Hội thảo 'Nghiên cứu giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế và các vùng phụ cận'

'Nghiên cứu giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế và các vùng phụ cận trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế' là chủ đề Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản (WIURS) tổ chức sáng nay (9/8) tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản về giá trị, đặc điểm, tiềm năng đặc biệt của cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử - sinh thái tại các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương. Phạm vi nghiên cứu chủ yếu tại 4 khu vực lăng tẩm hoàng gia đầu triều Nguyễn, đặc biệt là khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, nội dung, kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng cảnh quan văn hóa, môi trường lịch sử và cảnh quan di tích dọc lưu vực sông Hương. Các ý kiến cho rằng, cần chú trọng việc làm rõ, xác định và điều chỉnh khu vực bảo vệ 1 (vùng lõi), khu vực bảo vệ 2 (vùng đệm) và các vùng chuyển tiếp kết nối các di tích quan trọng. Từ đó, tạo ra các khu vực bảo vệ cảnh quan văn hóa và giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể thể Di tích Cố đô Huế, bảo đảm bảo tồn hài hòa với mục đích và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giáo sư, Tiến sỹ Shigeru Satoh, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản

Giáo sư, Tiến sỹ Shigeru Satoh, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản

Giáo sư, Tiến sỹ Shigeru Satoh, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản nêu ý kiến, đối với Quần thể Di tích Huế, cân nhắc vùng đệm phải tính đến tất cả các khu vực của lưu vực sông Hương. Kể cả khu vực trên trục thần đạo cho đến ngọn núi quan trọng ở phía xa và các hệ thống ao hồ chứa nước ở mỗi lăng. Từ những yếu tố phong thủy, địa hình và đặc trưng của vùng để tạo ra tuyến du lịch, phát triển tour du lịch sinh thái cộng đồng ở lăng vua Gia Long và lăng vua Thiệu Trị để giúp cho người dân chung sống với di sản, tái tạo di sản và bảo vệ bền vững di sản.

Giáo sư, Tiến sỹ Shigeru Satoh nêu rõ: “Chúng ta cần thiết phải xem vùng đệm như là một khu vực rất quan trọng để bảo tồn các giá trị của di sản. Bên cạnh đó, cũng rất cần thiết để chúng ta kết nối, phối hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, phải nghiên cứu đưa ra các quy định của pháp luật để quản lý cho phù hợp…”.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa-Thể thao Thừa Thiên Huế

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa-Thể thao Thừa Thiên Huế

Các chuyên gia đề xuất hỗ trợ phát triển du lịch ở địa phương xung quanh khu vực di tích Huế nhằm khuyến khích người dân địa phương, những người đang sống trong di sản, cùng chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ di sản, tạo sinh kế cho người dân. Các đại biểu nêu định hướng, đề xuất mở rộng chương trình du lịch nghiên cứu sinh thái dựa vào cộng đồng xung quanh khu vực di tích nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng: “Hội thảo nhằm trao đổi quan điểm bảo tồn cảnh quan văn hóa của vùng đệm di sản để tiến đến xây dựng phương án và chính sách bảo vệ sự toàn vẹn, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan và môi trường, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quảnlý di sản gắn với phát triển du lịch một cách bền vững tại Đô thị Di sản Huế”.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hoi-thao-nghien-cuu-gia-tri-canh-quan-van-hoa-di-san-hue-va-cac-vung-phu-can-post1038184.vov