Hội Vật cầu

Năm nay làng Kim Sơn lại được mở Hội Vật cầu. Cả làng mừng lắm, dù vẫn bán tín bán nghi. Đã mấy năm rồi, từ khi quân Minh xâm chiếm Đại Việt, không một lễ hội nào được tổ chức. Quân Minh không những đàn áp người dân Việt đến cùng cực, còn đốt hết văn tự sách vở, ngõ hầu không để người Việt còn nhớ gì đến phong tục cha ông. Thế nên, việc làng được mở Hội Vật cầu là sự lạ đời. Mà phàm là sự lạ ắt phải có nguyên do khác thường.

Ngay hôm quân Minh đóng ở đồn bố cáo việc ấy, ông Hều trưởng làng đã thắc mắc. Mã Tùng, chủ tướng của đám quân Minh hất hàm bảo: “Lẽ ra ta cấm các ngươi việc tụ tập đông người, nhưng một là xét thấy nơi đây giáp biển xa đất liền nên cũng chẳng lo gì việc đám giặc cỏ Lam Sơn mò tới, mà nếu có mò tới ta cũng tóm gọn, hai là để chiều lòng giai nhân Tam Nương của ta, ngày trước có ông vua đã phải xé hàng tấn lụa cho mỹ nhân cười, nay chỉ là một cái hội cỏn con, ta đâu từ chối được nàng”.

/Nói xong Mã Tùng phá lên cười đầy vẻ đắc chí, như không coi đám người trước mặt vào đâu. Mã Tùng vốn sức mạnh trăm người không địch nổi, lại là bảo vệ của đại tướng Mã Kỳ nên luôn nghênh ngang phách lối. Thế nhưng hắn lại luôn dịu dàng trước giai nhân. Ngay từ khi đặt chân đến đất này, Mã Tùng đã cho quân lính đi dò xét tất cả các thiếu nữ. Khi quân lính tìm ra Tam Nương, lúc đó đang đàn hát, Mã Tùng đã chết sững trước nhan sắc của nàng.

Mã Tùng theo đuổi Tam Nương ròng rã cả năm trời. Mà nàng vẫn lạnh nhạt, kiên quyết từ chối những món quà mà hắn khi thì đích thân, khi thì cho lính đem tặng. Vũ Xuân, vốn là một thày đồ thi hỏng, sau theo quân Minh thì bảo Mã Tùng: “Chủ tướng không cần phải làm vậy, người Nam vốn trí trá, cứ đem nàng về doanh trại, chuốc rượu say rồi cướp đời con gái là xong. Nàng là con một, còn cha mẹ già, ắt sẽ không dám làm điều dại dột”. Mã Tùng bảo: “Làm vậy chỉ được một đêm, ta muốn được nàng lâu dài”. Thấy mặt Vũ Xuân nghệt ra, Mã Tùng cũng không buồn giải thích.

Chỉ biết rằng, làng Kim Sơn lại được mở Hội Vật cầu. Ông Hều cho mời các bậc cao niên, các tráng đinh lại bàn bạc. Tất cả những người được mời đều đến sân đình, trừ ông Nhị, cha của Tam Nương. Từ khi nghe mọi chuyện, ông Nhị đã không còn tâm trí nào mà quan tâm đến Hội Vật cầu, cho dù trước kia, ông là một trong những nhân vật không thể thiếu. Lúc còn trai trẻ, không trận vật cầu nào là ông không tham dự. Giáp của ông, dưới sự khéo léo cũng như dũng mãnh của ông, đã từng hai mùa xuân liền là giáp chiến thắng, cướp được quả cầu về tay mình. Sau hai lần đó, dù vẫn còn trẻ, ông đã được làng mời làm người cầm trống chầu. Ông vui vẻ nhận lời, phần vì cầm chầu cũng là việc oai, phần vì cứ thắng hội liên tục cũng không phải là cách hay, sau này ai muốn tham gia vào hội nữa.

