Hội nghị thượng đỉnh phương Nam lần thứ ba: Tín hiệu từ Bắc Kinh và sự hưởng ứng của G77

Diễn ra ngay sau khi Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết, Hội nghị thượng đỉnh phương Nam lần thứ ba của Nhóm G77 và Trung Quốc tại Kampala, Uganda từ ngày 21-22/1 tiếp tục thu hút sự chú ý của quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh phương Nam lần thứ ba của Nhóm G77 và Trung Quốc tại Kampala, Uganda. (Nguồn: BNG Uganda))

Sau gần 20 năm kể từ Hội nghị năm 2005 tại Qatar và Hội nghị tại Cuba năm 2000, Hội nghị lần này có sự hiện diện của Tổng thư ký, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 cùng lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng và đại diện các nước thành viên Nhóm G77.

Đặc biệt là sự có mặt của Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lưu Quốc Trung, Phó Thủ tướng Trung Quốc.

Là diễn đàn cấp cao nhất của Nhóm gồm 134 nước đang phát triển, chiếm tới 80% dân số thế giới, hẳn nhiên vai trò của Nhóm G77 và Trung Quốc là rất quan trọng trong giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới đối mặt với những biến chuyển sâu sắc, thách thức lớn từ kinh tế, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu, nghèo đói diễn ra ở nhiều nước thành viên G77.

Giới quan sát cho rằng, đây là diễn đàn rất thuận lợi để Trung Quốc gia tăng tiếng nói, tập hợp lực lượng để chung tay thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu mà theo một số lãnh đạo G77 là "đã lỗi thời, nghiêng nhiều về phương Tây".

Trong bài phát biểu rất được chú ý tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung nhấn mạnh, các nước đang phát triển nên cùng hỗ trợ cải cách Tổ chức Thương mại thế giới, hệ thống tài chính quốc tế, kể cả Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế bởi cơ cấu, nơi đặt trụ sở và nhiệm vụ của các tổ chức này không còn phù hợp để đối phó với các xu hướng toàn cầu đang thay đổi.

Với hơn 3.000 dự án Vành đai và Con đường trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD mà Trung Quốc đã cấp vốn trên khắp thế giới, trong đó phần lớn là ở các thành viên G77 trong thập kỷ qua, ông Lưu Quốc Trung khẳng định, hợp tác Nam - Nam tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng, hệ thống quốc tế đã “lỗi thời, lạc hậu và chỉ còn phản ánh một thời đại đã qua khi nhiều quốc gia thành viên G77 còn là thuộc địa”. Thậm chí, “Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị tê liệt bởi sự chia rẽ địa chính trị. Thành phần của nó không phản ánh thực tế thế giới ngày nay, cần phải được cải cách”, ông nói.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Chủ tịch Nhóm G77 và Trung Quốc, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni kêu gọi tiếp tục đoàn kết, gia tăng hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết khẩn cấp các thách thức toàn cầu như nghèo đói, khoảng cách khoa học công nghệ và biến đổi khí hậu. Ông Museveni nói: “Với tư cách là G77 và Trung Quốc, chúng ta nên tiếp tục hợp tác để bảo đảm đạt được trật tự kinh tế quốc tế công bằng và hợp lý”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung Quốc, Ngoại trưởng Sudan Ali Al-Sadiq khẳng định “rất mong chờ sự hiện diện của Trung Quốc”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Uganda Okello Oryem nhắc lại: “Trung Quốc luôn sát cánh cùng châu Phi để giải phóng Mozambique, Zimbabwe, Nam Phi và Namibia”.

Còn Ngoại trưởng Bolivia Celinda Sosa Lunda thì mô tả Trung Quốc là đối tác phát triển của quốc gia Nam Mỹ. Bà khẳng định Bolivia có cùng quan điểm với Trung Quốc trong việc giải quyết các điểm nóng, xung đột trên thế giới.

Với sự hưởng ứng gia tăng từ các thành viên G77, đặc biệt là các quốc gia Nam toàn cầu và những bước đi quyết đoán của Trung Quốc, lời kêu gọi của Bắc Kinh có thể sẽ sớm đạt được kết quả cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức, sự cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-phuong-nam-lan-thu-ba-tin-hieu-tu-bac-kinh-va-su-huong-ung-cua-g77-258693.html