Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á: Một 'cột mốc quan trọng'

Từ ngày 18-19/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón và tổ chức họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo khu vực Trung Á tại thành phố Tây An.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á diễn ra tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Nguồn: REUTERS)

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á diễn ra tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Nguồn: REUTERS)

Bắc Kinh coi đây là “sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên Trung Quốc đăng cai năm nay”, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác có tầm quan trọng địa chiến lược với nước này, trong bối cảnh cục diện thế giới có nhiều biến động.

Đáng chú ý, cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với lãnh đạo Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) được tổ chức trùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản.

Từ lâu, Trung Quốc đã coi Trung Á là khu vực quan trọng với mở rộng thương mại và an ninh năng lượng, cũng như với sự ổn định ở khu tự trị Tân Cương. Tháng 9/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi chọn Kazakhstan và Uzbekistan là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 tại nước này.

Vì thế, Bắc Kinh cho rằng các cuộc gặp cấp cao lần này sẽ là “một cột mốc quan trọng trong lịch sử” quan hệ của nước này và khu vực Trung Á. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, lãnh đạo các bên sẽ ký “các văn bản chính trị quan trọng... mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới” giữa hai bên.

Giáo sư Zhu Yongbiao tại Trường Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học Lan Zhou (Trung Quốc) nhận định mối quan hệ chặt chẽ với Trung Á hiện được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc. Với Trung Á, Bắc Kinh không chỉ thiết lập quan hệ dựa trên các cơ chế song phương, mà còn thông qua các diễn đàn đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Hai bên có thể bàn về các vấn đề nóng hiện nay như xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng ở Afghanistan. Ông Zhu nhận định: “Trung Quốc và năm nước Trung Á có lập trường gần gũi đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, từ xung đột Nga-Ukraine, Afghanistan tới chống khủng bố, song vẫn cần có sự phối hợp hơn nữa”.

Trong khi đó, ông Wang Jian, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải (Trung Quốc) khẳng định, dù Bắc Kinh đã tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ khác, nhưng Trung Á vẫn “đặc biệt quan trọng” với an ninh của nước này. Về phần mình, năm nước Trung Á dường như cũng đang “giữ khoảng cách ngoại giao” với Moscow khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang.

Bên cạnh đó, các nhà quan sát cho rằng nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc với Trung Á sớm muộn cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ. Kể từ năm 2015, Mỹ đã sử dụng Hội nghị thượng đỉnh thường niên C5+1 giữa Ngoại trưởng Mỹ và các người đồng cấp Trung Á để mở rộng ảnh hưởng.

Tại hội nghị gần đây nhất ở Astana, Kazakhstan tháng Hai vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết xung đột Nga-Ukraine đã đặt nước này và Trung Á trước những thách thức chung. Trong khi đó, đại diện các nước Trung Á bày tỏ lo ngại về tác động lan tỏa từ các biện pháp trừng phạt chống Nga tới nền kinh tế.

Nhân dịp này, Mỹ đã công bố khoản viện trợ kinh tế trị giá 20 triệu USD cho khu vực, bên cạnh khoản viện trợ 25 triệu USD được cung cấp vào năm ngoái cho chương trình kinh tế và năng lượng nhằm tăng cường kết nối khu vực.

Như vậy, năm nước Trung Á, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ Nga, cần hiểu rằng họ phải cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích quốc gia của mình khi đứng trước cạnh tranh giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, tránh làm “mất lòng” bất kỳ bên nào.

(theo South China Morning Post)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-trung-quoc-trung-a-mot-cot-moc-quan-trong-227558.html