Hơn 100 doanh nghiệp tham gia tập huấn thị trường carbon và ETS

Đại diện hơn 100 doanh nghiệp từ Thừa Thiên Huế trở ra đã tham gia khóa đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon tại Hà Nội.

Từ ngày 26/2-1/3/2024, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã tổ chức hai khóa đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các - bon cho các cơ quan nhà nước liên quan, và cho hơn 100 doanh nghiệp từ khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; đại diện các 1 số viện nghiên cứu, các hiệp hội, trường đại học...

Toàn cảnh buổi tập huấn cho các cơ quan quản lý (Ảnh: Vương Minh)

Các khóa đào tạo này là một phần trong hoạt động hỗ trợ của ETP nhằm thúc đẩy triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các đơn vị phát thải sẽ thực hiện nghĩa vụ báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) và giảm phát thải KNK cùng với đó, một số ngành như xi măng, sản xuất thép và nhiệt điện dự kiến sẽ tham gia vào thị trường trao đổi hạn ngạch – ETS – là mục tiêu chính của Khóa đào tạo này

Các khóa đào tạo này là thuộc Hỗ trợ kỹ thuật (TA) “Đào tạo và mô phỏng Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam” của ETP là hoạt động đào tạo năng lực đầu tiên ở Việt Nam thu hút sự tham gia của các bên liên quan thuộc cả khu vực công và tư với một chương trình đào tạo toàn diện và có hệ thống về ETS và thị trường các-bon kết hợp sử dụng công cụ mô phỏng thị trường.

Toàn cảnh buổi tập huấn cho các doanh nghiệp (Ảnh: Thu Hường)

Bà Đặng Hồng Hạnh – Trưởng nhóm, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết: Khóa đào tạo hôm nay nằm trong chuỗi các khóa đào tạo toàn diện và hệ thống về ETS và thị trường carbon lần đầu tiên được tổ chức cho các bên liên quan từ khu vực công và tư nhân.

Các bài giảng được xây dựng và trình bày bởi các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá các-bon. Sáng kiến đào tạo này diễn ra vào giai đoạn quan trọng khi Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo các nghĩa vụ trong Thỏa thuận Paris”- bà Đặng Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Nội dung của khóa đào tạo tập trung giới thiệu các nội dung về ETS, đặc biệt kết hợp với thực hành công cụ mô phỏng thị trường các-bon (CarbonSim) phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Bà Đặng Hồng Hạnh cho biết, sau Khóa đào tạo lần thứ nhất tập trung cho các đại diện đến từ viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách – các cơ quan chịu trách nhiệm và liên quan đến thiết lập và quản lý sàn giao dịch các-bon và thị trường các-bon tại Việt Nam Khóa đào tạo lần thứ 2 (diễn ra từ ngày 29/2-1/3/2024) được tổ chức tập trung cho các doanh nghiệp phát thải lớn và các doanh nghiệp nằm trong đối tượng phải báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Bà Đặng Hồng Hạnh chia sẻ về khóa đào tạo cho doanh nghiệp (Ảnh: Thu Hường)

Với mục tiêu tự nguyện giảm 15,8% và giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ của quốc tế so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030, việc xây dựng một ETS hiệu quả đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Bằng cách đặt một hạn mức về tổng lượng phát thải và cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch phát thải, ETS tạo ra các động lực kinh tế giúp các doanh nghiệp tìm giải pháp giảm lượng phát thải KNK của họ một cách hiệu quả. Ngoài ra, doanh thu từ việc đấu giá hạn ngạch có thể được tái đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu, hỗ trợ thêm cho các nỗ lực của quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Do đó, mục tiêu chính của Hỗ trợ kỹ thuật là xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về ETS cho các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai”- bà Hạnh cho biết thêm.

Chuyên gia quốc tế hỗ trợ các học viên tham gia thị trường các-bon mô phỏng (Ảnh: Vương Minh)

Khóa đào tạo thứ nhất diễn ra vào ngày 26 và 27 tháng 02 năm 2024 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan đến việc thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon và thị trường các-bon tại Việt Nam, cùng các tổ chức phát triển, tổ chức tài chính và những bên liên quan khác.

Khóa đào tạo thứ hai được thiết kế dành riêng cho đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, diễn ra vào ngày 29 tháng 02 và 01 tháng 03 năm 2024.

Các khóa đào tạo cũng bao gồm các bài giảng và phiên thảo luận do các chuyên gia quốc tế chủ trì. Những chủ đề này bao gồm việc triển khai định giá các-bon trên thế giới, các chuẩn bị cần thiết cho việc vận hành thị trường các-bon, các nguyên tắc của ETS (thiết lập hạn mức, phân bổ hạn ngạch, thực hành mô phỏng, cơ chế tín chỉ, giám sát thị trường…) và các yêu cầu đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) trong ETS.

Trao chứng nhận cho học viên tham gia khóa đào tạo (Ảnh: Vương Minh)

Mỗi khóa đào tạo dự kiến sẽ có hơn 80 học viên. Người tham dự có cơ hội tham gia vào các mô phỏng thị trường các-bon thực tế và nâng cao hiểu biết của họ về nguyên tắc hoạt động của ETS. Sau các khóa đào tạo tại Hà Nội lần này, sẽ có các khóa đào tạo tiếp theo được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Bình Dương cho các bên liên quan và doanh nghiệp ở miền Nam.

Các học viên tham dự khóa đạo tạo trong 2 ngày sẽ được nhận chứng nhận tham gia khóa đào tạo do Cục BĐKH và Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á cấp.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-100-doanh-nghiep-tham-gia-tap-huan-thi-truong-carbon-va-ets-305953.html