Hội nghị cấp cao đặc biệt cho thấy 'Mỹ - ASEAN coi trọng lẫn nhau'

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận định việc Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN có thể thu xếp cùng dự hội nghị sắp tới cho thấy hai bên coi trọng lẫn nhau.

“Việc tổ chức hội nghị cấp cao an toàn trong đại dịch Covid-19 là một thách thức. Nhưng Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN đã có thể sắp xếp lịch trình rất bận rộn để tổ chức hội nghị, kể cả khi đại dịch còn đang tiếp diễn”, Đại sứ Osius, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, chia sẻ với Zing.

“Đây là bằng chứng cho thấy ASEAN quan trọng với Mỹ và Mỹ quan trọng với ASEAN”, ông nói trước thềm chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden để tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12-13/5.

Trong bối cảnh thế giới đang dè dặt bước khỏi đại dịch, việc tổng thống Mỹ mời lãnh đạo các nước ASEAN tới thủ đô Washington D.C. nhóm họp trực tiếp khẳng định một thông điệp quan trọng về mối quan hệ này.

Kỳ vọng thỏa thuận mới

Đại sứ Osius hy vọng qua hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ASEAN và Mỹ sẽ hoàn thành một số thỏa thuận thương mại, đưa ra một sáng kiến về giáo dục và các cam kết mới trong hợp tác phục hồi kinh tế sau đại dịch, phát triển bền vững, y tế hay công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN hôm 8/3. Ảnh: TTXVN.

“Chính quyền Tổng thống Biden đã phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với ASEAN là trung tâm. Hội nghị lần này sẽ giúp đưa ASEAN và Mỹ gần nhau hơn trong các vấn đề an ninh hay phát triển kinh tế”, ông Osius nói.

Đại sứ Osius nhận định việc phục hồi kinh tế, tái mở cửa, chuyển đổi năng lượng trước nguy cơ biến đổi khí hậu và phát triển kỹ thuật số sẽ là các nội dung cấp bách nhất được đưa ra trong tuyên bố chung hội nghị.

Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng Tổng thống Biden có thể đề cử đại sứ Mỹ tại ASEAN. Vị trí này đã bị khuyết từ năm 2017 và hiện Phái đoàn Mỹ tại ASEAN đang được lãnh đạo bởi Đại biện lâm thời Kate Rebholz.

Theo vị cựu đại sứ, hội nghị cũng chứng tỏ Mỹ vừa có khả năng tương tác với ASEAN như một khối, vừa có thể tương tác song phương với từng thành viên, điều mà các đối tác khác của ASEAN như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đã làm trong nhiều năm qua.

Đối với Mỹ, ASEAN là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cả về kinh tế lẫn chiến lược. Tháng 12/2021, ông Kurt Campbell, quan chức cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố việc tương tác với ASEAN là “một trong những sáng kiến quan trọng nhất” của Washington trong năm 2022.

Về phần mình, ông Osius cũng bày tỏ quan điểm tích cực về sự phát triển của kinh tế khu vực trong thời gian qua.

“Thành tích của ASEAN trong tăng trưởng kinh tế khu vực và sự phát triển để trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu châu Á cũng rất ấn tượng. Đây là nguyên nhân khiến 6 trong số 31 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trên thế giới đến từ ASEAN”, vị cựu đại sứ khẳng định.

Lịch trình dày đặc

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc trong các ngày 11-17/5. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của người đứng đầu chính phủ kể từ khi đảm nhiệm cương vị thủ tướng vào tháng 4/2021.

Ông Ted Osius từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam (2014-2017) và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có lịch trình rất dày đặc tại Mỹ với các hoạt động song phương với chính quyền, quốc hội, giới doanh nghiệp hay học giả Mỹ.

Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc hay bà con cộng đồng người Việt.

Đại sứ Osius mô tả chuyến thăm này “rất có ý nghĩa”. Ông đánh giá hợp tác chống biến đổi khí hậu và công nghệ là hai lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ hội hợp tác.

“Sự tham gia của ngài thủ tướng vào hội nghị COP26 cho thấy cam kết của Việt Nam trong giải quyết thách thức về khí hậu. Nhiệm vụ khó khăn lúc này là thực thi cam kết ấy và đây cũng là điều mà ngài Thủ tướng tỏ ra quyết tâm thực hiện”, ông nói.

“Ngài Thủ tướng cũng muốn tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng kỹ thuật số để đưa Việt Nam thịnh vượng và sáng tạo hơn", theo ông Osius.

Đại sứ Osius nhận định Mỹ có thể trở thành đối tác trong cả hai lĩnh vực này, cũng như trong việc duy trì môi trường hòa bình để Việt Nam tiếp tục hành trình hướng tới sự thịnh vượng cao hơn và hội nhập sâu hơn, như một đối tác thương mại đáng tin cậy với thế giới”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry bên lề hội nghị COP26 năm 2021. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Osius, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự định gặp gỡ nhiều quan chức kinh tế Mỹ cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các thành công về kinh tế và tạo dựng nền tảng kinh tế mạnh mẽ hơn cho quan hệ Việt - Mỹ.

“Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ”, Đại sứ Osius chia sẻ. “Việt Nam cũng là một trong những quốc gia châu Á tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) một cách ‘chiến lược’ nhất. Khả năng cạnh tranh về kinh tế và sự phát triển công nghiệp đang giúp Việt Nam tham gia vào hàng loạt chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu”.

Dù Việt Nam và Mỹ chưa chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, ông Osius tin rằng hai nước thực tế “đã ở trong mối quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2015”.

“Hai nước chúng ta đã hợp tác có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực - an ninh, thương mại và kinh tế, môi trường, giáo dục, y tế hay gìn giữ hòa bình”, vị cựu đại sứ chia sẻ. “Vào thời điểm nào đó, tên gọi sẽ bắt kịp với thực tế”.

Việt Hà - Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-cho-thay-my-asean-coi-trong-lan-nhau-post1315901.html