Hội Khuyến học Thái Bình và Nghệ An tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập

Ngày 26/4, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập và giới thiệu đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh Thái Bình.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền và Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền chủ trì Tọa đàm. Ảnh: HKH Thái Bình

Dự Tọa đàm có lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An và Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình và Nghệ An.

Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất nhận định: những năm qua, việc xây dựng các mô hình học tập ở 2 tỉnh Thái Bình và Nghệ An đã có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, xã hội của người dân trong cộng đồng cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Từ phạm vi nhỏ nhất là mỗi công dân, cho đến qui mô gia đình, dòng họ, thôn, bản, tổ dân phố, đơn vị và cộng đồng đều có sự phát triển mạnh mẽ gắn kết phong trào xây dựng các mô hình học tập với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới", "Nông thôn mới nâng cao", "Đô thị văn minh", giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tuy nhiên, thực tiễn khi triển khai các mô hình học tập cho thấy việc nhân rộng, phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình đang gặp phải những khó khăn, bất cập. Công tác tuyên truyền về học thường xuyên, học suốt đời, xây dựng các mô hình học tập và xây dựng xã hội học tập chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân trong xã hội về vị trí, vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa đồng đều, chưa thực sự chuyển biến trước yêu cầu mới. Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân còn nhiều hạn chế; vì thế, việc hình thành văn hóa học tập trong cộng đồng lấy tự học làm cốt lõi chưa rõ nét. Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của nhân dân.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: HKH Thái Bình

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất đối với các cấp hội và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; công tác phối hợp, công tác phát triển tổ chức hội và hội viên; công tác xây dựng quỹ khuyến học để hỗ trợ các hoạt động giáo dục; công tác kiểm tra, đôn đốc và công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu; cần tích cực chuyển đổi số trong công tác khuyến học.

Hội Khuyến học 2 tỉnh Thái Bình và Nghệ An nhất trí phối hợp nhiều mặt công tác, thúc đẩy phong trào khuyến học tại 2 địa phương này. Ảnh: HKH Thái Bình

Qua đó, sớm đưa tỉnh Thái Bình và tỉnh Nghệ An trở thành "Tỉnh học tập", góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Tại Tọa đàm, các đại biểu được lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình giới thiệu đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030.

Cán bộ khuyến học 2 tỉnh Thái Bình và Nghệ An tham quan chùa Keo - di tích danh thắng nổi tiếng tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: HKH Thái Bình

TTH

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-khuyen-hoc-thai-binh-va-nghe-an-toa-dam-giai-phap-nang-cao-chat-luong-cac-mo-hinh-hoc-tap-179240426164507967.htm