Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành 19 luật và nghị quyết của Quốc hội

Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai 19 luật và nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hội nghị tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ, nghiêm túc; phát huy trách nhiệm, tích cực tham luận, phát biểu với tinh thần khách quan, thiết thực. Các báo cáo, tham luận cần phản ánh cụ thể, khách quan công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi.

Sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, hội nghị nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tóm tắt của UBTVQH, cho biết tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 19 luật, nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tóm tắt của UBTVQH. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tóm tắt của UBTVQH. Ảnh: Quốc hội

Để triển khai thi hành các luật, nghị quyết, UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và có giải pháp quyết liệt để thực hiệu hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, các yêu cầu, nhiệm vụ được luật, nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ, tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 theo yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Đối với việc triển khai Luật Căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ cần khẩn trương thiết kế, hoàn thiện mẫu thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử, các biểu mẫu, giấy tờ liên quan; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định; xem xét đầu tư máy móc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết và tổ chức tập huấn, vận hành hệ thống kỹ thuật phục vụ cấp thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử để kịp thời triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực, quy định chi tiết các nội dung được Luật giao.

Đối với việc triển khai Luật Đất đai: Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 8 luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật.

Đối với việc triển khai Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản: Khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị định, quyết định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm phù hợp với quy định của luật và thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy định chi tiết.

Đối với việc triển khai Luật Các tổ chức tín dụng: Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản đối với 19 nội dung Luật giao Chính phủ quy định, 1 nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định và 82 nội dung giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định…

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoi-nghi-toan-quoc-trien-khai-thi-hanh-19-luat-va-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-167238.html