Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 2/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề 'Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023 - 2025'.

Ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại

Chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương 9 tháng năm 2023, tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước những khó khăn mà ngành Công Thương gặp phải trong 9 tháng năm 2023, ngành Công Thương đã tập trung triển khai, kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ được giao, triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kết nối thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Nhờ đó, góp phần quan trọng để kinh tế các địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhiệm vụ của ngành Công Thương vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, biến động, rất khó đoán định, kinh tế dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia.

Quang cảnh Hội nghị ngành Công Thương 5 Thành phố lần thứ VI

Quang cảnh Hội nghị ngành Công Thương 5 Thành phố lần thứ VI

Thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới; chi phí đầu vào nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp trong nước nói chung còn hạn chế; tính liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh còn yếu.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý nhà nước, cùng đồng thuận quan điểm để đề xuất kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho 5 Thành phố phát huy lợi thế; đồng thời xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương giữa các địa phương trong tương lai.

Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác phát triển thị trường, cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024 là năm bứt phá trong thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của các địa phương đề ra.

Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương của 5 Thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung tập trung tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Tập trung phát triển hạ tầng của ngành công thương, bao gồm: công nghiệp, thương mại, năng lượng và liên kết với các địa phương trong khu vực để khi triển khai các dự án hạ tầng thương mại, logistics, năng lượng thì phải hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm.

Từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ… Chú trọng các ngành có lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường; duy trì chuyển dịch nhanh những ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng gia tăng sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường và có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh các phương thức xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số trên môi trường thương mại điện tử.

Tăng cường hợp tác giữa 5 Thành phố trực thuộc Trung ương với các địa phương trong vùng nói riêng, trên cả nước nói chung. Song song với việc tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn, 5 thành phố cũng cần đẩy mạnh khai thác các thị trường ngách còn nhiều dư địa tiềm năng như châu Phi, Nam Á…

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định này. Tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là các doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trao đổi về tầm quan trọng trong hội nhập phát triển kinh tế, tại Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc thúc đẩy, phát triển thương mại, xuất khẩu là lĩnh vực khó, mang tính chất liên ngành. Các FTA đã có nhiều, nhưng cần quán triệt sâu rộng, thông suốt, từ lãnh đạo, quản lý cho tới những người làm trực tiếp trong lĩnh vực Công Thương. Vì vậy, Bộ Công Thương cần tăng cường tập huấn, giúp các địa phương hiểu kỹ, đầy đủ về các FTA và cách thức xử lý các tình huống gặp phải. Hiện còn nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương chưa đầy đủ, thống nhất, mỗi địa phương đang hiểu và làm theo cách thức khác nhau, như trong trình tự thủ tục triển khai các khu, cụm công nghiệp.

Sở Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương ký biên bản hợp tác trong giai đoạn mới

Sở Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương ký biên bản hợp tác trong giai đoạn mới

Đề cập vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm, doanh nghiệp trong nước đang bị yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng. Do vậy, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương nêu quan điểm và cho biết, phạm vi cam kết trong các FTA thế hệ mới ngày càng sâu rộng và bao trùm, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là cách thức xử lý đối với các vấn đề tồn tại, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại...

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị ngành Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI, Sở Công Thương 5 thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã ký kết biên bản hợp tác trong giai đoạn tới; thống nhất đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; hợp tác toàn diện trong tất cả lĩnh vực; thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển; cùng tham gia đề xuất xây dựng chính sách, chiến lược phát triển chung. Hội nghị ngành Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024 sẽ do Sở Công Thương thành phố Cần Thơ sẽ đăng cai tổ chức.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 Thành phố trực thuộc Trung ương chiếm tỷ trọng 38,3% của cả nước.

Các thị trường tiêu dùng như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục phục hồi, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước. Lũy kế trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố chiếm tỷ trọng 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoi-nhap-quoc-te-de-thuc-day-tang-truong-160994.html