Học viện Tài chính - Nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho xã hội

Học viện Tài chính đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển với những thành tựu và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khởi đầu của hành trình là sự ra đời của Trường Cán bộ tài chính kế toán trung ương, sau đó, lần lượt mang các tên gọi Trường Cán bộ tài chính kế toán ngân hàng trung ương, Trường Đại học Tài chính Kế toán, Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội và nay là Học viện Tài chính.

GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (thứ 7 bên phải sang) và TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (thứ 5 bên trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ cán bộ, sinh viên Học viện Tài chính.

Cống hiến xuất sắc cho đào tạo và nghiên cứu khoa học

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính, sau 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính đã cung cấp cho xã hội gần 150.000 cử nhân, gần 10.000 thạc sĩ kinh tế và trên 500 tiến sĩ. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của đội ngũ cán bộ, giảng viên học viện đã có nhiều đóng góp giá trị trong công tác hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, tài chính của quốc gia, ngành và địa phương. Các nhà khoa học của học viện có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng các dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế - tài chính.

Nghiên cứu mang tính thời sự và thực tiễn cao

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Học viện Tài chính đã liên kết đào tạo với các trường đại học danh tiếng trên thế giới, như Trường Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) hay trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) và các trường đại học khác, đã đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xây dựng và phát triển đất nước.

Những vấn đề mà Học viện Tài chính nghiên cứu mang tính thời sự và tính thực tiễn rất cao, từ đó tham mưu cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, cho Bộ Tài chính và Chính phủ trong điều hành và quản lý ngân sách, quản lý thị trường tài chính, quản lý tài sản công và những vấn đề mới, những vấn đề dự báo trong tương lai để thúc đẩy quá trình quản lý kinh tế một cách chặt chẽ hơn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Hàng năm, bình quân có khoảng 170 đề tài khoa học các cấp được Học viện Tài chính chủ trì nghiên cứu, trong đó có khoảng 10 đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh. Số lượng công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín của các nhà khoa học của học viện trong những năm gần đây bình quân khoảng 100 bài một năm, đặc biệt giai đoạn 2019 - 2022 đã có sự gia tăng rất ấn tượng, gấp gần 2,5 lần so với ba năm trước đó.

Cán bộ, giảng viên của học viện cũng có rất nhiều đóng góp trong công tác bồi dưỡng cán bộ, cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho công chức, viên chức của Bộ Tài chính, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác trong nền kinh tế. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cho biết, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tập thể cán bộ, giảng viên của học viện cũng rất tích cực hoạt động cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà trường như: tuyên truyền đường lối, chính sách về kinh tế - tài chính của Đảng và Nhà nước trên các kênh truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông đại chúng; tuyên truyền về việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tài chính; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; làm chuyên gia cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ; tích cực ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện…

Các thế hệ sinh viên, học viên được xã hội đánh giá cao

GS-TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên Học viện Tài chính.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cho hay, trong 60 năm qua, tất cả các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Học viện Tài chính tốt nghiệp đều được xã hội đón nhận, được người sử dụng đánh giá cao về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, nhiều cựu sinh viên của học viện đã và đang đảm nhận các vị trí hết sức quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ từ trung ương đến địa phương, trong các tập đoàn, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài.

Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, bồi dưỡng cán bộ, Học viện Tài chính đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Tự do "ITSARA" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Năm nay, nhân dịp Học viện Tài chính kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba cho Học viện Tài chính. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, đã có 9 nhà giáo của Học viện Tài chính được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 63 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vì những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ. “Những kết quả đáng tự hào đó là nhờ lớp lớp các thế hệ lãnh đạo Học viện Tài chính qua các thời kỳ và tập thể sư phạm học viện đã luôn quan tâm đến việc hoàn thiện và đổi mới, cập nhật, hiện đại hóa nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và quản lý, phục vụ; thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; làm tốt công tác kiểm định và quản lý chất lượng đào tạo…” - PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh.

ÔNG CHU QUANG HẢI - CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN NGHỆ AN: Phát triển nhanh và mạnh mẽ trên tất cả các mặt

Là một cựu sinh viên khóa 28 của Học viện Tài chính, tôi nhận thấy trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính, bằng sự đồng lòng, đoàn kết, đổi mới sáng tạo của tập thể sư phạm, học viện đã có bước phát triển rất nhanh và mạnh mẽ trên tất cả các mặt. Cụ thể, về hoạt động đào tạo, học viện là nơi có sức hút rất lớn các thí sinh và phụ huynh, điển hình gia đình tôi có 3 thế hệ với 10 người từng theo học tại Học viện Tài chính, với kiến thức được đào tạo chuyên sâu nên các cử nhân ra trường đáp ứng được rất tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng. Về hoạt động nghiên cứu khoa học, học viện đã tập trung triển khai tổ chức đa dạng và chất lượng, trong đó số lượng các công bố quốc tế ngày càng gia tăng.

BÀ NGUYỄN ĐỨC THẠCH DIỄM - PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐQT, TỔNG GIÁM ĐỐC SACOMBANK: Hơn 30% cán bộ quản lý tốt nghiệp từ Học viện Tài chính

Tôi đánh giá cao nguồn nhân lực tốt nghiệp từ Học viện Tài chính. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với sự năng động, nhiệt huyết, tính chuyên nghiệp và tác phong của các bạn ngay từ những ngày đầu làm việc. Tại Sacombank có hơn 30% cán bộ quản lý trên tổng số cán bộ nhân viên tốt nghiệp từ Học viện Tài chính. Điều đó thể hiện rằng, năng lực của các bạn đã được Sacombank ghi nhận, giá trị đóng góp cho sự phát triển Sacombank là rất ấn tượng.

Sacombank hướng tới việc tiếp tục đồng hành cùng Học viện Tài chính trong tất cả các hoạt động như: ngày hội tuyển dụng; hội chợ việc làm; tuyển dụng thực tập viên tiềm năng Sacombank, Sacombank Tour, học bổng Sacombank ươm mầm cho những ước mơ, chương trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng làm việc… nhằm giúp sinh viên nâng cao năng lực, kỹ năng và nhanh chóng hội nhập, đáp ứng tốt kỳ vọng của doanh nghiệp trong tương lai.

Đức Việt (ghi)

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoc-vien-tai-chinh-nguon-cung-cap-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-xa-hoi-139645.html