Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương: Khẳng định cam kết thực chất

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ hai với các nhà lãnh đạo của Diễn đàn tại Nhà Trắng vào ngày 25.9 (giờ Mỹ). Đây được coi là một phần trong nỗ lực của ông nhằm tăng cường can dự với khu vực các quần đảo Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang dần chứng tỏ sức ảnh hưởng quan trọng của mình.

Trọng tâm vấn đề khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn sẽ diễn ra trong hai ngày 25-26.9 với nội dung nổi bật tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu. 18 thành viên của Diễn đàn bao gồm: Australia, Quần đảo Cook, Micronesia, Fiji, Polynesia thuộc Pháp, Kiribati, Nauru, New Caledonia, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Cộng hòa Quần đảo Marshall, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái bình dương năm 2022. Ảnh: AFP

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ "tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các ưu tiên khu vực chung" với người dân các đảo Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Những biện pháp này bao gồm "giải quyết khủng hoảng khí hậu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển bền vững; tăng cường an ninh y tế; chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo; và mở rộng mối quan hệ giữa người dân với người dân", Thông cáo nhấn mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh lần này được thiết kế dựa trên hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các bên vào tháng 9 năm ngoái.

Cách đây một năm, Tổng thống Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ hội nghị, chính quyền Tổng thống Biden cam kết tăng cường hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương. Washington cũng thông báo sẽ lập một quỹ mới trị giá 810 triệu USD hỗ trợ các đảo quốc này phát triển nghề cá, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại một sự kiện ở New York trước Đại hội đồng LHQ thường niên diễn ra tuần trước, Tổng thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương Henry Puna bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 sẽ mang lại những hành động cụ thể về các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu và nỗ lực của khu vực nhằm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ông Puna cho biết, khu vực đảo Thái Bình Dương đã đi từ thời kỳ bị lãng quên chiến lược chỉ một thập kỷ trước để trở thành đối tượng được quan tâm, cạnh tranh chiến lược ngày nay – ám chỉ sự cạnh tranh địa chính trị để giành ảnh hưởng trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cho biết lập trường của các quốc đảo Thái Bình Dương là họ sẽ “hợp tác với bất kỳ đối tác nào sẵn sàng làm việc với chúng tôi”.

Phát biểu trong cùng một sự kiện, ông Mark Brown, thủ tướng Quần đảo Cook và hiện là Chủ tịch của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, khu vực đang hướng tới hội nghị thượng đỉnh Washington để có sự tham gia "hữu hình" của Mỹ nhằm giúp tăng trưởng kinh tế thông qua cải thiện liên kết giao thông và tăng cường thương mại. Họ cũng tìm kiếm sự đóng góp đáng kể của Hoa Kỳ cho Quỹ Khí hậu Xanh tại một hội nghị ở Đức vào tháng tới.

Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tuần trước: “Biến đổi khí hậu là thách thức quan trọng nhất đối với tiến trình đạt được sự phát triển bền vững của chúng ta”. Ông mô tả hòn đảo mà ông đánh cá khi còn nhỏ hiện đã bị nhấn chìm 2/3 do mực nước biển dâng cao, khiến rùa phải đẻ trứng ở vùng thủy triều nơi chúng khó có khả năng sống sót.

Ông nói, việc đơn giản hóa việc tiếp cận nguồn tài trợ khí hậu là “rất quan trọng” đối với các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nơi nền kinh tế đang gặp khó khăn do suy thoái du lịch do đại dịch Covid-19 gây ra và chi phí gia tăng cho chiến tranh ở Ukraine.

Thiết lập quan hệ ngoại giao với hai quốc đảo

Nhân sự kiện này, Tổng thống Joe Biden sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với hai quốc gia Nam Thái Bình Dương, Quần đảo Cook và Niue, một động thái nhằm chứng tỏ với các nhà lãnh đạo đảo Thái Bình Dương rằng nước Mỹ cam kết tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Biden đã đặt ưu tiên vào việc cải thiện mối quan hệ ở Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Kế hoạch cho động thái ngoại giao đã được xác nhận bởi hai quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ.

Tổng thống Biden sẽ chào đón các nhà lãnh đạo tới Nhà Trắng vào sáng 25.9 (giờ Mỹ) để hội đàm và dùng bữa trưa làm việc. Họ cũng sẽ gặp đặc phái viên của Biden về khí hậu, John Kerry để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Kerry và giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ Samantha Power sẽ chủ trì các cuộc đàm phán về khí hậu với các thành viên của cộng đồng vào ngày 26.9. Các nhà lãnh đạo cũng có kế hoạch gặp gỡ các thành viên Quốc hội. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ tổ chức hội nghị bàn tròn với các nhà lãnh đạo và thành viên của cộng đồng doanh nghiệp.

Tháng trước, bà Power đã tới Fiji để mở một phái đoàn mới của USAID nhằm quản lý các chương trình tại 9 quốc đảo Thái Bình Dương: Fiji, Kiribati, Nauru, Samoa, Tonga, Tuvalu, Cộng hòa Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau. Mỹ năm nay đã mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và Tonga, đồng thời đang chuẩn bị mở đại sứ quán tại Vanuatu vào đầu năm tới.

Nhà Trắng cho biết hầu hết các thành viên của diễn đàn gồm 18 thành viên đều cử quan chức hoặc bộ trưởng ngoại giao hàng đầu của họ tới hội nghị thượng đỉnh.

Đầu năm nay, Tổng thống Biden đã phải cắt ngắn chuyến thăm dự kiến tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hủy bỏ điểm dừng chân lịch sử ở Papua New Guinea để trở về nước tập trung cho cuộc đàm phán về giới hạn nợ công ở Washington. Ông đáng lẽ đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Papua New Guinea.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/hoi-nghi-thuong-dinh-dien-dan-quan-dao-thai-binh-duong-khang-dinh-cam-ket-thuc-chat-i344103/