Minh họa: Đỗ Dũng

Hội Vật cầu làng Kim Sơn, nghe các bậc cao niên trong làng kể lại, là do tướng quân Phạm Ngũ Lão bày ra, đầu tiên là để rèn võ cho trai tráng nơi đây. Phàm là người học võ ai cũng biết, việc rèn giũa vừa mệt vừa chán, nhất là khi cứ phải làm đi làm lại một động tác, một thế võ cho tinh thông. Thế nên tướng quân Phạm Ngũ Lão mới bày ra Hội Vật cầu, vừa rèn thể lực, kỹ thuật tránh đòn, kỹ năng đấu vật, lại vui nên tập mà không mệt. Không chỉ có vậy, vật cầu còn đòi hỏi các giáp tham gia phải biết bài binh bố trận, bởi không như các trò khác, vật cầu lại có tới ba giáp cùng tranh tài một lúc.

Theo các cụ trong làng kể, lúc mới mở hội, dân làng cũng ngạc nhiên lắm, vì có tận ba giáp thì tranh tài kiểu gì. Lập tức, Phạm tướng quân chia lính của mình thành ba đội, bản thân ông cũng đứng vào một giáp. Chưa đầy nửa canh giờ, giáp của tướng quân đã giành được quả cầu nặng ngót nghét hai chục cân ta, bằng chiến thuật hợp lý, kìm chân hai giáp còn lại. Lúc ấy, dân làng mới hiểu tại sao Phạm tướng quân lại được Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương trọng dụng đến như vậy.

*

Lòng ông Nhị trĩu nặng. Thế là con gái của mình đã chấp thuận theo giặc. Lại còn đòi chủ tướng giặc cho mở Hội Vật cầu làm trò tiêu khiển. Ngày trước, ông bảo con gái rằng: “Cha không cần con phải thành phu nhân nọ, quý bà kia, chỉ cần kiếm được một người chồng đàng hoàng biết trên dưới trọng tam cương ngũ thường là cha mẹ vui lòng rồi”. Tam Nương bảo: “Lời của cha con nguyện sẽ nghe theo”.

Từ trước tới giờ, Tam Nương luôn là đứa con gái ngoan, chưa bao giờ làm phiền lòng cha mẹ. Ngày có cậu ấm có ý định dạm hỏi, ông Nhị chỉ chê là chàng ta tuy tốt tính nhưng không có chủ kiến, sợ sau này con khổ, thế là Tam Nương nghe theo lập tức. Giờ đây, cậu ấm không có chủ kiến ấy đã đi theo nghĩa quân của Bình Định vương Lê Lợi, khiến ông Nhị bứt rứt khôn nguôi. Ông trách mình đã quá đỗi hồ đồ, để giờ này con gái mình phải theo giặc.

Ông biết, con gái mình cũng chẳng còn cách nào khác. Hùm thiêng sa cơ thì cũng như mèo nhà, nữa là một đứa con gái chân yếu tay mềm. Nhưng mà cái tiếng nhơ theo giặc thì ngàn đời không bỏ được. Càng nghĩ, đầu ông càng như muốn nổ tung ra. Bà Nhị thở dài bảo: “Thôi ông ạ, cơ sự đã đến nước này, có khi vợ chồng mình bỏ làng mà đi vậy”. Ông Nhị quắc mắt: “Bỏ làng thì đi đâu, người đi thì còn dễ, chứ mồ mả tổ tiên có mang đi được đâu”. Lại thở dài não ruột, giờ này không hiểu con gái mình sống chết ra sao.

Minh họa: Đỗ Dũng

Lúc này thì Tam Nương đang so dây đàn, với vẻ nghiêm trang thường thấy trước khi trình tấu. Càng làm cho Mã Tùng thấy người con gái này quả là hưu vật của trời Nam. Khi Mã Kỳ nhậm chức đại tướng, hắn bảo Mã Tùng rằng: “Ngươi ở nhà thì cũng ấm êm một đời, nhưng nếu theo ta chinh phạt, thì mới có cơ hội thưởng thức sản vật phương Nam. Nơi đó, tuy lam sơn chướng khí, nhưng vàng bạc nhiều vô kể, ngọc trai thì lặn xuống là mò được, nhưng hơn hết, con gái phương Nam mắt to eo thon, dai sức bền bỉ, đẹp và lạ hơn con gái phương Bắc nhiều lắm - Thấy Mã Tùng còn ngần ngại, Mã Kỹ lại bảo: Tổ phụ xa của chúng ta là Phục Ba tướng quân Mã Viện há chẳng từng nói: Làm trai thà da ngựa bọc thây còn hơn chết trong chăn đệm hay sao. Lại giải thích, đời người sống được mấy đâu, thoảng như gió mây, sống ngày nào vui ngày đó cho đỡ uổng”. Lúc này, ngồi trên ghế chủ tướng, xung quanh là lính canh, trước mặt là rượu thịt ê hề, lại có gái đẹp hầu đàn, Mã Tùng thầm cảm tạ bào huynh hắn đã chỉ cho con đường của chí trai.

