Hơn ba triệu hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực, ai chịu trách nhiệm? | Hà Nội tin mỗi chiều

Hơn ba triệu hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực, ai chịu trách nhiệm?; Kế hoạch nhỏ vì mục tiêu lớn; Hà Nội sẽ có tuyến du lịch di sản và làng nghề... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn ba triệu hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực, ai chịu trách nhiệm?

Một con số gây ngạc nhiên trong buổi chiều ngày hôm nay đó là trong năm 2023, có hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực. Vậy đâu là nguyên nhân?

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2023, sau một vài vụ việc, niềm tin sụt giảm đã khiến nhiều khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán đánh giá, việc cả triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực trong năm 2023 do phần lớn khách hàng không có nhu cầu nhưng bị tư vấn sai lệch khi mua bảo hiểm nhân thọ. Đây là hiện tượng bán sai sản phẩm, bán sai nhu cầu của khách hàng. Trong đó, nhiều hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng và không ít ngân hàng đã thu được hàng nghìn tỷ đồng hoa hồng từ việc bán chéo bảo hiểm. Điều này khiến khách hàng mất trắng số tiền mua bảo hiểm rất lớn. Thậm chí về lâu dài, khách hàng quên khai báo hợp đồng mất hiệu lực và nguy cơ vi phạm quy định kê khai thông tin của ngành bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm cần dễ hiểu và được tư vấn cặn kẽ cho khách hàng. Ảnh minh họa: B.M

Khi xảy ra tình trạng hủy hợp đồng lớn, cả doanh nghiệp và khách hàng đều thiệt. Theo tính toán, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sau 10 năm đóng phí, khách hàng tất toán sẽ nhận lại khoản phí và thường có thêm phần lãi. Tuy nhiên, trong mấy năm đầu hủy hợp đồng, khách hàng sẽ gần như mất toàn bộ số phí đã đóng và là người chịu thiệt nhiều nhất. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những thiệt hại này?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc khách hàng bỏ hợp đồng bảo hiểm xảy ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm, để từng bước làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi khách hàng mua bảo hiểm.

Đại lý bảo hiểm là “cánh tay nối dài” của doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng. Tuy nhiên sau thời gian phát triển nóng, hoạt động của đại lý bảo hiểm xảy ra nhiều sai phạm. Sai phạm này được Bộ Tài chính chỉ ra tại kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo kết luận thanh tra, các vi phạm tiêu biểu như đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa tư vấn đầy đủ về quy tắc, sản phẩm bảo hiểm liên kết. Điều này dẫn đến việc khách hàng chưa nhận thức rõ được quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi đầu tư và các rủi ro đầu tư khi tham gia bảo hiểm.

Sau khi chỉ ra vi phạm trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm chi phí hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi phí thưởng cho đại lý. Bộ Tài chính cũng yêu cầu công ty bảo hiểm rà soát, tăng cường công tác quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Ngoài giải pháp yêu cầu doanh nghiệp hạch toán giảm tiền thưởng, tiền hoa hồng đại lý, xử lý đại lý sai phạm, kết luận thanh tra chưa nhắc đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng. Trả lời câu hỏi về việc đại lý bảo hiểm vi phạm, khách hàng mua có được hỗ trợ nhận lại tiền phí bảo hiểm, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, việc này phụ thuộc vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Bảo hiểm nhân thọ với bản chất là một sản phẩm nhân văn, được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ tài chính cho khách hàng trước các rủi ro liên quan đến thân thể, sức khỏe và tính mạng. Để xảy ra tình trạng hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực tăng cao, trong ngắn hạn khách hàng chịu thiệt. Đối với doanh nghiệp mất lớn nhất là niềm tin với thị trường.

Kế hoạch nhỏ vì mục tiêu lớn

Những ngày gần đây dư luận xôn xao trước sự việc xảy ra một lớp thuộc khối 7, Trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai khi triển khai chương trình "Kế hoạch nhỏ", giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu chỉ thu giấy vụn trong một ngày duy nhất. Học sinh nào quên, giáo viên yêu cầu gọi phụ huynh mang tới nộp, nếu không sẽ phải nộp phạt 50 nghìn/kg giấy.

Liên quan đến sự việc này, bà Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng trường THCS Lĩnh Nam cho biết, Liên đội nhà trường đã phát động phong trào "Kế hoạch nhỏ" tới 100% đội viên của liên đội trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc về số lượng và chủng loại giấy vụn. Cô giáo chủ nhiệm lớp học đã có đính chính, xin lỗi phụ huynh.

