Hồi sinh 'rừng vàng, biển bạc' - Bài 3: Hồi chuông cảnh báo

Nguồn lợi thủy sản suy giảm đến lằn ranh 'báo động đỏ' là thực trạng nhức nhối, bức thiết với Cà Mau. Ðó không chỉ là sự suy giảm thuần túy về mặt tài nguyên mà còn kéo theo những hệ lụy khôn lường, to lớn đối với thực tại và tương lai phát triển của tỉnh nhà. Có hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra, nhưng sâu xa nhất vẫn là tâm thế hành xử của con người với thiên nhiên. 'Rừng vàng, biển bạc' ở Cà Mau đang bị tổn thương bởi sự vô tâm, thờ ơ của chính con người.

Hồi sinh “rừng vàng, biển bạc”
Hồi sinh “rừng vàng, biển bạc” - Bài 2: Cá đồng kêu cứu

Thực tế báo động

Tại cuộc họp tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh Cà Mau năm 2023, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, ray rứt: “Tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, hủy diệt là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Xung điện, kích điện, thậm chí là chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản mau nhất, nhiều nhất, lợi nhuận nhất thì cá tôm nào còn được”.

Xã Khánh Hội, huyện U Minh hiện có trên 400 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ. Ở cửa biển Sông Ðốc có trên 300 phương tiện hoạt động với hình thức chiều ra biển, sáng vào bờ.

Tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, những ngày biển êm, nhiều phương tiện thủy nội địa khai thác ven bờ, làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản.

Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Không chỉ phương tiện trên địa bàn hoạt động mà nhiều phương tiện của các tỉnh lân cận như Kiên Giang, cũng về vùng biển của tỉnh Cà Mau đánh bắt. Nhiều phương tiện dùng lưới giã cào để cào thủy sản ở mé, nếu phương tiện nào có công suất và phương tiện được nâng cấp lớn hơn thì ra hơi xa dùng lú bát quái để đánh bắt, thậm chí dùng xung điện trang bị cho lưới đánh bắt”... Những vấn đề này đã được báo cáo, đề xuất, kiến nghị nhưng đây không phải một sớm một chiều giải quyết được".

Lý giải về tình trạng các phương tiện này có thể “lọt” ra biển dưới sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng chức năng, ông Ðảm thông tin: “Thực tế, Cà Mau có rất nhiều cửa sông thông ra biển nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Lợi dụng kẽ hở đó, nhiều phương tiện lén lút ra biển khai thác”. Ðáng quan ngại hơn, hầu hết những hộ dùng phương tiện này có công suất nhỏ, ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn. Mưu sinh thúc bách, nhiều người bất chấp, mạo hiểm cả tính mạng của mình.

Theo ông Ðảm, số lượng phương tiện khai thác trên biển ngày càng nhiều, nhất là các hình thức đánh bắt ven biển theo kiểu tận thu. “Những năm gần đây, Khánh Hội xuất hiện quá nhiều phương tiện khai thác ven bờ với hình thức cào. Chính hình thức khai thác này làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, bởi chúng vào bờ sinh sản”, ông Ðảm cho biết thêm.

Ông Hồ Hoàng Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Các hình thức đánh bắt như hàng đáy, lú bát quái, cào xung điện hết sức nguy hại cho nguồn lợi thủy sản. Năm 2023, Ngọc Hiển phát hiện, xử lý 34 trường hợp vi phạm quy định khai thác. Nguồn lợi ngày càng cạn kiệt thì các hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt, hủy diệt càng biến tướng và diễn biến phức tạp hơn”.

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương vận động, tuyên truyền ngư dân đánh bắt theo mùa, nhưng thực tế ngư dân ra biển khai thác quanh năm. Cũng chưa có giải pháp, chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe với những đối tượng vi phạm. Theo đó, tình trạng khai thác theo những hình thức hủy diệt, tận diệt vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Các phương tiện thủy nội địa cải hoán, nâng cấp lên để có thể ra xa hơn để hoạt động khai thác và đánh bắt được nhiều sản lượng hơn.