Những đầu ngón tay chiêu của Tam Nương nhấn xuống dây. Đầu ngón tay phải như múa trên cây đàn tranh. Khác với đàn tranh của phương Bắc, đàn tranh phương Nam dây mỏng hơn, nhấn nhá, thành thử âm thanh réo rắt, nỉ non chứ không đục.

…''Tiếng ca đưa người về đâu
Khi màn đêm
Khép đôi mi sầu..''

Giọng hát Tam Nương khi khoan, khi nhặt, thánh thót, hoàn toàn bằng giọng thật chứ không giả thanh như ca kỹ phương Bắc. Mã Tùng nhắm mắt lại, mơ màng nhớ về ngày hắn mới lớn, thường lang thang quanh các kỹ viện. Hồi ấy, hắn thấy các ca kỹ vừa gần gụi, vừa xa lạ. Lúc họ hát ca thì mặt mày rạng rỡ tươi tắn, rồi khi ra giếng nước rửa mặt, cô nào cô nấy ngồi khóc không thành tiếng, nước mắt hòa với nước giếng, thành những khuôn mặt lem nhem, khổ đau đến cùng cực.

Nhưng Tam Nương thì không khóc. Dứt bản đàn, nàng nở một nụ cười hướng về phía Mã Tùng. Rạng rỡ. Bên ánh lửa củi nhãn đốt trong doanh trại, Mã Tùng tưởng như vầng thái dương mọc lên trong đêm. Từ lúc Mã Tùng chấp thuận cho dân làng Kim Sơn được mở Hội Vật cầu, Tam Nương đã không còn vẻ ủ ê. Trước đó, nàng không chỉ ủ ê, mà còn gần như cự tuyệt Mã Tùng. Thậm chí, đã dùng cái chết để đe dọa hắn. Mã Tùng cũng hiểu, với những người từ nhỏ sống trong làng, lễ hội là một phần của cuộc sống.

Hắn cũng không quá âu lo, bởi ở thời điểm này, quân Minh đã chiếm được Đại Việt. Chỉ còn một nhúm nghĩa quân Lam Sơn vẫn đang ngoi ngóp trong rừng sâu núi thẳm, không đáng để đếm xỉa tới. Tuy vậy, hắn vẫn cắt cử quân binh canh phòng cẩn mật, đề phòng đám giặc Lam Sơn có thể lẻn vào. Hoặc giả làm đám quân nhà Minh vào quấy phá để hạ thấp thanh danh hắn cùng bào huynh Mã Kỳ. Thời loạn, điều gì cũng có thể xảy ra. Chuẩn bị cẩn thận, để hắn lúc này, mặc sức thả hồn bay bổng cùng với giai nhân.

Tam Nương lên lại dây đàn, để chuyển sang bản nhạc vui hơn. Cổ nhạc, mỗi làn hơi lại có một cách lên dây khác nhau. Nàng, bây giờ, chỉ muốn bản đàn kéo dài ra vô tận. Bởi chỉ lúc nữa thôi, nàng sẽ phải trao thân cho Mã Tùng. Tam Nương hít nhẹ một hơi, mắt mơ màng, nhìn Mã Tùng rồi cười nhẹ một cái, cố gắng giãn hết cơ mặt. Không làm vậy, tất hắn sẽ nghi ngờ.

Lúc này, nàng chỉ muốn Ngũ Tuấn đến ngay, cứu nàng khỏi cái doanh trại này. Từ khi theo nghĩa quân Lam Sơn, nàng và Ngũ Tuấn đôi người đôi ngả. Ngũ Tuấn vốn là cậu ấm, được chiều chuộng từ nhỏ, ngày ngày chỉ đọc sách uống trà bình thơ. Cha mất sớm, nên nhất nhất việc gì cũng nghe theo mẹ. Thành thử khi Ngũ Tuấn sang hỏi, cha Tam Nương từ chối thẳng thừng. Tam Nương cũng không biết làm thế nào, phận nữ nhi tam tòng tứ đức, chỉ biết khóc thầm. Ngũ Tuấn, trái lại, chỉ bảo nàng cứ chờ xem, sẽ có lúc cha nàng phải nghĩ lại, bởi sao có thể đánh giá nam tử trong thời bình.