Ngay khi có thông tin về sự việc này, Hội đồng Đội TP Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo tới 100% Hội đồng Đội các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP về việc triển khai, thực hiện đúng nội dung phong trào “Kế hoạch nhỏ”; đồng thời yêu cầu các liên đội báo cáo cụ thể, chi tiết cách thức triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” năm học 2023 - 2024.

Ảnh minh họa

Theo Hội đồng đội TP Hà Nội, các liên đội trên địa bàn thành phố triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” đến các chi đội, đội viên, thiếu niên, nhi đồng dưới hình thức thu gom giấy loại, vỏ lon nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan nhà trường và không thu tiền dưới mọi hình thức.

Trong điều kiện hiện nay, khi mà học sinh bị bao vây bởi việc học kiến thức dày đặc thì kế hoạch nhỏ là một hoạt động càng nên khuyến khích tổ chức. Việc tham gia kế hoạch nhỏ giúp các em có những trải nghiệm bản thân, sinh hoạt tập thể và hướng đến giáo dục ý thức tiết kiệm, quý sức lao động, chia sẻ... Vậy nhưng, kế hoạch nhỏ ở nhiều nơi đã bị méo mó chỉ bởi chính người lớn.

Để phong trào "Kế hoạch nhỏ" triển khai thực chất, phù hợp với từng đơn vị, không nên gò bó dừng lại ở việc thu giấy vụn hay vỏ chai mà mở rộng cách thức triển khai theo nhiều hình thức, hướng học sinh đến các hoạt động mở để gây dựng phong trào.

Là một phong trào đã có tuổi đời lớn trong hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi cả nước, phong trào "Kế hoạch nhỏ" có ý nghĩa đem lại hiệu quả giáo dục sâu sắc về ý thức tiết kiệm, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong thiếu nhi Việt Nam. Không chỉ là những tờ giấy vụ, những lon bia, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả giáo dục tốt, tạo được sự ủng hộ, đồng thuận từ phía gia đình và nhà trường như: mô hình vườn rau của em; đàn gà khăn quàng đỏ, xe đạp giúp bạn tới trường; hũ gạo tình thương; nuôi heo đất giúp bạn đến trường… Những hoạt động khiến phong trào thực sự là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ thiếu nhi.

Hà Nội sẽ có tuyến du lịch di sản và làng nghề

Sở Du lịch Hà Nội công bố tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”. Đây là tuyến du lịch khai thác điểm đến gắn liền với truyền thống các làng nghề, di tích, di sản của Thủ đô của khu vực các huyện Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, mục tiêu của thành phố và ngành du lịch Hà Nội đặt ra là phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách. Với trục di sản Nam Thăng Long qua ba huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức sẽ là hành trình của những câu chuyện thông qua các điểm di sản, di tích, làng nghề dọc tuyến. Tuyến du lịch mới tại Hà Nội thể hiện quyết tâm của ngành du lịch Thủ đô trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, bảo tồn giá trị văn hóa di sản làng nghề.

Hà Nội là địa bàn tập trung nguồn tài nguyên du lịch của vùng Bắc Bộ, với trên 1.200 lễ hội, gần 1400 làng nghề và làng có nghề. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đang có trên 1.000 hợp tác xã, hơn 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Làng nghề tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Có thể kể tới những điểm đến giàu tiềm năng như: làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) với sản phẩm dệt lụa; làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các sản phẩm đồ gốm; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với những nếp nhà cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ, cùng đặc sản gà Mía, bánh tẻ Phú Nhi; hay Hồng Vân - ngôi làng ven sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, với trà thảo mộc 4 sao OCOP và tour tuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa... Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố.

Mặc dù vậy, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, thành phố vẫn chưa khai thác được lợi thế này. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn về kinh tế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời trực tiếp góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô định hướng đến năm 2030, Thành phố Hà Nội cũng xác định du lịch làng nghề là hướng đi chính.

Để phát triển làng nghề gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài, cần có sự đầu tư hơn nữa, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách và phải được nhận diện một cách cụ thể... Trong đó, phải tính đến vai trò của nghệ nhân, chính quyền cũng như cơ quan quản lý trong việc giúp phát triển sản phẩm lưu niệm của làng nghề truyền thống. Song song với đó, Trung ương và Hà Nội cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Không chỉ đóng góp trên khía cạnh hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cải tạo cảnh quan thiên nhiên môi trường, mà còn là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bền vững ở khu vực nông thôn./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hon-ba-trieu-hop-dong-bao-hiem-het-hieu-luc-ai-chiu-trach-nhiem-ha-noi-tin-moi-chieu-232231.htm