Hồi sinh 'rừng vàng, biển bạc'

Biển cả, sông ngòi, rừng đước, rừng tràm với nguồn lợi thủy sản dồi dào chính là một trong những chỉ dấu riêng có để làm nên mảnh đất Cà Mau kỳ thú, hào sảng. Thế nhưng, những ký ức tươi đẹp về ngày hội cá đường, cá dứa, ba khía, cua tôm 'minh thiên', con cá đồng, rùa, rắn huyền thoại trong chuyện kể Bác Ba Phi nay dần nhường lại cho một thực tế nhức nhối, trăn trở: nguồn lợi thủy sản của Cà Mau đang dần kiệt quệ.Hồi sinh 'rừng vàng, biển bạc', giữ gìn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đang là vấn đề cấp thiết cho hiện tại, cho cả tương lai của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Bài 1: Qua rồi thời “tỷ phú biển”

Cà Mau có đường bờ biển dài 254 km, có 3 mặt giáp biển, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước về khai thác thủy hải sản. Từ nghề “đâm hà bá”, Cà Mau xuất hiện rất nhiều “tỷ phú biển”. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề được mệnh danh ăn nên làm ra lại đầy rủi ro, bấp bênh. Những “tỷ phú biển” ngày nào giờ chỉ còn chép miệng mà tiếc nhớ một thời vàng son rực rỡ chưa xa.

Một thời vàng son

Thị trấn biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, có cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau. Gặp gỡ những người có thâm niên làm nghề biển lâu nhất ở đây mới cảm nhận đầy đủ về thăng trầm của đời ngư dân. Ðôi mắt hướng ra cửa biển, ông Lê Quốc Hiền, Khóm 5, thị trấn Sông Ðốc, nhớ như in: “Trước đây, khi nói mình là dân Sông Ðốc làm nghề biển thì được ưu ái gắn với mác “Việt kiều biển”. Mà thời đó thu nhập khấm khá thật, mỗi chuyến biển lời vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường”.

Nguồn lợi thủy sản đang bị giảm dần theo từng năm. (Ảnh minh họa).

Thấm thoát hơn 40 năm gắn bó với biển, ban đầu chỉ có 1 phương tiện khai thác, rồi ông tích lũy đóng thêm 4 phương tiện công suất lớn để vươn khơi. “Thời đó đóng tàu đâu tính bằng tiền mà tính bằng vàng, mỗi chiếc tàu có công suất lớn khai thác vùng khơi có giá trên 100 cây (lượng) vàng. Như các phương tiện của tôi, mỗi chiếc tầm 100-120 lượng vàng. Làm thấy ham lắm, nếu trúng thì chỉ vài con nước là lấy lại vốn rồi”, ông Hiền cho biết.

Ông Nguyễn Văn An, Khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ câu chuyện của mình đầy sảng khoái, đúng chất dân xứ biển: “Nếu gọi chúng tôi là tỷ phú cũng không sai, vì mỗi phương tiện đánh bắt của tôi muốn vươn khơi được phải trang bị đầy đủ trang thiết bị, ngư cụ... trên 1 tỷ đồng rồi. Mà nhà tôi tới 8 phương tiện đánh bắt thủy sản. Nói thì nhiều vậy, nhưng làm thì phải tích góp để đóng thêm phương tiện, rồi trang bị ngư cụ, sửa sang máy móc cũng không ít, được cái là nghề biển khi ấy có thu nhập tốt”.

Ông Nguyễn Văn Ðấu, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, vẫn còn tiếc cái thời ra biển là... hốt bạc: “Cá tôm nhiều lắm. Tôi đóng 5, 6 miệng đáy hàng khơi, mỗi lần ra là đổ đầy chiếc ghe mấy tấn, loại nào ít giá trị thì gạt bớt lại xuống biển vì sợ chìm ghe”. “Mùa hội cá dứa, cá đường, ba khía, cứ giơ tay mà hốt là đầy xuồng, đầy ghe, còn cua, tôm thì chỗ nào có sông, có nước là kéo bầy, kéo đàn, bắt không xuể. Sông biển hồi đó như cái hũ gạo, bà con mình cứ vậy, ai cũng như ai ra đó là xúc đem về thôi”, ông Ðấu sôi nổi kể lại chuyện tai nghe, mắt thấy.

Biển... cạn

Câu chuyện của những ngư dân sống chết với biển ở Cà Mau đi từ sôi nổi, hào hứng cho đến cái thở dài thườn thượt nuối tiếc. Chỉ tay về phía có ngôi nhà cao tầng, ông Hiền giọng trầm lắng: “Suốt mấy chục năm tạo dựng, giờ chỉ còn ngôi nhà này để ở và một phương tiện hiện đang nằm bờ vì không còn kinh phí cho chuyến ra khơi”.

