Hội đủ nhân duyên

Hiếm quốc gia nào như Việt Nam được hai lần tặng cây bồ đề ươm từ Cây bồ đề Vĩ đại Cát tường (Jaya Sri Maha Bodhi) ở thánh tích Mahavihara, Sri Lanka. Theo Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Hồ Thị Thanh Trúc, điều này thể hiện tình cảm đặc biệt của Nhà nước Sri Lanka và trụ trì chùa Bomaluwa dành cho Việt Nam nói chung, Phật tử Việt Nam nói riêng.

Thấy cây bồ đề cũng như thấy Đức Phật”

Trong Phật giáo, cây bồ đề - nơi Đức Phật ngồi thiền và đắc đạo, là biểu tượng của trí tuệ và sự giác ngộ. Vì thế, suốt thời gian Đức Phật còn tại thế, cây bồ đề đã rất được kính trọng, thờ phụng. Đức Phật Thích Ca từng dặn hầu cận của mình rằng: mỗi khi tín đồ tới tịnh xá lễ bái mà không có Phật ở đó, thì có thể bảo họ chiêm bái cây bồ đề, “thấy cây bồ đề cũng như thấy Đức Phật vậy”.

Cây bồ đề Vĩ đại Cát tường hơn 2300 tuổi - báu vật của đất nước Sri Lanka

Cây bồ đề Vĩ đại Cát tường hơn 2300 tuổi - báu vật của đất nước Sri Lanka

Cây bồ đề nguyên thủy ở Bodh Gaya (Bồ đề đạo tràng, Ấn Độ) mà Đức Phật ngồi thiền khi Ngài giác ngộ tồn tại đến thời vua Asoka (A Dục), được nhà vua xây rào bảo vệ và đến thăm hàng ngày. Nhà vua cũng đã nhân rộng cây quý này bằng cách chiết cành, gửi trồng tại nhiều địa điểm khác trên cả nước, thậm chí đưa ra cả nước ngoài.

Cây bồ đề Vĩ đại Cát tường (Jaya Sri Maha Bodhi) được chiết từ nhánh phía Nam của cây bồ đề thiêng ở Bodh Gaya. Năm 236 Phật lịch, vua Asoka phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng nhà vua của quốc đảo Sri Lanka, trồng ở cố đô Anuradhapura. Cây bồ đề Vĩ đại Cát tường được coi là quốc bảo của Sri Lanka, được các nhà vua đích thân chăm sóc, đến sau này thì bàn giao cho ngôi chùa Bomaluwa trông coi.

Trải qua thời gian và thăng trầm lịch sử, trong khi cây bồ đề nguyên thủy ở Bodh Gaya đã bị chặt và thiêu hủy, kỳ diệu thay, cây bồ đề hơn 2300 năm tuổi này vẫn hiện hữu trên quê hương của Phật pháp, vẫn đâm chồi nảy lộc và tỏa bóng, mỗi năm đón hàng triệu lượt Phật tử đến chiêm bái và đảnh lễ. Hiện gốc cây bồ đề được dựng hàng rào bảo vệ xung quanh, hạn chế người tiếp cận gần để tránh gây tổn hại cho cây. Cành duy nhất được cho là còn lại của cây bồ đề gốc được chống đỡ bởi các cột mạ vàng, cũng là nơi mọi người có thể chạm vào gửi nguyện cầu tới Đức Phật...

Chính bởi ý nghĩa lịch sử và tôn giáo như thế, theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì chùa Bái Đính, việc được tặng một cây bồ đề ươm từ cội bồ đề Vĩ đại Cát tường về trồng tại chùa Bái Đính là sự tiếp nối tinh thần từ bi, trí tuệ của Đức Phật và lan tỏa đến mọi người, ban phúc cho nhân dân và Phật tử Việt Nam. Đây cũng chính là chất keo gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết, đặc biệt là mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam - Sri Lanka.

Hòa thượng Pallegama Hemarathana, trụ trì chùa Bomaluwa, cố đô Anuradhapura, bàn giao cây bồ đề thiêng cho Việt Nam

Hòa thượng Pallegama Hemarathana, trụ trì chùa Bomaluwa, cố đô Anuradhapura, bàn giao cây bồ đề thiêng cho Việt Nam

Món quà dành tặng nhân dân Việt Nam

Là người trực tiếp kết nối, phối hợp tổ chức rước cây bồ đề thiêng về Việt Nam lần này, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Hồ Thị Thanh Trúc cho biết, đây là kết quả của 5 chuyến công tác trực tiếp từ thủ đô Colombo tới cố đô Anuradhapura từ tháng 8.2022 và rất nhiều cuộc trao đổi trực tuyến, email…

Đại sứ Hồ Thị Thanh Trúc cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc lần thứ hai tặng cây bồ đề thiêng cho Việt Nam (cây đầu tiên được Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2018, trồng ở chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019 - PV), thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Nhà nước Sri Lanka và trụ trì chùa Bomaluwa dành cho Việt Nam nói chung, Phật tử Việt Nam nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Phật giáo, Tôn giáo và Văn hóa Sri Lanka Somarathne Vidanapathirana nói, Sri Lanka rất vui mừng được tặng món quà này cho nhân dân Việt Nam; mong rằng cây bồ đề thiêng sẽ phát triển sum sê, bắt rễ sâu vào đất Việt, thể hiện tinh thần gắn kết về văn hóa, tôn giáo giữa hai đất nước. Và rồi đây, thông qua cây bồ đề này, người dân Việt Nam sẽ biết nhiều hơn về đất nước, con người, văn hóa, Phật giáo của Sri Lanka; du khách Sri Lanka sẽ đến Việt Nam đông hơn để thăm lại những cây bồ đề thiêng được chiết, được ươm từ Cây bồ đề Vĩ đại Cát tường ở thánh tích Mahavihara.

Đại sứ chỉ định của Sri Lanka tại Việt Nam A. Saj U. Mendis cũng đã nhìn ra triển vọng tăng cường hợp tác giữa hai nước từ sự kiện này: “Việt Nam và Sri Lanka có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo. Đã có nhiều tu sĩ, Phật tử Việt Nam tu học tại Sri Lanka và chúng tôi hy vọng trong tương lai rất gần sẽ thành lập các trung tâm thiền để thúc đẩy hoạt động trao đổi kinh nghiệm về thiền tập, xa hơn là công tác hoằng pháp, học pháp giữa các tăng, ni hai nước. Sự kiện này cũng có thể thúc đẩy du lịch giữa Sri Lanka và Việt Nam, đặc biệt là du lịch hành hương”.

Bài và ảnh: Hương Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/hoi-du-nhan-duyen-i320463/