Vì cái lợi trước mắt

Tại vùng ngọt hóa Cà Mau, các hình thức khai thác tận diệt, hủy diệt nguồn lợi cá đồng cũng vô cùng bức xúc. Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, địa phương đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp dùng xiệt điện để đánh bắt cá đồng. Hiện nay, các đối tượng vi phạm ngày càng táo bạo, dùng xiệt điện công suất lớn đánh bắt cá ở những trục sông lớn. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ chạy bằng vỏ lãi công suất lớn, thậm chí có hành vi chống đối gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ”.

Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, chia sẻ: “Cá đồng ít, bà con truyền tai nhau cách dùng kích điện, xiệt điện để bắt cá. Nguy hiểm nhất là những đối tượng chuyên nghiệp dùng cách đánh bắt này để làm sinh kế. Không còn một loài cá tôm nào sống sót được, nếu sống thì không thể phát triển, sinh sản, thế nên nguồn lợi cá đồng tự nhiên theo đó ngày càng kiệt quệ”.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, trăn trở: “Chính người dân đang tự hủy diệt môi trường sinh sống của cá đồng thông qua những hình thức đánh bắt hủy diệt, tận diệt. Ðiều trăn trở là các hình thức đánh bắt bằng xung điện lại có tốc độ lây lan quá nhanh, trở thành thói quen bắt cá của nhiều người”.

Ông Huỳnh Trung Kiên, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh, bộc bạch: “Con cá đồng suy giảm, mùa cá đồng bây giờ đâu còn nữa. Người ta bắt từ cá nhỏ đến cá lớn, dùng đủ mọi cách để bắt, không quan tâm đến chuyện giữ gìn, bảo vệ. Hậu quả thì hiển hiện rồi, bây giờ muốn có cá chỉ có cách nuôi, cá ngoài tự nhiên coi như cạn kiệt thiệt rồi”.

Bắt cá bằng nơm theo kiểu truyền thống của nông dân xã Khánh An, huyện U Minh là góp phần bảo vệ nguồn lợi cá đồng thiên nhiên.

Những ngày hội cá ở phía biển, mùa cá đồng oằn quang gánh vùng ngọt hóa ở Cà Mau giờ đã thành quá khứ, khó mà tìm lại. Hồi chuông cảnh báo đã điểm từ lâu, cách cư xử thô bạo của con người với thiên nhiên đang trả giá bằng những mất mát lớn lao và đắt đỏ. Ðó không phải là chuyện của con cá, con tôm, mà còn là câu hỏi day dứt cần được gióng lên thật mạnh mẽ; cần những hành động, giải pháp quyết liệt, hiệu quả để gìn giữ hồn cốt, phong vị và cả tương lai của mảnh đất Cà Mau với “rừng vàng, biển bạc” như đã từng hiện hữu.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 2.547 phương tiện tàu cá dưới 15 m khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, với các nghề khai thác chủ yếu là lưới vây, lưới kéo, lưới rê, câu, lồng bẫy. Ðặc biệt, có một lượng lớn phương tiện thủy nội địa hoạt động khai thác thủy sản ven bờ với hình thức tận diệt làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản, nhất là vào mùa sinh sản.

Từ năm 2005 đến tháng 9/2023, lực lượng chức năng chuyên ngành nông nghiệp đã phát hiện 1.220 trường hợp vi phạm, tịch thu 132 bình ắc quy, 1.137 kích điện, hơn 4.450 m dây điện..., xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách hơn 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng, công an trong tỉnh còn phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật gần 2 ngàn trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản cả trên biển và trong nội đồng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 181 vụ khai thác thủy sản bằng xung điện trái phép.

Kim Cương - Hải Nguyên

Bài 4: Không thể chần chừ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hoi-sinh-rung-vang-bien-bac-bai-3-hoi-chuong-canh-bao-a31627.html