Hơn 21.000 người tử vong, các nhà lãnh đạo thế giới họp khẩn

Tính đến sáng 26-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 468.577 người, trong khi số ca tử vong là 21.185, số ca bình phục là 113.817 người. Đại dịch Covid-19 đến nay lây lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Tính đến sáng 26-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 468.577 người, trong khi số ca tử vong là 21.185, số ca bình phục là 113.817 người. Đại dịch Covid-19 đến nay lây lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Tại một cửa hàng y tế ở Allahabad, Ấn Độ, người dân xếp hàng tại khu vực được chỉ định để duy trì khoảng cách theo khuyến cáo. Ảnh: AFP

Tại một cửa hàng y tế ở Allahabad, Ấn Độ, người dân xếp hàng tại khu vực được chỉ định để duy trì khoảng cách theo khuyến cáo. Ảnh: AFP

Ngày 26-3, các nhà lãnh đạo thế giới tổ chức các cuộc họp trực tuyến khẩn cấp nhằm bàn cách chống chọi cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 trong bối cảnh hơn 3 tỷ người phải ở nhà vì SARS-CoV-2 đang lay lan nhanh chóng và khó kiểm soát.

Khi đại dịch đang hoành hành trên toàn cầu với tốc độ kinh hoàng, các cảnh báo đang nhân lên gấp bội so với hậu quả kinh tế của nó, trong đó, các chuyên gia cho rằng, nó có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. “Khi thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 và những thách thức đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi triệu tập hội nghị thượng đỉnh G20 phi thường này để đoàn kết những nỗ lực hướng tới phản ứng toàn cầu”, nhà vua Saudi Arabia, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch G20 luân phiên, nói.

Trong khi các quốc gia giàu có bao gồm Mỹ đã công bố các gói kích thích lớn chưa từng có, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch hành động tập thể nào từ G20, và các mối lo ngại đang đặt ra cho các nước nghèo hơn khi không tiếp cận thị trường vốn và các cơ sở y tế đầy đủ. Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia G20 cung cấp hỗ trợ cho “các nước thu nhập thấp và trung bình”, bao gồm cả vùng Châu Phi cận Sahara.

Thế giới hãy cùng nhau hành động

Và trong bối cảnh Mỹ, Trung vẫn chưa thôi đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc SARS-CoV-2, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres kêu gọi thế giới cùng nhau hành động để ngăn chặn các mối đe dọa.

“Covid-19 đang đe dọa toàn bộ nhân loại - và toàn bộ nhân loại phải chống trả”, ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi chung tay cứu trợ 2 tỷ USD để giúp đỡ người nghèo trên thế giới. “Hành động toàn cầu và đoàn kết là rất quan trọng”, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh thêm và khẳng định: “Phản ứng của từng quốc gia sẽ không đủ”. Trước đó, Tổng thư ký Guterres đã kêu gọi một lệnh “ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức” nhằm bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương tại các vùng chiến sự khỏi sự hoành hành của đại dịch.

Số người chết vì virus, tiếp tục gia tăng, với việc Mỹ trở thành quốc gia thứ 6 và là quốc gia mới nhất ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong. Ít nhất 1.041 người hiện đã tử vong do Covid-19 ở Mỹ với gần 70.000 ca nhiễm đã được xác nhận. Trong khi đó, trên toàn cầu, tính đến sáng 26-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 468.577 người, trong khi số ca tử vong là 21.185, số ca bình phục là 113.817 người. Đại dịch Covid-19 đến nay đã lây lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục tiếp tục không có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở trong nước. Trong ngày 25-3, Trung Quốc phát hiện thêm 67 ca mắc Covid-19 nhưng tất cả các trường hợp này đều là những người nhập cảnh vào nước này.

Cơn sốt mua vũ khí ở Mỹ

“Tỷ lệ lây nhiễm được ví “như tên lửa” ở Mỹ đã gây ra một cơn sốt mua vũ khí”, một chủ cửa hàng súng nói với AFP và cho biết, các khách hàng hoảng loạn về cuộc khủng hoảng này. “Rất nhiều người đang mua súng săn, súng ngắn, AR-15 (súng trường bán tự động), tất cả mọi thứ”, Tiffany Teasdale, người bán súng ở bang Washington, nói. Theo ông chủ này, “rất nhiều người sợ rằng ai đó sẽ đột nhập vào nhà của họ... để ăn cắp tiền mặt, giấy vệ sinh, nước đóng chai, thức ăn của họ”.

Khoảng một nửa dân số Mỹ đang bị khóa, nhưng Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ sớm quyết định liệu những người không bị ảnh hưởng quá nhiều có thể quay trở lại làm việc hay không. “Chúng tôi muốn đưa đất nước trở lại”, ông Trump nói và khẳng định: “Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì vội vàng hoặc vội vàng”. Nhà Trắng, nơi bị chỉ trích vì phản ứng mờ nhạt trước cuộc khủng hoảng đang mọc lên như nấm, đã liên tục đả kích Bắc Kinh về đại dịch lần này. Hôm 25-3, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, nhóm G7 Đã thống nhất chống lại chiến dịch “không thông tin” của Trung Quốc. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khiến Washington phẫn nộ bằng cách gợi ý trên Twitter rằng, chính quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang theo dõi sát sao tình hình của 50.000 công dân Mỹ ở nước ngoài và có thể tìm kiếm sự hỗ trợ để giúp hồi hương những công dân này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 26-3 công bố một chỉ thị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ tại nước ngoài trong khoảng thời gian lên đến 60 ngày nhằm ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2 trong quân đội nước này.

