Hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn

Hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn được tổ chức hằng năm nhằm duy trì và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên mảnh đất vùng cao của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Từ ngày 20 - 23/2 (tức ngày 11 – 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Giang (diễn ra từ ngày 20 – 26/2), huyện Lục Ngạn đã tổ chức Hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn năm 2024.

Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn vốn được bắt nguồn từ phiên chợ Tân Sơn diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm bên dòng thác Lười thơ mộng của đồng bào dân tộc Nùng, Tày cùng với những câu hát Sloong hao, Sli, Lượn ngọt ngào, say đắm lòng người của các đôi trai gái vào mùa xuân ở nơi đây.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn Chu Văn Trọng đánh trống khai hội

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn Chu Văn Trọng cho biết: Hội hát và phiên chợ Xuân vùng cao được tổ chức nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển và giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và những tiềm năng nổi bật về du lịch của huyện Lục Ngạn.

Qua đó tiến tới xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của địa phương, kết nối với không gian văn hóa - du lịch giàu tiềm năng của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để khai thác phát triển du lịch của địa phương.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ khai mạc

Theo truyền thống từ lâu đời, Tết của người dân tộc vùng cao diễn ra từ những ngày đầu năm mới đến hết rằm tháng Giêng mới hạ cây nêu, cũng là những chuỗi ngày hội xuân của đồng bào. Ngày 11, 12 tháng Giêng hàng năm, nhân dân các dân tộc Tày, Nùng ở trong và ngoài huyện tại nô nức hẹn hò, về chợ Thác Lười - Tân Sơn.

Tiếp đó từ ngày 13, 14, 15 là đến phiên chợ Phong Vân. Những phiên chợ vùng cao chính là điểm hẹn truyền thống của nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện.

Phiên chợ là nơi người dân ở các xã vùng cao như Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân… không chỉ để mua bán trao đổi hàng hóa mà đến để trò chuyện, trao duyên, hò hẹn. Trên khắp trên các sườn đồi, bờ suối, đều vang lên âm thanh tha thiết của những chiếc kèn môi gọi bạn, những làn điệu Sloong hao cứ dập dìu, da diết…

Biểu diễn hát Sloong hao trên sân khấu

Những chàng trai những cô gái ai cũng diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, độc đáo nhất để đến chợ, những sắc áo chàm xanh ngắt, xanh như màu rừng núi quê hương.

Họ hát với nhau tại bất kỳ địa điểm nào có thể hát, mới đầu họ hát với nhau theo từng đoàn để làm quen sau họ bắt đầu hát riêng thành từng cặp. Cứ như vậy họ hát cả ngày cả đêm và cũng trong hoàn cảnh như vậy mà có biết bao đôi trai gái đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng.

“Chính vì thế mà phiên chợ vùng cao Tân Sơn, Phong Vân từ lâu được người dân quen gọi là “chợ tình”, là nguồn gốc của tên gọi “Chợ tình Thác Lười - Tân Sơn” được lưu truyền đến ngày nay. Với nét đẹp rất riêng không ở đâu có, “Chợ tình Tân Sơn" thu hút ngày càng đông đảo nhân dân các dân tộc, bạn bè, du khách từ khắp các địa phương, các tỉnh, huyện bạn về tham quan, giao lưu, chảy hội”, ông Chu Văn Trọng thông tin.

Hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao Lục Ngạn năm nay được tổ chức với nhiều nội dung chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc.

Du khách có cơ hội được thưởng thức không gian văn hóa từ trang phục, đồ thủ công đến ẩm thực đặc trưng như xôi 3 màu, các loại bánh lá, thịt lợn quay, gà đồi, thịt chua… hòa quyện với cảnh sắc núi rừng tươi đẹp và tấm lòng hiền hòa mến khách của người dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Trong khuôn khổ ngày hội, nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức như: Bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, nhảy dây, cướp cờ, bịt mắt bắt lợn, chọi dê... Tổ chức thi đấu các môn thể thao: Giải bóng chuyền nam, giải bóng đá Cúp Thanh niên vùng cao tại sân vận động xã Phong Vân…

Một góc bản cổ Bắc Hoa

Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức khảo sát các điểm đến để xây dựng tuor du lịch mùa Xuân, kết hợp chặt chẽ giữa việc tham quan các thắng cảnh, bản Bắc Hoa, vườn hoa trái với trải nghiệm, giao lưu văn hóa. Tổ chức chương trình famtrip mời các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch, lữ hành tham gia khảo sát, bàn giải pháp phát triển du lịch trong mùa Xuân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các thắng cảnh, vùng đất, con người Lục Ngạn; đặc biệt tuyên truyền về các lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống; các vườn hoa mùa Xuân...

“Để thu hút du khách, các hợp tác xã du lịch của huyện đã được hướng dẫn xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, tạo cảnh quan để đón khách; liên kết giữa các hợp tác xã, nhà vườn trong xây dựng tuor, tuyến, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn.

Đặc biệt quan tâm đưa khách đến thăm quan các điểm, các hoạt động du lịch thế mạnh của huyện trong mùa Xuân như các lễ hội truyền thống, Hội hát và “Chợ Tình Tân Sơn”; các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc, thăm bản Bắc Hoa và hồ Cấm Sơn, thăm các vườn hoa mơ, hoa mận...”, Phó Chủ tịch Thường trực huyện chia sẻ.

Quỳnh Hoa/Báo Văn hóa Ảnh: Thế Đại

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hoi-hat-sloong-hao-va-phien-cho-xuan-vung-cao-luc-ngan-post1078021.vov