Bản đàn cuối cùng rồi cũng dứt. Mã Tùng phẩy tay. Đám lính, kể cả Vũ Xuân cũng phải ra ngoài. Vũ Xuân cười nhẹ một cái, hắn thấy thống khoái khi rốt cuộc Tam Nương cũng phải trao thân cho Mã Tùng. Vốn Vũ Xuân cũng đem lòng say đắm nàng, nhưng hắn bị Tam Nương từ chối thẳng thừng. Không ăn được thì đạp đổ, hắn không đạp bằng cách cũ, mà chỉ điểm cho Mã Tùng.

Từ hôm Tam Nương chấp thuận trao thân cho Mã Tùng, Vũ Xuân đã cho người đi rêu rao khắp nơi, rằng sớm muộn gì nàng cũng sẽ thành phu nhân. Tất nhiên, Vũ Xuân không quên thêm mắm thêm muối, để biến việc đó thành một thiên diễm tình, người quân tử sau khi dày công chinh phục đã nắm được trái tim giai nhân.

Vũ Xuân không đi ra xa, mà hắn dừng lại để nghe ngóng. Khi thấy tiếng sột soạt của y phục, hắn mới gật đầu hài lòng. Giờ đây, Tam Nương sẽ không còn đường lui. Khi Mã Tùng chán hoa chê nguyệt, hắn mới tiếp tục giở những thủ đoạn khác. Bởi hắn biết hơn ai hết mối tình giữa Tam Nương và Ngũ Tuấn.

Buổi sáng hôm sau, Mã Tùng dẫn quân đến giữa đình làng. Ông Hều trưởng làng đón hắn từ xa, mời hắn và Tam Nương lên ghế trên ngồi. Trên sân, ba giáp Đượng, Nam, Bắc, mỗi giáp sáu tráng đinh đã tề tựu sẵn. Giữa sân là quả cầu được bọc giấy hồng điều. Quả cầu làm từ củ chuối hột, được ông Hều và đám trai làng đào từ đêm trước cho tươi mới.

Ông Hều bảo Mã Tùng: “Do lâu lắm không được mở Hội Vật cầu, nên năm nay làng sẽ có thêm những tiết mục độc đáo”. Mã Tùng thờ ơ bảo: “Ta đã cho mở hội thì các ngươi muốn làm gì thì làm, miễn sao mỹ nhân của ta thấy vui là được - lại bảo - Các ngươi nên đa tạ mỹ nhân của ta”. Ông Hều chỉ cười nhếch mép một cái rồi quay đi. Tam Nương chết sững trong lòng. Một cảm giác chua chát như dâng lên cổ. Nàng nhìn mãi, mà vẫn không thấy bóng cha mẹ mình đâu. Tam Nương thở dài, nàng biết, cha mẹ mình sẽ không tới.

Tiết mục mới lạ của năm nay là rước quả cầu lớn vào trong sân. Quả cầu tròn khổng lồ, có lẽ phải cao hơn đầu người, được đặt lên trên một chiếc xe bánh gỗ. Thoạt nhìn, Mã Tùng cũng phải gật đầu thán phục sự khéo tay của dân làng. Quả cầu được chia làm nhiều mảnh ghép lại, mỗi mảnh một mầu, được ghép lại rất tinh xảo bằng những đường răng cưa. Trên mỗi mảnh lại là một bức tranh phong cảnh được vẽ rất chi tiết, kỹ càng, không như các họa sỹ nhà Minh chỉ vẽ đại khái qua loa lấy nét tả sự vật.

Không phải tự nhiên mà lần này sang Nam chinh, quân nhà Minh bắt đến gần vạn thợ thủ công đem về, trong đó có cả người thợ tài hoa Nguyễn An, mà sau này chính là một trong số những tổng công trình sư xây nên Tử Cấm Thành. Mã Tùng cười thầm, sau khi vãn hội, hắn sẽ bắt những người đã làm nên quả cầu này, coi như đóng góp được ít quân công. Từ ngày trấn thủ ở đây, hắn gần như chẳng lập được đại công gì. Ngày nào cũng xua lính ra ngoài doanh trại đi tuần, rồi lại tập với nhau.