Nga chuẩn bị cho kịch bản “bùng nổ” dịch bệnh

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 26-3 chỉ thị cho các cơ quan liên bang đến ngày 27-3 phải “chuyển số lượng tối đa có thể” nhân viên sang làm việc từ xa do tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước này. Thủ tướng Mishustin cũng yêu cầu chuyển sang làm việc từ xa nhân viên các cơ quan trực thuộc cơ quan liên bang. Lãnh đạo các cơ quan liên bang được yêu cầu nộp lên chính phủ danh sách nhân viên sẽ làm việc từ xa, ưu tiên phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 14 tuổi và các nhân viên trên 60 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học LB Nga Valery Falkov cũng đã ký quyết định cho sinh viên các trường đại học của Nga nghỉ từ ngày 28-3 đến 5-4 để ngăn chặn lây lan. Theo lệnh của Bộ trưởng Falkov, người đứng đầu các tổ chức giáo dục đại học và các chương trình giáo dục bổ sung dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học phải đảm bảo để sinh viên được nghỉ trong khoảng thời gian quy định này.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học mang tên Viện sĩ danh dự N.F. Gamalei trực thuộc Bộ Y tế Nga, bác sĩ Nikolai Malyshev cho biết, nước này đang chuẩn bị cho kịch bản “bùng nổ” dịch Covid-19 giống như một phản ứng hạt nhân. Theo ông Malyshev, tình hình bệnh dịch đang có diễn biến mới. Nga đã ghi nhận tổng cộng 658 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng thêm 163 bệnh nhân so với 1 ngày trước. Sau đó, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp đối với dân chúng, trong đó ông kêu gọi người Nga ở nhà, đồng thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho người dân.

KHẢ ANH

Nhà vua Malaysia và Hoàng hậu tự cách ly

Cung điện Hoàng gia Malaysia ngày 26-3 thông báo, Nhà vua Abdullah Riayatuddin và Hoàng hậu Azizah Aminah Maimunah nước này tự cách ly sau khi 7 nhân viên trong hoàng cung có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo thông báo, Nhà vua và Hoàng hậu có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đã bắt đầu cách ly 14 ngày, kể từ ngày 25-3. Các quan chức y tế nước này đang tìm hiểu nguồn gốc lây nhiễm trong số các nhân viên và kiểm tra tất cả tiếp xúc gần gũi của họ, trong khi cung điện đã được khử trùng. Quốc gia này hiện ghi nhận tổng cộng 2.031 ca mắc Covid-19 với 235 ca mới trong ngày 26-3, mức tăng cao nhất trong một ngày. Số ca tử vong cũng tăng lên 23 người.

T.VĂN

---------

Singapore công bố gói biện pháp mới hàng chục tỷ USD đối phó Covid-19

Ngày 26-3, Singapore đã công bố gói biện pháp mới trị giá hơn 30 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với dịch Covid-19, vốn có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu.

Kế hoạch mới trị giá khoảng 33 tỷ USD sẽ chứng kiến lần đầu tiên chính phủ Singapore sử dụng đến ngân sách dự trữ quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Gói biện pháp mới này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Singapore công bố một số kế hoạch đối phó với virus SARS-CoV-2 trị giá nhiều tỷ USD trong ngân sách hàng năm của quốc gia.

T.LINH

---------

Thái Lan để ngỏ khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm

Truyền thông sở tại cho biết, tiếp theo 16 chỉ thị đầu tiên được công bố sau khi chính thức ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Thái Lan có thể áp đặt lệnh giới nghiêm 24 giờ/ngày nhằm đối phó với sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm 25-3 ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26-3 đến 30-4 cùng các biện pháp kiểm soát dịch, trong đó có lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, cấm tụ tập nơi công cộng, kiểm soát đi lại liên tỉnh, khuyến khích người dân ở trong nhà..., nhưng chưa áp đặt giới nghiêm. Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam, người phụ trách các vấn đề pháp lý của Chính phủ Thái Lan, cho biết lệnh giới nghiêm có thể được ban bố sau nếu thấy cần thiết. Theo ông Wissanu, nếu chính phủ tiến tới áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 thì lệnh này sẽ khác với những lần giới nghiêm trước đây được áp dụng vào ban đêm để duy trì hòa bình và trật tự. Lệnh giới nghiêm có thể được áp dụng trong 24 giờ/ngày, với ngoại lệ là những cá nhân đi chữa bệnh, những người tới tòa án hoặc làm việc trong các dịch vụ phát sóng.

T.NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_222359_hon-21000-nguoi-tu-vong-cac-nha-lanh-dao-the-gio.aspx