Hồn cốt quê nhà

Nhiều chục năm trước, tôi lẽo đẽo theo cha đi giẫy mả. Bây giờ tôi dắt theo thằng con trai về quê để làm công việc thiêng liêng này…

Không phải là ba cái cây nào đó. Ba Cây là tên xóm, cả xưa lẫn nay đều thuộc chốn xứ Phú Long của huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Chỉ cách Phan Thiết hơn 7 km mà với tôi, nó là một thế giới khác dù tháng Chạp năm nào tôi cũng về đó tảo mộ: Mộ của người phụ nữ đã sinh ra cha tôi và mộ của người chị ruột vắn số của tôi.

Tính về nguồn gốc, cả bên nội lẫn bên ngoại của tôi đều là người ngoài miền Trung rời quê đến Bình Thuận từ rất lâu, chắc gần một thế kỷ rưỡi. Bởi vậy tôi luôn nghĩ mình là người Bình Thuận chính cống.

Từ Phú Yên, ông cố tôi đưa cả gia đình vào Mũi Né bằng thuyền độc mộc. Nghe đâu, ông biết chút ít chữ Nho, biết võ nghệ và cũng biết đi biển. Nhưng ông lại mưu sinh bằng nghề bốc thuốc Nam. Rồi không hiểu sao, ông nội tôi đi ở cho một gia đình có đất ruộng ở Phú Long. Ngày mùa, ông nội tôi phải ở trên chòi để coi hoa màu cho chủ. Người chủ để con gái đem cơm, nước cho anh tá điền lớn tuổi nghèo rớt mồng tơi. Vậy là ông nội tôi trở thành con rể của ông chủ.

Bà nội tôi sinh cha tôi được hai tháng thì qua đời vì một căn bệnh hậu sản nào đó. Vợ chết, ông nội tôi buồn quá quay lại nghề thuốc và cũng “đi theo” vợ vì bệnh gì đó không rõ. Ông cố tôi đưa bác và cha tôi về Mũi Né để nuôi trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Chẳng bao lâu sau, ông cố tôi quy tiên. Vậy là bác và cha tôi về sống với một người chú ruột của mình.

Lớn lên, cả bác và cha tôi đều đi kháng chiến. Bác tôi bị Pháp bắt và sát hại ở Hàm Thạnh. Cha tôi thì gặp mẹ tôi ở Sa Ra, Hàm Thuận. Dòng họ bên mẹ tôi hình như quê gốc ở Thừa Thiên vô Bình Thuận sống từ nhiều đời. Nhà ông ngoại tôi rất nghèo nhưng ông ngoại tôi gần như không làm gì. Ông thọc hai tay vào túi một cái áo rộng lùng thùng màu trắng ngả cháo lòng để đi nói “câu chữ”. Trong khi đó, bà ngoại tôi và các cậu, dì của tôi làm trối chết mới có cái ăn đắp đổi qua ngày. “Câu chữ” của ông ngoại tôi, theo trí nhớ của má tôi, là “mấy câu nói lý nói lẽ, chi hồ giả dã gì đó”, mấy người làm ruộng quanh đó ghét lắm.

Hơn 60 năm trước, vì hoàn cảnh, cha tôi đưa vợ con từ Ba Cây xuống Phan Thiết sống. Cha tôi mất đã lâu rồi. Tháng Chạp hằng năm, tôi về Ba Cây để tảo mộ mà phương ngữ Bình Thuận gọi là giẫy mả. Nhiều chục năm trước, tôi lẽo đẽo theo cha đi giẫy mả. Giờ tôi dắt theo thằng con trai về quê giẫy mả. Thứ đất thịt trên cái gò nổi lên giữa đồng, chỉ lăm le giữ lấy lưỡi cuốc. Trên cái gò đầy cây chùm lé đó, gần 90 năm trước, cha tôi từng bị một con chim lạ to đùng xòe cánh to hơn cái thúng, cắp bay qua vườn chuối rồi thả xuống bên bờ con sông Cạn. Bị mấy đứa trẻ khác méc, cha tôi về nhà bị mấy cậu đánh một trận nên thân vì tội liến khỉ không biết sợ chết là gì.

Qua cái tuổi tri thiên mệnh, thằng đàn ông TP như tôi nhận ra mình có gen rừng, ruộng. Nhiều lần con trai tôi nói sẽ ở lại Sài Gòn sau khi tốt nghiệp ĐH. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của con. Nhưng tôi lại thấy mình không thể xóa hai chữ “quê nhà” Hàm Thuận của mình, nơi người dân nói giọng quê vống lên ở thanh hỏi, thanh ngã nghe như hát.

Nhiều lúc tôi nhắm mắt lại nhưng không thể tưởng tượng được nếu mình không có quê nhà. Liệu đến lượt con trai tôi, Phan Thiết sẽ là quê nhà của nó? Như Nguyễn Duy từng viết:

“Quê nhà ở phía ngôi sao

Qua sông mượn khúc ca dao làm cầu”.

ĐẶNG NGỌC HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hon-cot-que-nha-post775447.html