Hội An đánh giá về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Ngày 4/12, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức gặp mặt, trao đổi về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An năm 2023 với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các địa phương, chủ di tích, cộng tác viên bảo tồn di sản, nhà nghiên cứu…

Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), 24 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2023) và 6 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017 - 7/12/2023).

Quang cảnh buổi gặp mặt, trao đổi về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An năm 2023.

Chống đỡ các di tích xuống cấp

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Nghị quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng để có định hướng nhiều năm cho công tác bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa Hội An, tiếp nối "Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP. Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025" đã được thực hiện từ năm 2012. Thành phố đã tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 để trình Chính phủ thông qua trong năm 2023.

Năm 2023, công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá tình hình di tích trên địa bàn Hội An tiếp tục được duy trì định kỳ, qua đó kịp thời chấn chỉnh những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý di tích; đồng thời đánh giá, xác định mức độ xuống cấp, có giải pháp chống đỡ các di tích xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ trong và ngoài khu phố cổ.

Công tác giám sát tình hình xây dựng, sửa chữa, tu bổ di tích/nhà ở, trật tự kinh doanh trong khu phố cổ thường xuyên được duy trì với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, nhất là các đợt ra quân lập lại trật tự kinh doanh, buôn bán, trưng bày hàng hóa trên các tuyến đường trong khu phố cổ. Mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản trong khu phố cổ tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, điều tra tình trạng buôn bán chuyển nhượng, sở hữu các di tích trong khu phố cổ; tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn di sản…

Một số di tích có giá trị được đầu tư đo vẽ hiện trạng bổ sung hồ sơ lưu trữ. Một số di tích như: Di chỉ cổ học Bãi Ông ở xã Tân Hiệp, khu vực di tích lăng Thành Hoàng ở phường Cẩm An, bến đò thôn Thanh Tam ở xã Cẩm Thanh… được nghiên cứu, xây dựng các phương án đầu tư bảo tồn, phát huy.

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Công tác kiểm kê, nhận diện các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được triển khai lồng ghép vào các đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh. Năm 2023, Hội An đã xây dựng và trình 3 hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tết Trung thu ở Hội An, nghề làm tre dừa Cẩm Thanh, nghề đan võng ngô đồng, trong đó hồ sơ Tết Trung thu ở Hội An đã được công nhận, 2 hồ sơ còn lại đang được xem xét.

Ngoài ra, phương án quản lý phát huy các di sản phi vật thể quốc gia cũng đang được xây dựng, trình UBND TP. Hội An phê duyệt triển khai trong năm 2024.

Các lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống do Hội An tổ chức diễn ra thành công, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, hoạt động dựng cây Nêu ngày Tết đã thu hút 44 đơn vị tham gia. Nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương và tại các di tích như lễ hội Cầu Bông, lễ hội Cầu Ngư, lễ giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng, lễ giỗ Tổ nghề gốm Thanh Hà… thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng và du khách.

Nhiều dự án đầu tư tu bổ di tích được xúc tiến, triển khai. Đặc biệt, dự án phòng cháy chữa cháy cho khu phố cổ cơ bản hoàn thành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư; dự án Tôn tạo di tích Cây Thông Một đã được thông qua phương án; dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu đã triển khai thi công; dự án trưng bày di tích Nhà lao Hội An đã hoàn thành…

Về việc hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích tư nhân - tập thể, có 11 di tích đã được hỗ trợ hoặc có chủ trương đầu tư như: Nhà số 41 Trần Phú, 46 và 10/17 Nguyễn Thị Minh Khai, Nhà thờ tộc Trương (Cẩm Kim), Nhà thờ tộc Huỳnh (Cẩm Nam)… Huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo nhiều di tích vùng ven. Nhiều di tích cộng đồng được các tổ chức, cá nhân quan tâm ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần như: Di tích Lăng Ông ở Cẩm An, Nhà thờ tộc Nguyễn Viết ở Thanh Hà...

