Hỏi-đáp pháp luật: Thẩm quyền xử lý đối với người vi phạm thuộc quyền quản lý của trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và chức vụ tương đương được quy định như thế nào?

* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thẩm quyền xử lý đối với người vi phạm thuộc quyền quản lý của trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và chức vụ tương đương được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 5, Điều 12, Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:

Trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và chức vụ tương đương được quyền:

a) Khiển trách đến tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,8;

b) Cảnh cáo đến đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; trạm trưởng biên phòng và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thiếu tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,1;

c) Giáng chức, cách chức tiểu đội trưởng và tương đương;

d) Giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đến cấp trung sĩ.

* Hỏi: Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với dân quân tự vệ được quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 31, Thông tư số 75/2020/TT-BQP ngày 19-6-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với dân quân tự vệ. Cụ thể như sau:

1. Người vi phạm phải tự kiểm điểm bằng văn bản trước tập thể cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp người vi phạm vắng mặt, không tự kiểm điểm thì cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tại gia đình, địa phương nơi người vi phạm cư trú và lập biên bản về sự vắng mặt của người vi phạm. Biên bản xác minh được công bố trước cơ quan, đơn vị và có giá trị như bản tự kiểm điểm của người vi phạm.

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người vi phạm họp kiểm điểm hành vi vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật. Trường hợp người vi phạm vắng mặt thì căn cứ vào biên bản xác minh, hồ sơ vi phạm, hành vi vi phạm kỷ luật của người vi phạm, cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc họp kiểm điểm và đề xuất hình thức kỷ luật.

3. Người chỉ huy trực tiếp hoặc ủy quyền xác minh và gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến. Trường hợp người vi phạm vắng mặt thì người chỉ huy căn cứ vào biên bản xác minh, hồ sơ vi phạm để kết luận hành vi vi phạm, hình thức kỷ luật.

4. Kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật.

5. Báo cáo cấp ủy đảng có thẩm quyền xem xét, thông qua (nếu có).

6. Ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật theo quyền hạn phân cấp.

7. Công bố quyết định kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị, cơ quan, tổ chức.

QĐND

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-tham-quyen-xu-ly-doi-voi-nguoi-vi-pham-thuoc-quyen-quan-ly-cua-trung-doan-truong-lu-doan-truong-chinh-uy-trung-doan-lu-doan-va-chuc-vu-tuong-duong-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-767314