Đám trai làng kéo quả cầu đi ngang sân đình. Đi đến đâu là có một đội nhạc trình tấu, rất sôi nổi và háo hức. Mỗi khi chiếc xe kéo quả cầu dừng lại, dân làng đều thả những đồng xu vào cái giỏ đặt trên chiếc xe. Dưới ánh nắng, từng mảnh ghép của quả cầu phản ra những ánh sáng muôn sắc, càng làm cho khung cảnh rực rỡ hơn bao giờ hết. Mã Tùng khẽ nhìn Tam Nương. Thấy nàng thích thú nhìn theo quả cầu, hắn cũng thêm phần hài lòng.

Tiếng trống chầu trong tay ông Hều cứ thế vang dồn dập. Đám trai làng kéo quả cầu đến gần Mã Tùng. Hắn hứng chí, đứng hẳn lên để xem quả cầu khổng lồ này được làm như thế nào.

Bỗng những mảnh ghép của quả cầu bung ra. Từ trong, một đám người xông tới, lao thẳng vào chỗ Mã Tùng. Vũ Xuân, nhanh như cắt, gào thét sai lính xông đến bảo vệ chủ tướng. Nhưng đám người này thân thủ nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc đã đánh ngã đám lính Minh. Mã Tùng tuy bất ngờ nhưng trấn tĩnh rất nhanh, vơ lấy thanh đoản đao, giơ về phía trước, phòng thủ. Trong lúc ấy, hắn vô tình nhìn thấy nụ cười của Tam Nương hướng về phía đám người kia. Mã Tùng khẽ cười, rồi ôm lấy người Tam Nương, dí đao vào cổ nàng. Hắn nhìn về phía đám người kia, nếu họ dừng lại, thì chắc chắn giữa nàng và họ có sự thông đồng từ trước.

Quả nhiên đám người kia dừng lại ngay lập tức, ngơ ngác nhìn Mã Tùng.

- Ngũ Tuấn. Mặc em, hãy giết hắn đi - Tam Nương gào thét, mắt nàng đã ầng ậng nước - Từ ngày đến đây, hắn đã gây ra bao nhiêu tội ác cho dân làng.

Tất cả dân làng Kim Sơn đứng sững người ra. Nhất là ông Hều. Nhanh chóng, dân làng lờ mờ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sự trùng hợp mà Ngũ Tuấn nói, hóa ra là sự sắp đặt từ trước. Ngũ Tuấn đi theo nghĩa quân Lam Sơn, nhận trọng trách về phá trại địch. Bởi nơi đây tuy xa xôi nhưng lại có một kho lương dồi dào. Khi Ngũ Tuấn về, cũng là lúc Mã Tùng chấp thuận cho dân làng mở Hội Vật cầu.

Ông Hều cố giấu tiếng thở dài, khi biết mình đã trách oan Tam Nương. Lại tự trách mình, sao lúc trước cố tình xa lánh ông Nhị, người bạn thân từ thuở còn để chỏm. Tuy nhiên, giờ không phải là lúc để hối lỗi, mà là lúc nghĩ cách giải vây cho Tam Nương. Nàng vẫn bị Mã Tùng dí dao vào cổ. Nét mặt hắn sắt lại, ánh mắt vằn lên như thú dữ. Ông Hều nhìn quanh, rồi lùi lại, kín đáo lấy ra một cái nỏ. Trước kia, ông vốn là tay thiện xạ, đã từng định đi đầu quân cho các vua Trần, nhưng thấy khí số nhà Trần đã tận, nên đành ở nhà chờ thời. Đến khi nghe nói ở nơi núi rừng Lam Sơn có Bình Định vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, thì ông lại bị thương trong một lần đi biển, thành thử không còn cơ hội ra giúp nước.

- Tam Nương - Mã Tùng rít lên - Nàng khá lắm. Ta đã tin vào những lời nàng nói đêm qua, trong cơn ân ái mặn nồng. Nàng còn hứa sinh cho ta những đứa con đẹp đẽ, rồi sau này theo ta về phương Bắc. Những lời hứa của nàng, còn có ngọn đèn làm chứng đó.

