Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43: ASEAN thiết lập nền móng tương lai

Jakarta, Indonesia đang trong những bước chạy nước rút cuối cùng cho việc đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan kéo dài từ ngày 5 đến 7-9 với chủ đề 'ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng'.

Học sinh khu vực thủ đô Jakarta và một bộ phận công chức sẽ học tập và làm việc từ xa nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.

Bên cạnh sự hiện diện của người đứng đầu 9 tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, chuỗi hội nghị có quy mô lớn nhất từng được tổ chức trong lịch sử ASEAN này sẽ thu hút lãnh đạo các nước thành viên (Timor Leste với tư cách quan sát viên), 9 nước đối tác đối thoại đồng thời là các nước thành viên Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), cùng 2 quốc gia khách mời là Bangladesh (Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương - IORA) và Quần đảo Cook (Chủ tịch Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương - PIF).

Sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 hồi tháng 5 cũng tại Indonesia, đây là chuỗi hội nghị cấp cao thứ hai và cũng là chuỗi hội nghị quan trọng nhất trong năm được Chủ tịch ASEAN Indonesia đẩy sớm so với lịch trình thường lệ từ 1-2 tháng, để có thể kịp thời đưa ra các quyết sách, chỉ đạo cần thiết thay vì đợi đến cuối năm, cũng như phù hợp với lịch trình của các sự kiện quốc tế lớn khác như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Ấn Độ.

Trong thời gian qua, ASEAN đã đạt được những hiệu suất kinh tế vĩ mô hết sức tích cực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 5,7% giữa lúc cả thế giới vẫn đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Trong bối cảnh đó, chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm duy trì, củng cố khả năng phục hồi (hiện tại); tận dụng, phát huy các động lực mới (tương lai gần); và xây dựng tầm nhìn dài hạn (tương lai xa). Trên tinh thần đó, chuỗi hội nghị lần này tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế, và biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.

Tiếp bước các Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I (1976), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (2003), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN III (2011), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 đặt mục tiêu thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV, làm nền tảng cho Tầm nhìn ASEAN 2045 - văn kiện quan trọng mang tính chất "kim chỉ nam" giúp ASEAN vững vàng tiến lên phía trước.

Với trọng tâm "ASEAN Tầm vóc", hội nghị sẽ thảo luận và thống nhất một số nội dung bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN, nhất là trong các tình huống khủng hoảng; thảo luận về sự cần thiết tăng cường các hoạt động ngoại giao tại Jakarta - nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN (ASEC) thúc đẩy ASEC thông qua việc tổ chức các hội nghị tại đây; tăng cường vai trò của Tổng thư ký ASEAN; và gia tăng nguồn kinh phí đóng góp.

Trọng tâm "Tâm điểm tăng trưởng" là nội dung được các nhà lãnh đạo ASEAN ưu tiên tập trung thảo luận nhằm đạt được sự thống nhất thông qua một tuyên bố cấp cao. Các thành tố trong tuyên bố này bao gồm: Thúc đẩy phục hồi trong ASEAN để sẵn sàng ứng phó với các cú sốc trong tương lai với nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng…; tận dụng các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh...

Trọng tâm thứ tư, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Chủ tịch ASEAN năm 2023 sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF), quy tụ những người ra quyết sách và khu vực tư nhân nhằm trao đổi ý tưởng, thảo luận về hợp tác kinh tế và khai thác tiềm năng của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, vì hòa bình và sự phát triển thịnh vượng của người dân.

Phát huy vai trò trung tâm của mình, tại chuỗi hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ chỉ đạo, định hướng cho hợp tác với một số đối tác quan trọng trong các lĩnh vực cụ thể với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham dự chuỗi Hội nghị. Với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục mang tới nhiều đóng góp quan trọng cho thành công chung của hội nghị, cùng mong muốn về một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát triển, vững mạnh và là lực lượng hạt nhân trong duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

HỮU CHIẾN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-lan-thu-43-asean-thiet-lap-nen-mong-tuong-lai-post282900.html