Đối với công tác tu bổ di tích nhà ở trong khu phố cổ, tính đến ngày 31/10/2023, có 120 hồ sơ đã được cấp phép triển khai.

Các điểm bảo tàng, di tích thường xuyên được đầu tư nâng cấp trưng bày nhằm nâng cao chất lượng, thu hút du khách, hướng đến xây dựng điểm du lịch xanh; trong đó Bảo tàng Văn hóa Dân gian đã đạt được tiêu chí này. Đặc biệt, hình thành điểm tham quan di tích Nhà lao Hội An với 1.005 lượt người đến tham quan, trải nghiệm.

Công tác đối ngoại trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa thu hút sự đầu tư, hợp tác tham vấn các chuyên gia, tổ chức Nhật Bản trong dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu; với thành phố Wernigerode - CHLB Đức liên quan dự án "Con đường sinh thái - Hội An" và thiết kế, thi công hình thành "Khu vườn Hội An tại thành phố Wernigerode".

Hội An đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu.

Còn nhiều vấn đề cần khắc phục

Thực tế cho thấy có một số vấn đề cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là các chủ di tích và cộng đồng. Chẳng hạn, tình trạng tự ý tu sửa nhà- di tích. Cơ quan chức năng phát hiện 46 trường hợp sai phạm, lập biên bản xử phạt 3 trường hợp; làm việc và lập biên bản đề nghị khắc phục 18 trường hợp, nhắc nhở khắc phục đối với những trường hợp còn lại.

Đề án gánh hàng rong có nhiều biến tướng như: thay đổi mặt hàng buôn bán, hình thức gánh hàng rong không còn mang yếu tố truyền thống… Tình trạng cò mồi, buôn bán chim tre vẫn diễn ra thường xuyên. Các chợ đêm trong khu phố cổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng cháy chữa cháy.

Tình trạng che chắn không gian kiến trúc sân trời, sân sau, mái hiên, trưng bày hàng hóa không phù hợp, ánh sáng trắng diễn ra khá phổ biến trong các ngôi nhà ở khu phố cổ.

Đối với di tích vùng ven, nhất là ở một số di tích cộng đồng, công tác vệ sinh, sắp đặt vật dụng trong khuôn viên di tích chưa thật sự bảo đảm mỹ quan. Tại nhiều di tích, cỏ dại mọc nhiều trong khuôn viên chưa được chăm nom thường xuyên. Một số di tích trở thành địa điểm tập kết, kho chứa vật dụng của những gia đình lân cận, một số cá nhân sử dụng khuôn viên di tích làm điểm giữ xe, buôn bán hàng quán làm mất đi tính linh thiêng của công trình tín ngưỡng. Một số bia ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng ít được chăm sóc thường xuyên. Nhiều di tích vẫn luôn trong tình trạng đóng cửa...

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, đánh giá lại một năm sắp đi qua, chúng ta tự hào vì đã đạt được rất nhiều thành quả trên lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa. Tuy vậy, chắc chắn sẽ có những vấn đề khó khăn, hạn chế nảy sinh chưa thể làm chúng ta hài lòng.

Vì thế, tại buổi gặp mặt này, lãnh đạo Thành phố mong muốn được lắng nghe ý kiến từ góc độ nhìn nhận từ nhiều phía của các cơ quan quản lý, các địa phương, các chủ di tích, cộng tác viên bảo tồn di sản, các nhà nghiên cứu... để làm sáng tỏ hơn các vấn đề có liên quan. Đặc biệt là những đề xuất giải pháp hiệu quả để khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Từ đó tạo nên sự đồng lòng, gắng sức, cùng nhau chia sẻ khó khăn để hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Hội An trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cũng chia sẻ, việc Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO mới đây sẽ mở ra nhiều cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hơn thương hiệu Di sản văn hóa Hội An, đẩy mạnh phát triển văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Trước mắt Hội An sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả các nội dung sáng kiến đã cam kết với UNESCO.

Đức Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hoi-an-danh-gia-ve-cong-tac-quan-ly-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-20231204152929802.htm