Hiện đang là mùa ghe ra biển khai thác, nhưng tại cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) còn gần 50% phương tiện khai thác neo tại bến vì không có kinh phí cho tàu ra khơi.

Thời còn ăn nên làm ra, ông Hiền đóng nhiều phương tiện để ra biển khai thác, trong đó ông có đầu tư cặp ghe cào trên 15 tỷ đồng. Nhưng chỉ khai thác được vài năm, nguồn lợi thủy sản trên biển dần cạn kiệt, ông Hiền lần lượt bán đi để bù lỗ.

Ông Hiền bộc bạch: “Tôi chỉ còn phương tiện đánh bắt nhưng nằm ụ 4 con nước rồi. Nếu nói đánh bắt không có thì cũng không phải. Ðể giảm chi phí ra vào nên ghe tôi mỗi chuyến ra khơi là một năm nằm bến. Năm 2023, phương tiện nhà tôi khai thác được 6 tỷ 700 triệu đồng nhưng khi trừ hết sở phí, tôi lỗ 400 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hội Thủy sản thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: “Giờ tìm ngư phủ khó lắm, nếu muốn họ đi thì chủ tàu phải chi tiền ứng trước. Chưa kể đến chuyện giữa chừng họ trốn hoặc không làm được việc. Phải chi tiền đưa họ vào bờ và tìm ngư phủ khác”.

Qua ghi nhận, còn rất nhiều phương tiện neo bờ không còn chi phí vươn khơi khai thác.

Thị trấn Sông Ðốc có 1.115 phương tiện khai thác thủy hải sản; trong đó, có 679 phương tiện 15 m trở lên. Hiện tại, theo ghi nhận của địa phương, có gần 50% phương tiện nằm bờ vì không còn chi phí để vươn khơi.

Khánh Hội (U Minh) là 1 trong 4 cửa biển lớn của tỉnh, tập trung lượng lớn tàu khai thác thủy hải sản. Ông Nguyễn Văn Ðỡ, Ấp 4, xã Khánh Hội, người có thâm niên mấy chục năm với nghề đánh bắt thủy sản, lắc đầu ngao ngán khi nói về những chuyến biển gần đây: “Tôi mới bán 2 phương tiện có công suất lớn vì đánh bắt giờ không được như xưa, con nước nào cũng lỗ, 6 phương tiện của tôi mỗi chuyến ra khơi cần hơn 100 triệu đồng/phương tiện. Liên tục mấy năm nay, con nước nào cũng bù lỗ. Cực chẳng đã tôi mới bán chứ các phương tiện này gắn bó với tôi lâu năm lắm rồi, nhưng nếu không bán thì cũng cho nằm bờ chứ không còn đủ sức vươn khơi nữa”.

Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, chia sẻ: “So với khoảng 5 năm trở về trước, sản lượng thủy sản khai thác giảm nhiều. Có người giữ lại phương tiện để mong gỡ gạc, nhưng nhiều ngư dân phải bán phương tiện, bỏ nghề biển vì phải đối mặt với quá nhiều rủi ro".

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Phụ trách, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Ngư dân vươn khơi lợi nhuận ít, thậm chí là lỗ vốn. Nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh, trong khi chi phí đi biển ngày càng tăng. Nhiều ngư dân đã bỏ nghề, tàu ghe nằm bến”.

Thị trấn Gạch Rốc, huyện Ngọc Hiển sầm uất ngày nào giờ đìu hiu sau mỗi chuyến biển.

74 tuổi đời, ông Nguyễn Văn Ðấu, ngư dân cố cựu của vùng Tân Ân - Rạch Gốc nghiệm ra rằng: “Làm nghề biển bây giờ khó ăn lắm, cửa biển Rạch Gốc lớn như vậy, một thời sầm uất như thế mà bây giờ hiu hắt lắm”. Ánh mắt xa xôi, ông Ðấu tặc lưỡi than thở: “Ðúng là miệng ăn thì biển cũng cạn mà”.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 4.052 tàu hoạt động khai thác hải sản, trong đó 1.503 tàu có chiều dài trên 15 m và có 1.500 tàu của các tỉnh lân cận đến hoạt động trên vùng biển của tỉnh. Phương tiện khai thác ngày một nhiều, sản lượng thủy sản ngày một cạn kiệt, giá cả các mặt hàng thiết yếu, như xăng, dầu... tăng, dẫn đến ngư dân khai thác không có lời, trái lại còn bị lỗ sau mỗi chuyến biển.

Kim Cương - Hải Nguyên

Bài 2: Cá đồng kêu cứu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hoi-sinh-rung-vang-bien-bac--a31587.html