích từ 'rủi ro' hơn", ông Perez Riverol nói về chiến lược ứng phó với Covid-19 của chính phủ Cuba.

Rời Cuba vào năm 2013 và giờ đang làm công tác nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Sao Paulo của Brazil, ông Perez Riverol từng làm việc tại các viện nghiên cứu y sinh của Cuba, tham gia bào chế thành công nhiều loại vaccine trước đây.

Chuyên gia này hoàn toàn tự tin rằng các đồng nghiệp ở quê nhà có thể chiến thắng cuộc đua với virus corona.

"Tôi đã ở đó, tôi đã làm việc ở đó. Tôi biết rõ những người đang làm việc ở đó, tinh thần của họ, tổ chức của họ. Đó là một dự án khổng lồ, nhưng khi họ bắt tay vào làm việc, tôi tin rằng họ sẽ thành công", ông Perez Riverol chia sẻ.

Chiến lược tự phát triển vaccine của Cuba không chỉ mạo hiểm từ khía cạnh y tế. Trên góc độ chính trị, nếu phần còn lại của thế giới có vaccine Covid-19 sớm hơn nhiều so với Cuba, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của chính phủ.

"Đó (việc phát triển vaccine Covid-19) đã trở thành ưu tiên hàng đầu của cả nước, không chỉ đối với cộng đồng khoa học hay các cơ quan y tế", ông Perez Riverol cho biết. "Nhưng trên khía cạnh chính trị, thông điệp là 'hãy hoàn thành việc này'. Bởi vì đó là cơ hội duy nhất để mọi người được tiêm phòng".

Vào lúc này, Cuba đang có 5 loại vaccine Covid-19 ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Ba trong số này: Soberana 1, Soberana 2 và Soberana Plus, được phát triển bởi Viện Finlay ở Havana.

Hai loại vaccine còn lại là Abdala và Mambisa đến từ Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học của Cuba.

Có 3 loại vaccine đã được chính phủ Cuba cấp phép sử dụng là Soberana 2, Soberana Plus và Abdala. Trong khi đó Soberana 1 và Mambisa đang trong giai đoạn thử nghiệm. Mặc dù vậy, chưa có loại nào được cấp phép bởi WHO hay các cơ quan quản lý dược phẩm quốc tế khác.

Ông Rolando Perez Rodriguez, Giám đốc tập đoàn dược phẩm nhà nước BioCubaFarma, cho biết nước này đang trong công đoạn cuối cùng để chính thức nộp đơn lên WHO nhằm cấp phép sử dụng vaccine Abdala.

Cuba đã phát triển thành công 5 loại vaccine Covid-19 và đã nộp đơn cho 2 trong số này tới WHO. Ảnh: Reuters.

Việc phát triển thành công nhiều loại vaccine giúp Cuba trở thành nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới. Với 85% dân số được tiêm chủng, Cuba đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn nhiều so với Mỹ và các nước châu Âu ngoại trừ Bồ Đào Nha. Thậm chí vaccine Soberana 2 còn được dùng để tiêm cho trẻ em từ 2 tuổi.

Vào thời điểm mà nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải cạnh tranh để có đủ vaccine cho dân số của họ, Cuba đã xuất khẩu vaccine Abdala sang nhiều nước như Iran, Venezuela, Mexico, Nicaragua và cả Việt Nam.

Thành công khiến cả thế giới ngạc nhiên

Giải thích cho thành công của Cuba trong lĩnh vực phát triển vaccine, ông Perez Riverol cho rằng có hai lý do. Đầu tiên là việc quốc gia 11 triệu dân này đã có một hệ thống ổn định để nghiên cứu và bào chế vaccine cho chương trình tiêm chủng thông thường với trẻ nhỏ, nhắm tới các bệnh như sốt vàng da, ho gà, bạch hầu hay uốn ván.

"Bạn biết đấy, họ (Cuba) đã có toàn bộ cơ sở hạ tầng. Họ đã nghiên cứu về vaccine trong hơn 30 năm", ông Perez Riverol nói.

