Hội nghị Chủ tịch diễn đàn thị trường vốn thành công tốt đẹp dù còn dịch COVID-19

Trong khuôn khổ Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF), ngày 9/12 đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch ACMF lần thứ 33 theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã chủ trì và điều hành Hội nghị.

Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi các hội nghị và sự kiện thuộc kênh ACMF năm 2020 mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và điều phối.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường vốn các nước ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), Viện Tài chính Bền vững châu Á (SFIA).

Toàn cảnh hội nghị . Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ACMF, UBCKNN đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến ‘Tài chính Bền vững” là chủ đề xuyên suốt của năm 2020. Tại Hội nghị, Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN. Kết quả đầu ra của sáng kiến là “Lộ trình Phát triển bền vững Thị trường Vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10/2020 với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 05 năm tới.

Cũng trong chủ đề “Tài chính Bền vững”, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất ACMF sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững để tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu cho các mục tiêu liên quan đến bền vững. Việc đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ phát hành trái phiếu của ASEAN, trong đó có các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đã được ACMF đưa ra trong giai đoạn 2017-2018. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái tài chính bền vững trong khu vực, Hội nghị cũng thống nhất ACMF sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng một Hệ thống Phân loại xanh, bền vững của ASEAN.

Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN cũng đánh giá cao vai trò chủ trì và điều phối của UBCKNN Việt Nam trong việc chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (TTCK) và thành viên thị trường các nước ASEAN để xây dựng Kế hoạch Hành động ACMF giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đạt được Tầm nhìn ACMF 2025 trở thành một thị trường vốn ASEAN liên kết, toàn diện và linh hoạt. Hội nghị đã thông qua 5 ưu tiên chính của Kế hoạch Hành động.

Lãnh đạo các Ủy ban chứng khoán ASEAN họp qua trực tuyến. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Đó là, thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin; tiếp tục hài hòa hóa các quy định /khuyến khích các thỏa thuận công nhận lẫn nhau xuyên biên giới khu vực ASEAN; tăng cường xây dựng năng lực; tăng cường trao đổi và nhận thức; tăng cường hợp tác và phối hợp.

Bản Kế hoạch Hành động chi tiết sẽ được trình lên Hội nghị ACMF lần thứ 34 phê duyệt, đây sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động của ACMF trong 5 năm tới.

Các lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN tái khẳng định các cam kết để bảo đảm dòng chảy liên tục của thị trường dịch vụ tài chính và tin tưởng rằng đoàn kết và hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch và khôi phục tăng trưởng khu vực, đồng thời cam kết tiếp tục thực hiện các ưu tiên hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực, cùng với các tổ chức tài chính quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường ổn định tài chính trong khu vực ASEAN.

Hội nghị cấp Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN lần thứ 33 đã thành công tốt đẹp. Sang năm, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Brunei sẽ là Chủ tịch tiến trình Hội nghị Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN 2021.

Được biết, Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) được thành lập vào năm 2004 với sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN. Thành viên của ACMF bao gồm Lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước trong khu vực ASEAN. Các đối tác hiện nay của ACMF gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), Viện Tài chính Bền vững châu Á (SFIA), MSCI, Quỹ Thịnh vượng của Anh (UK-FCO)…

Cuối ngày 9/12, UBCKNN đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thêm thông tin xung quanh sự kiện này. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN phân tích, trong khuôn khổ ASEAN trình độ phát triển các nước khác nhau. Cụ thể, TTCK Singapore có trình độ cao hơn, trong khi đó, các nền kinh tế khác còn lại chậm phát triển hơn về nhiều khía cạnh như, các giao dịch, các chuẩn mực công bố thông tin…

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra Việt Nam và các nước ASEAN đều phải chủ động thích ứng. Việc xây dựng các chuẩn mực chung là đầy thách thức trong bối cảnh đại dịch, nên Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Riêng về thị trường vốn, bị tác động mạnh bởi COVID-19, thì UBCKNN đã có nhiều giải pháp thích ứng hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Thứ nhất, thực hiện các chủ trương chống dịch của Chính phủ, UBCKNN ngay lập tức chỉ đạo các sở GDCK, các công ty chứng khoán (CTCK) chuyển 100% hoạt động giao dịch sang trạng thái giao dịch trực tuyến, tránh tối đa tiếp xúc trực tiếp. Các sở, các công ty quyết liệt triển khai đã sẵn sàng chuyển các hoạt động sang trực tuyến thích ứng mọi hoàn cảnh, kể cả chuẩn bị sẵn bối cảnh khi sở GDCK, CTCK bị phong tỏa khi yêu cầu giãn cách xã hội.

“Đáng mừng là trong khoảng thời gian ngắn sau chỉ đạo của UBCKNN có chỉ đạo, các sở, các CTCK đều báo cáo sẵn sàng đáp ứng, chỉ có khoảng 3 CTCK không sẵn sàng đáp ứng điều kiện giao dịch trong kịch bản trụ sở bị phong tỏa do dịch”, ông Trần Văn Dũng chia sẻ.

Thứ hai, đề thích ứng với bối cảnh giãn cách do dịch COVID-19, các hoạt động thanh tra, giám sát trực tiếp được hạn chế tối đa. Để bảo đảm công tác giám sát, cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát kiểm tra trực tuyến, yêu cầu các tổ chức tham gia thị trường báo cáo sớm khi có nghi ngờ. Chính nhờ giám sát hiệu quả, các kết quả xử lý vi phạm không thua gì so với lúc thực hiện giám sát trực tiếp.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Trong bối cảnh COVID-19 , UBCKNN chủ động các giải pháp ổn định thị trường. Ví dụ, kiến nghị Bộ Tài chính cho giảm một số loại phí, thúc đẩy thanh khoản...

UBCKNN giảm thiểu một số thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ từ cả tuần xuống còn giải quyết trong 24 giờ cho doanh nghiệp.

Ngoài phản ứng linh hoạt của UBCKNN góp phần giúp ổn định thị trường, thì năm qua, sự nỗ lực bền bỉ của các DN, từ các ngành bị ảnh hưởng mạnh như du lịch, hàng không cho tới các ngành khá hơn như tài chính, bất động sản, dịch vụ y tế….có kết quả khả quan có đóng góp lớn cho thành công của TTCK Việt Nam vẫn bảo đảm tăng trưởng.

Trên bình diện ACMF, Việt Nam đã tận dụng tốt các diễn đàn, hội nghị trực tuyến để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong khối ACF để ứng phó với đại dịch COVID-19.

“Các chính sách phản ứng linh hoạt của Chính phủ, bộ ngành, trong đó có UBCKNN như vừa qua được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao, thậm chí được học hỏi, các tổ chức quốc tế khuyến nghị cho các cơ quan quản lý chứng khoán áp dụng rộng khắp trên thế giới”, ông Trần Văn Dũng nói.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/hoi-nghi-chu-tich-dien-dan-thi-truong-von-thanh-cong-tot-dep-du-con-dich-covid19/416624.vgp