- Để đuổi giặc đi, điều gì ta cũng dám làm - Lúc này, Tam Nương lại bình thản đến lạ thường - Ngươi không dám giết ta đâu, bởi giết ta bây giờ, ngươi cũng không còn toàn mạng. Nhưng ta thì dám tự giết ta.

Vừa dứt câu, Tam Nương xoay người một cái, để lưỡi đao tì mạnh vào cổ nàng. Máu phọt ra. Tam Nương ngã xuống.

Ngay lập tức, một mũi tên bay vụt đến, cắm vào cổ Mã Tùng. Ông Hều hạ nỏ xuống, vẻ hài lòng, bởi sau bao nhiêu năm, tay nỏ vẫn chưa hề lụt nghề. Mã Tùng lảo đảo, cố đứng vững. Nhưng hắn không phải cố lâu, bởi ngay sau đó, Ngũ Tuấn đã xông tới. Mã Tùng ngã xuống, mắt mở trừng trừng, chỉ tay về phía Tam Nương. Có lẽ hắn đã tự trách mình, khi không nghe lời của tướng quân Phương Chính bảo rằng: “Ngươi nên cẩn trọng với phụ nữ phương Nam, chơi bời thì được, giẫm đạp càng tốt, chứ đừng bao giờ tin tưởng họ”.

Ngũ Tuấn ôm lấy Tam Nương, đưa tay lên mũi nàng. Vẫn còn hơi thở yếu ớt. Chàng xé áo, lấy chút sợi thuốc, rắc vào cổ nàng, rồi băng lại. Tam Nương lờ mờ nhận ra Ngũ Tuấn đang chăm sóc mình, bỗng cảm thấy tủi nhục lại trào dâng. Nàng đã không thể làm khác được. Nếu không phục tùng, không vui vầy với Mã Tùng, sẽ chẳng có Hội Vật cầu nào được mở cả. Và cũng sẽ không có cơ hội để nghĩa quân cướp được doanh trại địch dễ dàng đến vậy. Nàng chỉ nghĩ được đến đó, rồi không còn biết gì nữa.

Một ngày sau khi phá xong doanh trại quân Minh, toàn bộ dân làng cùng đám nghĩa quân thắt khăn trắng, tề tựu quanh Tam Nương. Ông Nhị và bà Nhị đứng không vững, phải có người dìu bên cạnh. Ngũ Tuấn mặc tang phục trắng, tóc bạc đi một chút, đến gần ông bà Nhị, chắp tay rồi quỳ xuống.

- Con xin phép được gọi ông bà là cha mẹ, cho dù trước kia ông đã từ chối con. Kể từ nay, con sẽ thay Tam Nương chăm lo cho hai người.

Ông Nhị cầm lấy tay Ngũ Tuấn, run rẩy. Ông không ngờ, con mình đã phải trải qua bao nhiêu cay đắng tủi nhục đến vậy, để rồi giờ đây hai mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh. Chỉ còn được an ủi đôi chút, là nghĩa quân đã dùng lễ của nhà binh để đưa tiễn con gái ông. Ngũ Tuấn cũng nắm chặt lấy tay ông Nhị. Lúc này, những hành động ấy còn ý nghĩa hơn mọi lời nói. Ngũ Tuấn biết, Tam Nương vốn trọng chữ tiết hạnh, nếu cứu được nàng lần này, cũng sẽ không cứu được lần sau. Dù trước đó, chàng đã nói, mai sau, nếu có xảy ra chuyện gì, chàng vẫn không bao giờ trách cứ Tam Nương, vẫn một lòng với nàng.

- Cũng đã đến lúc chúng tôi phải đi. Khi nào hết giặc, Ngũ Tuấn lại sẽ về đây, sống với mọi người. Làng mình sẽ lại mở hội vật cầu, vừa rồi, do đánh giặc, nên đã biết giáp nào giành được cầu đâu.

Tiếng kèn, tiếng nhị vang lên trầm hùng. Bởi Ngũ Tuấn không muốn làm mọi thứ trở nên buồn thêm trong lúc này.

Từ đó, năm nào, Hội Vật cầu cũng được mở. Cho đến tận ngày nay.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/hoi-vat-cau-i648099/