Lý do thứ 2 là việc các loại vaccine Covid-19 của Cuba đều được phát triển dựa trên cơ chế thông dụng từ nhiều năm qua, đó là sử dụng một phần của virus SARS-CoV-2 để gắn vào các vaccine cũ.

Abdala là một vaccine tiểu đơn vị protein, dựa trên một thiết kế tương tự vaccine viêm gan B, trong đó dùng gai protein bao phủ bên ngoài virus SARS-CoV-2. Các protein này không được lấy trực tiếp từ virus SARS-CoV-2 mà được phát triển trong tế bào của một loại nấm men (Pichia pastoris) được thiết kế đặc biệt.

Về bản chất, các gai protein là vô hại, nhưng khi hệ miễn dịch phát hiện chúng, nó sẽ tự đào tạo để nhận biết và tiêu diệt. Và sau đó nếu phát hiện virus SARS-CoV-2 đầy đủ trong tương lai, cơ thể sẽ tấn công các gai protein này và nhanh chóng tiêu diệu nó.

Vaccine còn lại của Cuba là Soberana 2 thì sử dụng thiết kế "liên hợp" (conjugate) giống như vaccine viêm màng não hoặc thương hàn. Nó chứa một phần khác của gai protein được sử dụng trong Abdala và tạo ra phản ứng miễn dịch bằng cách gắn (liên hợp) phần này với một chiết xuất vô hại từ độc tố uốn ván.

Khi cơ thể gặp những liên kết này, nó sẽ khởi động một phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với từng trường hợp đơn lẻ.

Soberana 2 được sản xuất trong tế bào buồng trứng của chuột lang, một quá trình có thể mất thời gian và hạn chế việc sản xuất ở quy mô lớn.

"Đây là công nghệ mà chúng ta đã có từ lâu", bà Amira Roess, giáo sư dịch tễ học và sức khỏe toàn cầu tại Đại học George Mason, nhận định.

Bà Roess nói thêm rằng vaccine loại này là thứ mà rất nhiều công ty và nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và bào chế.

Thành công của Cuba trong việc phát triển vaccine Covid-19 với tốc độ ngang bằng các tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới có thể gây ngạc nhiên, nhất là khi quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với bất ổn kinh tế và tình trạng thiếu điện triền miên.

Đại dịch xuất hiện cũng khiến nền kinh tế nước này thêm khủng hoảng vì mất đi nguồn thu ngoại tệ từ khách du lịch. Không chỉ vậy, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ - đã tăng cường các biện pháp trừng phạt với Cuba, khiến nước này gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu thô và dược phẩm.

Mặc dù số ca nhiễm tăng cao trong tháng 1 vừa qua, tỷ lệ tử vong hàng ngày vì Covid-19 ở Cuba đã giảm mạnh so với cuối năm ngoái (khoảng 5 ca/ngày) và đất nước đã mở cửa cho du lịch. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, ông William LeoGrande, một giáo sư về chính sách công tại Đại học Mỹ ở Washington D.C, thì không hề bất ngờ trước thành quả của Cuba.

Ông LeoGrande là người có nhiều nghiên cứu về quốc gia bé nhỏ vùng Caribe này, và cho rằng nhiều người ở Mỹ thường đánh giá thấp sự phát triển trong ngành công nghệ sinh học ở Cuba.

"Lý do là vì có những khu vực lớn trong nền kinh tế Cuba hoạt động không hiệu quả. Và vì người Mỹ cho rằng không có gì hoạt động hiệu quả ở Cuba, nhưng trên thực tế có một số lĩnh vực, trong đó có công nghệ sinh học, hoạt động rất tốt", ông LeoGrande nói thêm.

Sơn Trần

Theo NPR

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-dao-be-nho-nay-khong-chi-lam-ra-1-ma-toi-5-loai-vaccine-covid-19-post1294127.html